Cơ hội xuất khẩu sang Nhật

02/10/2009 16:46 PM

Từ ngày 1.10, Hiệp định đối tác kinh tế VN - Nhật Bản (JVEPA) chính thức có hiệu lực. Ít nhất 86% hàng nông lâm thủy sản và 97% hàng công nghiệp VN xuất sang Nhật Bản được hưởng ưu đãi thuế.

Từ ngày 1.10, Hiệp định đối tác kinh tế VN - Nhật Bản (JVEPA) chính thức có hiệu lực. Ít nhất 86% hàng nông lâm thủy sản và 97% hàng công nghiệp VN xuất sang Nhật Bản được hưởng ưu đãi thuế.

Hàng VN vào Nhật

Hàng dệt may VN có cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường Nhật do được giảm thuế - Ảnh: D.Đ.M 

Theo JVEPA, thuế suất bình quân đối với hàng VN vào Nhật sẽ giảm dần xuống 2,8% vào năm 2018; ngược lại, hàng từ Nhật vào VN sẽ giảm dần xuống 7% vào năm 2018. Trong vòng 10 năm, 94,5% kim ngạch xuất khẩu của VN và 87,6% của Nhật sẽ được miễn thuế nhập khẩu.

Công ty may Sài Gòn 3 (TP.HCM) ước tính, kim ngạch xuất khẩu cả năm 2009 vào Nhật sẽ đạt từ 45 - 50 triệu USD, tăng 10% so với năm 2008. Do sản phẩm may mặc có nguyên liệu từ VN hay ASEAN được giảm thuế nhập khẩu từ 10% xuống 0% nên nhiều khách hàng Nhật tìm sang VN. Theo ông Phạm Xuân Hồng, Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam: “Thời điểm này, các DN Việt Nam có thể liên kết với nhau để gia tăng việc xuất khẩu vào thị trường Nhật”. Tuy nhiên, ông Hồng cho rằng các DN cũng phải cân nhắc, nên tăng trưởng từ từ nhằm đảm bảo tỷ lệ giữa các thị trường xuất khẩu, tránh rủi ro khi tập trung quá nhiều vào một thị trường nào đó.


Theo số liệu của Bộ Công thương, thị phần hàng VN ở Nhật còn khá khiêm tốn, hiện mới đạt xấp xỉ 1,19% trên tổng kim ngạch nhập khẩu của nước này, thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực (Malaysia là 3,05%; Thái Lan 2,73%; Indonesia 4,27%; Trung Quốc 18,83%).


Có ít nhất 86% hàng nông lâm thủy sản VN được hưởng ưu đãi về thuế, trong đó mặt hàng tôm được giảm thuế nhập khẩu xuống 1 - 2% ngay khi hiệp định có hiệu lực. Tuy nhiên, các DN thủy sản vẫn tỏ ra thận trọng, bởi dù có lợi thế về thuế, song chất lượng sản phẩm vẫn là yếu tố quan trọng, quyết định sản lượng tăng nhiều hay ít. Một DN cho biết: “Nhật vẫn áp dụng các biện pháp giám sát khắt khe để đảm bảo an toàn cho thực phẩm nhập khẩu, chúng ta chỉ có thể đẩy mạnh kim ngạch vào Nhật khi làm tốt khâu này”.

Ông Nguyễn Ngọc Hai, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Thuận nhận định: “Sự ra đời của JVEPA sẽ giúp các DN có được sự bình đẳng, không phân biệt đối xử về thuế và còn được bảo hộ nếu xảy ra những rủi ro. Tôi nghĩ các DN cần tranh thủ cơ hội này để khai thác thị trường Nhật. Điều này đồng nghĩa việc chúng ta phải nâng cao chất lượng hàng hóa nhằm đáp ứng các quy định nghiêm ngặt về vệ sinh an toàn thực phẩm của người Nhật”.

Hàng Nhật vào VN

Theo hiệp định, có 2.586 mặt hàng của Nhật vào VN được cắt giảm thuế từ 1.10 và một số khác sẽ cắt giảm nhiều đợt theo từng năm.

Hiện nay, hầu hết sản phẩm điện tử, điện gia dụng mang thương hiệu Nhật đang được tiêu thụ tại VN được nhập khẩu từ các nhà máy trong khu vực ASEAN như Malaysia, Thái Lan,... chỉ có một số ít sản phẩm cao cấp mới được nhập khẩu trực tiếp từ Nhật nhưng lộ trình miễn thuế còn khá dài.

Ví dụ, tivi nhập từ Nhật từ 1.10 sẽ giảm thuế từ 40% xuống còn 35,5% và giảm đều theo từng năm để đến năm 2017 được miễn thuế hoàn toàn. Trong năm 2009, mức thuế máy quay phim, máy ảnh kỹ thuật số sẽ giảm xuống còn 7,5% (thay vì 10% như hiện nay) và giảm đều trong vòng 5 năm để tiến đến miễn thuế hoàn toàn vào năm 2013. Máy tính xách tay mức thuế sẽ giảm từ 10% xuống còn 7,5% và giảm đều trong 4 năm để tiến đến miễn thuế hoàn toàn vào năm 2012...

Theo đánh giá của Công ty Sony Electronic VN, việc giảm thuế theo hiệp định này chưa ảnh hưởng nhiều đến giá bán lẻ các sản phẩm trên thị trường. Ngoài ra, giá bán còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như tỷ giá ngoại tệ, khuyến mãi, chi phí vận chuyển...

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 502

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn