Biểu quyết thông qua Luật Biên phòng Việt Nam

11/11/2020 16:00 PM

Với 94,61% đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, chiều 11/11, Quốc hội đã thông qua Luật Biên phòng Việt Nam.

Luật Biên phòng Việt Nam được thông qua có 6 chương với 36 điều, quy định chính sách, nguyên tắc, nhiệm vụ, hoạt động, lực lượng, bảo đảm và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân về biên phòng.

Luật quy định chính sách của Nhà nước về biên phòng gồm: Thực hiện chính sách độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, ổn định lâu dài với các nước có chung đường biên giới; mở rộng hợp tác quốc tế, đối ngoại quốc phòng, an ninh, đối ngoại biên phòng và ngoại giao nhân dân.

Giải quyết các vấn đề biên giới quốc gia bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, lợi ích chính đáng của nhau, phù hợp với Hiến pháp, pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước CHXHCN Việt Nam là thành viên. Sử dụng các biện pháp chính đáng, thích hợp để bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Thực hiện chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc; xây dựng lực lượng bảo vệ biên giới quốc gia toàn dân rộng khắp, nhân dân là chủ thể, lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt…

Nguyên tắc thực thi nhiệm vụ biên phòng được quy định trong luật gồm: Tuân thủ Hiến pháp, pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước CHXHCN Việt Nam là thành viên; tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, biên giới quốc gia của các nước. Đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự quản lý tập trung, thống nhất của Nhà nước. Phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân, hệ thống chính trị, dựa vào nhân dân và chịu sự giám sát của nhân dân. Kết hợp quốc phòng, an ninh với kinh tế-xã hội và kinh tế-xã hội với quốc phòng, an ninh; kết hợp thực thi nhiệm vụ biên phòng với xây dựng, củng cố hệ thống chính trị, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và đối ngoại ở khu vực biên giới.

Luật quy định nhiệm vụ biên phòng gồm: Xây dựng và thực hiện chiến lược, kế hoạch bảo vệ biên giới quốc gia. Quản lý, bảo vệ chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, biên giới quốc gia; xây dựng, quản lý, bảo vệ hệ thống mốc quốc giới, vật đánh dấu, dấu hiệu đường biên giới, công trình biên giới, cửa khẩu, công trình khác ở khu vực biên giới. Bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, hòa bình, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, kinh tế, văn hóa, xã hội, tài nguyên, môi trường; bảo đảm việc thi hành pháp luật ở khu vực biên giới, cửa khẩu.

Phát triển kinh tế-xã hội kết hợp với tăng cường và củng cố quốc phòng, an ninh, đối ngoại ở khu vực biên giới. Xây dựng nền biên phòng toàn dân, thế trận biên phòng toàn dân trong nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân. Xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, huyện biên giới, phòng thủ dân sự. Phòng, chống, ứng phó, khắc phục sự cố, thiên tai, thảm họa, biến đổi khí hậu, dịch bệnh, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn ở khu vực biên giới…

Luật cũng quy định các hành vi bị nghiêm cấm về biên phòng, trong đó có các hành vi như: Xâm phạm chủ quyền, lãnh thổ quốc gia; phá hoại, gây mất ổn định an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới, cửa khẩu. Sử dụng hoặc cho sử dụng khu vực biên giới của Việt Nam để chống phá, can thiệp vào nước khác; đe dọa sử dụng hoặc sử dụng vũ lực trong quan hệ biên giới. Giả danh cơ quan, tổ chức, người thực thi nhiệm vụ biên phòng; chống lại, cản trở, trả thù, đe dọa, xâm phạm tính mạng, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người thực thi nhiệm vụ biên phòng. Mua chuộc, hối lộ, dụ dỗ, lôi kéo hoặc ép buộc người thực thi nhiệm vụ biên phòng làm trái quy định của pháp luật. Lợi dụng, lạm dụng việc thực thi nhiệm vụ biên phòng để vi phạm pháp luật, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân…

Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022. Pháp lệnh Bộ đội Biên phòng số 02/1997/PL-UBTVQH9 hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành.

Nguyễn Hoàng

Theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 6,682

Bài viết về

Kỳ họp thứ 10 của Quốc hội khóa XIV

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn