Đừng nhầm lẫn giữa "lương tối thiểu" và "tiền lương"

10/07/2017 13:43 PM

Đến hẹn lại lên, Hội đồng Tiền lương quốc gia vừa nhóm họp lần đầu để tính toán chuyện nâng lương tối thiểu vùng năm 2018.

Lần này cũng vậy, Tổng LĐLĐ Việt Nam - đại diện người lao động (NLĐ) - đề xuất mức tăng trung bình 13,3% với nhiều căn cứ, khảo sát về nhu cầu sống tối thiểu của NLĐ. Về phía Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (đại diện cho giới chủ) cũng đề xuất chỉ tăng vài phần trăm cho có. Đứng trung gian là đại diện Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội với vai trò chủ tịch Hội đồng Tiền lương quốc gia thì vẫn đang ngó nghiêng, xem xét, thăm dò dư luận.

Mọi thứ vẫn chưa ngã ngũ mà còn phải chờ thêm vài lần hội họp, tranh cãi của các bên và quyết định cuối cùng thuộc về Chính phủ. Tuy vậy, từ giờ đến khi có quyết định chính thức thì cả NLĐ lẫn doanh nghiệp đều nhấp nhổm, đứng ngồi không yên. Chỉ có giới kinh doanh, dịch vụ, thương mại thì nhẹ lòng bởi tăng lương, bất kể tăng bao nhiêu và đủ bù trượt giá, đủ nhu cầu sống tối thiểu hay chưa thì giá cả vẫn cứ tăng phi mã theo quán tính.

Vậy thì lương tối thiểu năm 2018 bao nhiêu là vừa? Theo quy định tại khoản 1, điều 91 Bộ Luật Lao động (BLLĐ), mức lương tối thiểu là mức thấp nhất trả cho NLĐ làm công việc giản đơn nhất, trong điều kiện lao động bình thường và phải bảo đảm nhu cầu sống tối thiểu của NLĐ và gia đình họ. Câu hỏi đặt ra là mức sống tối thiểu "của NLĐ và gia đình họ" hiện nay là bao nhiêu? Hoàn toàn không có chuẩn mực nào cả mà chỉ do chủ quan của các bên thực hiện khảo sát. Đơn cử như theo khảo sát của Tổng LĐLĐ Việt Nam, mức sống tối thiểu năm 2018 của NLĐ ở vùng I là 4,2 triệu đồng/tháng. Do đó tổ chức Công đoàn đề xuất lương tối thiểu năm 2018 vùng I là 4,2 triệu đồng/tháng để đáp ứng đúng lộ trình tăng lương và quy định tại điều 91 BLLĐ. Thế nhưng, khi đem con số này hỏi 300 công nhân làm việc tại KCX Linh Trung, TP HCM (vùng I) thì họ đều khẳng định mức lương ấy chỉ đủ một NLĐ "tồn tại" trong tháng chứ không thể sống đúng nghĩa và cũng không nuôi nổi ai trong gia đình!

Song, điều đáng nói hơn cả là hiện nay rất nhiều người đang nhầm lẫn 2 khái niệm "tiền lương" và "lương tối thiểu". Mới đây, trong một buổi tập huấn, báo cáo viên là một quan chức đã nói rằng do mức tăng năng suất lao động ở Việt Nam quá thấp nên không thể tăng lương tối thiểu với tỉ lệ cao như đề xuất của tổ chức Công đoàn. Xin thưa, trong trường hợp cụ thể này, năng suất lao động chẳng liên quan gì đến lương tối thiểu và mức sống tối thiểu. Lương tối thiểu (điều 91 BLLĐ) là cái chặn dưới của nhà nước để NLĐ không bị bần cùng hóa, còn tiền lương (điều 90) là khoản tiền người sử dụng lao động trả cho NLĐ để thực hiện công việc theo thỏa thuận, tiền lương được trả căn cứ vào năng suất lao động và chất lượng công việc.

Thế nên từ giờ về sau, xin đừng ai vin vào năng suất lao động thấp để kéo lùi mức sống tối thiểu, đẩy NLĐ vào khó nghèo!

Công đoàn Công Thương Việt Nam

Theo Cổng thông tin điện tử Bộ Công thương

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 14,240

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn