>>> Xem công việc pháp lý mới tại đây.

Thành lập công đoàn trong Công ty Hợp Danh

Thành lập công đoàn cơ sở tại công ty hợp danh

Ảnh minh họa - Nguồn từ Internet

1. Giới thiệu chung về Công đoàn cơ sở tại doanh nghiệp

Tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở (hay thường được gọi là Công đoàn) là tổ chức được thành lập trên cơ sở tự nguyện của người lao động tại một đơn vị sử dụng lao động nhằm mục đích bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động trong quan hệ lao động thông qua thương lượng tập thể hoặc các hình thức khác theo quy định của pháp luật về lao động. Tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở bao gồm Công đoàn cơ sở và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp. Trong đó:

- Công đoàn cơ sở là tổ chức cơ sở của Công đoàn, tập hợp đoàn viên Công đoàn trong một hoặc một doanh nghiệp, được Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở công nhận theo quy định của pháp luật và Điều lệ Công đoàn Việt Nam.

- Tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp phải có số lượng tối thiểu thành viên là người lao động làm việc tại doanh nghiệp theo quy định của Chính phủ. Ban lãnh đạo do thành viên của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp bầu. Thành viên ban lãnh đạo là người lao động Việt Nam đang làm việc tại doanh nghiệp; không đang trong thời gian bị truy cứu trách nhiệm hình sự, chấp hành hình phạt hoặc chưa được xóa án tích do phạm các tội xâm phạm an ninh quốc gia, các tội xâm phạm quyền tự do của con người, quyền tự do, dân chủ của công dân, các tội xâm phạm sở hữu theo quy định của Bộ luật Hình sự.

2. Điều kiện thành lập Công đoàn cơ sở tại công ty hợp danh

(i) Công ty hợp danh được thành lập và hoạt động hợp pháp.

(ii) Có từ 05 đoàn viên hoặc 05 người lao động trở lên, có đơn tự nguyện gia nhập Công đoàn Việt Nam.

(iii) Hình thức tổ chức Công đoàn cơ sở:

Công đoàn cơ sở không có tổ Công đoàn, Công đoàn bộ phận, Công đoàn cơ sở thành viên.

- Công đoàn cơ sở có tổ Công đoàn.

- Công đoàn cơ sở có Công đoàn bộ phận.

- Công đoàn cơ sở có Công đoàn cơ sở thành viên.

Lưu ý:

+ Tùy theo số lượng đoàn viên và tính chất, địa bàn hoạt động của công ty hợp danh; số lượng đoàn viên của Công đoàn cơ sở có thể tổ chức các Công đoàn cơ sở thành viên, Công đoàn bộ phận, tổ Công đoàn.

+ Việc thành lập Công đoàn cơ sở thành viên, Công đoàn bộ phận do Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở quyết định; đồng thời phân cấp một số nhiệm vụ, quyền hạn và hướng dẫn nội dung cụ thể để Công đoàn cơ sở thành viên, Công đoàn bộ phận, tổ Công đoàn tổ chức các hoạt động.

3. Trình tự, thủ tục thành lập Công đoàn cơ sở

(i) Lập ban vận động thành lập Công đoàn cơ sở

- Trước khi thành lập Công đoàn cơ sở tại công ty hợp danh (sau đây gọi tắt là Công đoàn), người lao động tự nguyện lập Ban vận động thành lập Công đoàn cơ sở (sau đây gọi tắt là Ban vận động).

- Ban vận động thực hiện tuyên truyền, vận động, tiếp nhận đơn xin gia nhập Công đoàn của người lao động. Trong quá trình này, các thành viên Ban vận động cử trưởng Ban vận động và liên hệ Công đoàn cấp trên gần nhất hướng dẫn, giúp đỡ, hỗ trợ việc thành lập Công đoàn.

(ii) Đại hội thành lập Công đoàn cơ sở

Khi có 05 người trở lên (gồm người lao động đang là đoàn viên Công đoàn và người lao động có đơn gia nhập Công đoàn) tự nguyện liên kết thành lập Công đoàn, trưởng Ban vận động liên hệ Công đoàn cấp trên để được giúp đỡ công tác chuẩn bị và tổ chức đại hội thành lập Công đoàn.

Đại hội thành lập Công đoàn:

- Thành phần dự đại hội gồm:

+ Ban vận động thành lập Công đoàn cơ sở.

+ Người lao động đang làm việc tại công ty hợp danh đã là đoàn viên hoặc chưa là đoàn viên có đơn xin gia nhập Công đoàn Việt Nam.

+ Đại diện Công đoàn cấp trên, công ty hợp danh và các thành phần khác (nếu có) cùng dự, chứng kiến đại hội thành lập Công đoàn cơ sở.

- Việc tổ chức điều hành đại hội thành lập Công đoàn cơ sở:

Do Ban vận động thực hiện; có thể mời thêm đoàn viên, người lao động ngoài ban vận động, có kinh nghiệm, uy tín tham gia điều hành hoặc làm thư ký đại hội.

- Nội dung đại hội thành lập Công đoàn cơ sở gồm:

+ Tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu.

+ Báo cáo quá trình vận động người lao động gia nhập Công đoàn và công tác chuẩn bị tổ chức thành lập Công đoàn cơ sở.

+ Công bố danh sách người lao động có đơn tự nguyện gia nhập Công đoàn.

+ Tuyên bố thành lập Công đoàn cơ sở.

+ Đại diện Công đoàn cấp trên phát biểu (nếu có).

+ Người sử dụng lao động phát biểu (nếu có).

+ Bầu cử Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở.

+ Bầu cử chủ tịch Công đoàn cơ sở.

+ Thông qua kế hoạch hoạt động của Công đoàn cơ sở.

>> Tham khảo Mẫu phiếu bầu cử tại Đại hội thành lập Công đoàn cơ sở (theo Mẫu số 03d tại Phụ lục ban hành kèm theo Hướng dẫn 03/HD-TLĐ ngày 20/02/2020 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam)).

- Việc bầu cử tại đại hội thành lập Công đoàn cơ sở:

Thực hiện bằng hình thức bỏ phiếu kín, theo Mục 8 của Hướng dẫn 03/HD-TLĐ. Phiếu bầu cử tại đại hội thành lập Công đoàn phải có chữ ký của trưởng Ban vận động thành lập Công đoàn cơ sở ở góc trái, phía trên phiếu bầu.

Lưu ý: Những nơi do điều kiện sản xuất, kinh doanh, không thể triệu tập toàn thể người lao động có đơn xin gia nhập Công đoàn dự đại hội thành lập Công đoàn cơ sở thì Ban vận động tổ chức lấy phiếu giới thiệu nhân sự và phát phiếu bầu cử Ban Chấp hành, Chủ tịch Công đoàn cơ sở cho đoàn viên tại các phòng, ban, tổ, đội, phân xưởng, nhóm công việc; đồng thời thực hiện công tác kiểm phiếu theo quy định và công bố kết quả bầu cử để toàn thể đoàn viên được biết.

- Kết thúc đại hội thành lập Công đoàn cơ sở:

Ban vận động bàn giao toàn bộ hồ sơ đại hội cho Ban Chấp hành hoặc đồng chí chủ tịch mới được bầu, gồm cả danh sách ban vận động để lưu hồ sơ, tài liệu thành lập Công đoàn cơ sở.

- Ban vận động chấm dứt nhiệm vụ sau khi tổ chức thành công đại hội thành lập Công đoàn cơ sở.

(iii) Họp Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở

Trong vòng 10 ngày làm việc kể từ khi kết thúc Đại hội thành lập, Chủ tịch Công đoàn tổ chức họp Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở để bầu Ban Thường vụ, phó Chủ tịch, Ủy ban kiểm tra và Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Công đoàn (nếu đủ điều kiện). Quá trình chuẩn bị cần liên hệ Công đoàn cấp trên để được hướng dẫn.

>> Tham khảo Mẫu phiếu bầu cử tại Hội nghị Ban Chấp hành Công đoàn (theo Mẫu số 03b và Mẫu số 03c tại Phụ lục ban hành kèm theo Hướng dẫn 03/HD-TLĐ).

(iv) Lập hồ sơ đề nghị Công đoàn cấp trên xem xét, công nhận Công đoàn cơ sở

Trong vòng 15 ngày làm việc kể từ khi kết thúc đại hội, Ban Chấp hành phải lập hồ sơ đề nghị Công đoàn cấp trên xem xét, công nhận, gồm có:

- Văn bản đề nghị công nhận đoàn viên, Công đoàn cơ sở và kết quả bầu cử Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Ủy ban kiểm tra và các chức danh của Ban Chấp hành, Ủy ban kiểm tra Công đoàn.

- Danh sách đoàn viên và đơn xin gia nhập Công đoàn Việt Nam của người lao động.

Tham khảo Mẫu đơn xin gia nhập Công đoàn (ban hành kèm theo Hướng dẫn 03/HD-TLĐ), cụ thể:

+ Đơn dành cho cá nhân (Mẫu số 05a).

+ Đơn dành cho tập thể người lao động (Mẫu số 05b).

- Danh sách trích ngang lý lịch Ủy viên Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Ủy viên Ủy ban kiểm tra Công đoàn cơ sở (theo Mẫu số 02 tại Phụ lục ban hành kèm theo Hướng dẫn 03/HD-TLĐ).

- Biên bản Đại hội thành lập Công đoàn cơ sở.

- Biên bản kiểm phiếu bầu cử tại Đại hội thành lập Công đoàn cơ sở (tham khảo Mẫu số 04đ và 04e tại Phụ lục ban hành kèm theo Hướng dẫn 03/HD-TLĐ) và biên bản bầu cử tại Hội nghị Ban Chấp hành (nếu có).

(v) Thủ tục cần thực hiện sau khi Công đoàn cấp trên công nhận Công đoàn cơ sở

Khi được Công đoàn cấp trên công nhận, Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở thực hiện các thủ tục khắc dấu; đồng thời triển khai tổ chức các hoạt động theo quy định của Điều lệ và Hướng dẫn thi hành Điều lệ Công đoàn Việt Nam; hướng dẫn của Công đoàn cấp trên và kế hoạch hoạt động đã được thống nhất tại hội nghị thành lập Công đoàn cơ sở.

Bạn Chưa Đăng Nhập Tài khoản!

Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chưa xem được Căn cứ pháp lý được sử dụng, lịch công việc.

Nếu chưa là Tài khoản, mời Bạn Đăng ký Tài khoản tại đây

2,020
Bài viết liên quan: