Quy định về việc đình chỉ hiệu lực văn bằng bảo hộ giống cây trồng trong Công ty Cổ Phần
Ảnh minh họa - Nguồn từ Internet
1. Trường hợp đình chỉ hiệu lực Bằng bảo hộ giống cây trồng
Bằng bảo hộ giống cây trồng có thể bị đình chỉ hiệu lực trong các trường hợp sau đây:
(i) Giống cây trồng được bảo hộ không còn đáp ứng điều kiện về tính đồng nhất và tính ổn định như tại thời điểm cấp Bằng;
(ii) Chủ bằng bảo hộ không nộp lệ phí duy trì hiệu lực theo quy định;
(iii) Chủ bằng bảo hộ không cung cấp tài liệu, vật liệu nhân giống cần thiết để duy trì và lưu giữ giống cây trồng theo quy định;
(iv) Chủ bằng bảo hộ không thay đổi tên giống cây trồng theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước về quyền đối với giống cây trồng.
Lưu ý:
- Đối với các trường hợp (i), (iii) và (iv), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ra quyết định đình chỉ hiệu lực Bằng bảo hộ giống cây trồng.
- Đối với trường hợp quy định (ii), khi hết thời hạn nộp lệ phí duy trì hiệu lực, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ra quyết định đình chỉ hiệu lực Bằng bảo hộ giống cây trồng kể từ ngày đầu tiên của năm hiệu lực tiếp theo mà lệ phí duy trì hiệu lực không được nộp.
2. Thủ tục yêu cầu đình chỉ hiệu lực Bằng bảo hộ giống cây trồng
2.1. Đình chỉ theo yêu cầu của bên thứ ba nếu thuộc trường hợp (i) nêu tại Mục 1
Trong trường hợp giống cây trồng được bảo hộ của công ty cổ phần không còn đáp ứng điều kiện về tính đồng nhất và tính ổn định như tại thời điểm cấp Bằng thì mọi tổ chức, cá nhân có quyền yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đình chỉ hiệu lực Bằng bảo hộ giống cây trồng.
Hoặc ngược lại, trong trường hợp giống cây trồng được bảo hộ của tổ chức, cá nhân khác không còn đáp ứng điều kiện về tính đồng nhất và tính ổn định như tại thời điểm cấp Bằng, công ty cổ phần có quyền đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đình chỉ hiệu lực Bằng bảo hộ giống cây trồng đó.
Hồ sơ đề nghị đình chỉ hiệu lực Bằng bảo hộ giống cây trồng
- Đơn yêu cầu đình chỉ hiệu lực Bằng bảo hộ giống cây trồng theo quy định tại Mẫu số 12 ban hành kèm theo Nghị định 79/2023/NĐ-CP;
- Chứng cứ chứng minh giống cây trồng được bảo hộ không còn đáp ứng tính đồng nhất hoặc tính ổn định như tại thời điểm cấp Bằng.
Cách thức và nơi nộp hồ sơ:
Nộp 01 bộ hồ sơ đến Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn qua một trong các hình thức sau đây:
- Nộp trực tiếp;
- Nộp qua dịch vụ bưu chính;
- Nộp qua môi trường điện tử.
Lưu ý: Hồ sơ nộp qua môi trường điện tử thực hiện theo quy định tại Nghị định 45/2020/NĐ-CP.
Trình tự và thời hạn giải quyết
- Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiến hành thẩm định, thông báo bằng văn bản cho chủ sở hữu Bằng bảo hộ giống cây trồng đồng thời tổ chức khảo nghiệm đánh giá lại tính đồng nhất, tính ổn định của giống cây trồng trên.
- Trong thời hạn 12 ngày kể từ ngày nhận được kết quả đánh giá lại tính đồng nhất, tính ổn định, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiến hành thẩm định. Trường hợp ý kiến phản đối của người thứ ba (là người nộp hồ sơ đề nghị) đủ căn cứ pháp lý, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Quyết định đình chỉ hiệu lực Bằng bảo hộ giống cây trồng. Trường hợp ý kiến phản đối của người thứ ba chưa đủ căn cứ pháp lý, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
2.2. Đình chỉ do chủ văn bằng không thực hiện nghĩa vụ theo quy định hoặc theo yêu cầu của cơ quan quản lý về quyền đối với giống cây trồng
Đối với trường hợp (iii) và (iv) nêu tại Mục 1, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông báo bằng văn bản yêu cầu chủ sở hữu Bằng bảo hộ giống cây trồng thay đổi tên giống cây trồng hoặc cung cấp tài liệu, vật liệu nhân giống cần thiết để duy trì và lưu giữ giống cây trồng theo quy định mà chủ sở hữu Bằng bảo hộ không thực hiện theo yêu cầu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Quyết định đình chỉ hiệu lực Bằng bảo hộ giống cây trồng.
3. Quyết định đình chỉ hiệu lực Bằng bảo hộ giống cây trồng
Quyết định đình chỉ hiệu lực Bằng bảo hộ giống cây trồng sẽ được đăng tải trên Tạp chí Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Cổng thông tin điện tử của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày ban hành Quyết định.
Lưu ý: Chủ văn bằng bảo hộ có thể khôi phục hiệu lực Bằng bảo hộ giống cây trồng nếu khắc phục được lý do bị đình chỉ. Xem chi tiết tại công việc Phục hồi hiệu lực văn bằng bảo hộ giống cây trồng.
Bạn Chưa Đăng Nhập Tài khoản!
Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chưa xem được Căn cứ pháp lý được sử dụng, lịch công việc.
Nếu chưa là Tài khoản, mời Bạn Đăng ký Tài khoản tại đây