>>> Xem công việc pháp lý mới tại đây.

Đăng ký bảo hộ nhãn hiệu trong Doanh Nghiệp Tư Nhân

Đăng ký bảo hộ nhãn hiệu

Ảnh minh họa - Nguồn từ Internet

1. Trường hợp doanh nghiệp tư nhân được quyền đăng ký nhãn hiệu

Doanh nghiệp tư nhân được quyền đăng ký nhãn hiệu trong các trường hợp sau đây:

(1) Doanh nghiệp tư nhân có quyền đăng ký nhãn hiệu dùng cho hàng hoá do mình sản xuất hoặc dịch vụ do mình cung cấp.

(2) Doanh nghiệp tư nhân tiến hành hoạt động thương mại hợp pháp có quyền đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm mà mình đưa ra thị trường nhưng do người khác sản xuất với điều kiện người sản xuất không sử dụng nhãn hiệu đó cho sản phẩm và không phản đối việc đăng ký đó.

(3) Tổ chức tập thể được thành lập hợp pháp có quyền đăng ký nhãn hiệu tập thể để các thành viên của mình (trong đó doanh nghiệp tư nhân là thành viên) sử dụng theo quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể; đối với dấu hiệu chỉ nguồn gốc địa lý của hàng hóa, dịch vụ, tổ chức có quyền đăng ký là tổ chức tập thể của các tổ chức, cá nhân tiến hành sản xuất, kinh doanh tại địa phương đó; đối với địa danh, dấu hiệu khác chỉ nguồn gốc địa lý đặc sản địa phương của Việt Nam thì việc đăng ký phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.

(4) Doanh nghiệp tư nhân có chức năng kiểm soát, chứng nhận chất lượng, đặc tính, nguồn gốc hoặc tiêu chí khác liên quan đến hàng hóa, dịch vụ có quyền đăng ký nhãn hiệu chứng nhận với điều kiện không tiến hành sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đó; đối với địa danh, dấu hiệu khác chỉ nguồn gốc địa lý đặc sản địa phương của Việt Nam thì việc đăng ký phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.

(5) Hai hoặc nhiều tổ chức (bao gồm doanh nghiệp tư nhân), cá nhân có quyền cùng đăng ký một nhãn hiệu để trở thành đồng chủ sở hữu với những điều kiện sau:

- Việc sử dụng nhãn hiệu đó phải nhân danh tất cả các đồng chủ sở hữu hoặc sử dụng cho hàng hoá, dịch vụ mà tất cả các đồng chủ sở hữu đều tham gia vào quá trình sản xuất, kinh doanh;

- Việc sử dụng nhãn hiệu đó không gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về nguồn gốc của hàng hoá, dịch vụ.

Lưu ý:

- Người có quyền đăng ký nhãn hiệu quy định từ mục 1 đến mục 5 nêu trên, kể cả người đã nộp đơn đăng ký có quyền chuyển giao quyền đăng ký cho tổ chức, cá nhân khác dưới hình thức hợp đồng bằng văn bản, để kế thừa theo quy định của pháp luật với điều kiện công ty được chuyển giao đáp ứng các điều kiện đối với người có quyền đăng ký tương ứng. 

- Đối với nhãn hiệu được bảo hộ tại một nước là thành viên của điều ước quốc tế có quy định cấm người đại diện hoặc đại lý của chủ sở hữu nhãn hiệu đăng ký nhãn hiệu đó mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam cũng là thành viên thì người đại diện hoặc đại lý đó không được phép đăng ký nhãn hiệu nếu không được sự đồng ý của chủ sở hữu nhãn hiệu, trừ trường hợp có lý do chính đáng.

2. Thủ tục đăng ký nhãn hiệu tại Cục Sở hữu trí tuệ đối với doanh nghiệp tư nhân

2.1. Tra cứu sơ bộ

Trước khi nộp đơn đăng ký nhãn hiệu, doanh nghiệp tư nhân cần phải thực hiện việc tra cứu nhãn hiệu một cách chính xác. Việc này nhằm đánh giá được khả năng đăng ký nhãn hiệu của doanh nghiệp, tức là nhãn hiệu mà doanh nghiệp dự định đăng ký có bị trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu của một người nào khác đã đăng ký tại Việt Nam cho cùng loại sản phẩm hoặc dịch vụ tương tự hay chưa. 

Ngoài ra, việc tiến hành tra cứu khả năng đăng ký nhãn hiệu còn giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, chi phí khi đăng ký và giảm thiểu rủi ro.

Doanh nghiệp tư nhân có thể trực tiếp tra cứu thông tin về các nhãn hiệu đã có chủ sở hữu hoặc đã được nộp đơn đăng ký từ các nguồn sau đây:

(1) Công báo Sở hữu công nghiệp do Cục Sở hữu trí tuệ phát hành hàng tháng;

(2) Đăng bạ quốc gia và Đăng bạ quốc tế về nhãn hiệu hàng hoá (lưu giữ tại Cục Sở hữu trí tuệ);

(3) Cơ sở dữ liệu điện tử về nhãn hiệu công bố trên mạng Internet:

- Đối với tra cứu nhãn hiệu quốc gia: tại đây

- Đối với tra cứu nhãn hiệu quốc tế: tại đây.

Doanh nghiệp tư nhân cũng có thể sử dụng dịch vụ tra cứu thông tin của một tổ chức đại diện sở hữu công nghiệp.

2.2. Nộp hồ sơ đăng ký nhãn hiệu

Sau khi thực hiện việc tra cứu sơ bộ, nếu kết quả cho thấy nhãn hiệu không trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu của người khác đã được bảo hộ thì doanh nghiệp tư nhân nên nộp hồ sơ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu trong thời gian nhanh nhất.

Thành phần hồ sơ:

(i) Tờ khai đăng ký nhãn hiệu theo Mẫu số 08 tại Phụ lục I Nghị định 65/2023/NĐ-CP;

(ii) Mẫu nhãn hiệu (05 mẫu kích thước trong khuôn khổ 80 mm x 80 mm) và danh mục hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu;

(iii) Tài liệu xác nhận được phép sử dụng các dấu hiệu đặc biệt (biểu tượng, cờ, huy hiệu, con dấu…);

(iv) Đối với đơn đăng ký nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận phải có:

- Quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể/nhãn hiệu chứng nhận;

- Bản đồ khu vực địa lý (nếu nhãn hiệu đăng ký là nhãn hiệu chứng nhận nguồn gốc địa lý của sản phẩm, hoặc nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận có chứa địa danh hoặc dấu hiệu khác chỉ nguồn gốc địa lý của đặc sản địa phương);

- Văn bản của UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cho phép sử dụng địa danh hoặc dấu hiệu khác chỉ nguồn gốc địa lý của đặc sản địa phương (nếu nhãn hiệu đăng ký là nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận có chứa địa danh hoặc dấu hiệu khác chỉ nguồn gốc địa lý của đặc sản địa phương);

(v) Giấy ủy quyền (nếu nộp đơn thông qua đại diện);

(vi) Tài liệu chứng minh quyền đăng ký nếu doanh nghiệp tư nhân thụ hưởng quyền đăng ký từ người khác;

(vii) Tài liệu chứng minh quyền ưu tiên, nếu yêu cầu hưởng quyền ưu tiên, bao gồm:

- Bản sao đơn hoặc các đơn đầu tiên có xác nhận của cơ quan đã nhận đơn đầu tiên;

- Giấy chuyển nhượng quyền ưu tiên nếu quyền đó được thụ hưởng từ người khác.

(viii) Bản sao chứng từ nộp phí, lệ phí (trường hợp nộp phí, lệ phí qua dịch vụ bưu chính hoặc nộp trực tiếp vào tài khoản của Cục Sở hữu trí tuệ).

Số lượng hồ sơ: 01 bộ

Cơ quan thực hiện thủ tục: Cục Sở hữu trí tuệ

Cách thức nộp hồ sơ:

- Trực tuyến qua Hệ thống giải quyết thủ tục hành chính của Bộ Khoa học và Công nghệ;

- Trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính tới trụ sở Cục Sở hữu trí tuệ tại Hà Nội hoặc Văn phòng đại diện của Cục tại TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.

2.3. Trình tự và thời hạn giải quyết hồ sơ đăng ký nhãn hiệu

Sau khi doanh nghiệp tư nhân nộp hồ sơ đăng ký nhãn hiệu thì trình tự thẩm định và cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu (văn bằng bảo hộ) của Cục Sở hữu trí tuệ như sau:

- Thẩm định hình thức:

+ 01 tháng kể từ ngày nộp đơn trong trường hợp đơn hợp lệ;

+ 01 tháng 10 ngày trong trường hợp doanh nghiệp tư nhân chủ động sửa đổi, bổ sung đơn trước khi Cục Sở hữu trí tuệ ra thống báo thẩm định hình thức đơn;

+ 03 tháng 10 ngày trong trường hợp đơn không hợp lệ và doanh nghiệp tư nhân có ý kiến hoặc sửa chữa thiếu sót trong thời hạn theo quy định.

+ 03 tháng 20 ngày trong trường hợp doanh nghiệp tư nhân chủ động sửa đổi, bổ sung đơn trước khi Cục Sở hữu trí tuệ ra thống báo thẩm định hình thức đơn nhưng đơn vẫn không hợp lệ và doanh nghiệp tư nhân có ý kiến hoặc sửa chữa thiếu sót trong thời hạn theo quy định.

- Công bố đơn hợp lệ: trong thời hạn 02 tháng từ ngày chấp nhận đơn hợp lệ;

- Thẩm định nội dung đơn:

+ 09 tháng kể từ ngày công bố đơn;

+ 12 tháng kể từ ngày công bố đơn trong trường hợp doanh nghiệp tư nhân chủ động sửa đổi, bổ sung đơn trước khi Cục Sở hữu trí tuệ ra thông báo thẩm định nội dung đơn;

+ 12 tháng 15 ngày kể từ ngày công bố đơn trong trường hợp đơn không đáp ứng điều kiện bảo hộ/thiếu sót và doanh nghiệp tư nhân có ý kiến hoặc sửa chữa thiếu sót trong thời hạn theo quy định;

+ 15 tháng 15 ngày kể từ ngày công bố đơn trong trường hợp doanh nghiệp tư nhân chủ động sửa đổi, bổ sung đơn trước khi Cục Sở hữu trí tuệ ra thông báo thẩm định nội dung đơn và đơn không đáp ứng điều kiện bảo hộ/thiếu sót và doanh nghiệp tư nhân có ý kiến hoặc sửa chữa thiếu sót trong thời hạn theo quy định.

- Cấp văn bằng bảo hộ: trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày doanh nghiệp tư nhân nộp đầy đủ và đúng hạn các khoản phí và lệ phí.

- Công bố quyết định cấp văn bằng bảo hộ trên Công báo Sở hữu công nghiệp: 60 ngày kể từ ngày ra quyết định.

2.4. Các khoản phí, lệ phí phải nộp (áp dụng kể từ ngày 01/01/2024)

- Lệ phí nộp đơn: 150.000 đồng (cho mỗi đơn).

+ Trường hợp tổ chức, cá nhân nộp đơn theo hình thức trực tuyến:

++ Kể từ ngày 01/01/2024 đến hết ngày 31/12/2025, mức thu lệ phí nộp đơn: 75.000 đồng/đơn.

++ Kể từ ngày 01/01/2026 trở đi, mức thu lệ phí nộp đơn: 150.000 đồng/đơn.

- Phí thẩm định yêu cầu hưởng quyền ưu tiên: 600.000 đồng/mỗi đơn/mỗi yêu cầu.

- Phí công bố đơn: 120.000 đồng.

- Phí thẩm định đơn: 550.000 đồng (cho mỗi nhóm có 6 sản phẩm/dịch vụ) (từ sản phẩm/dịch vụ thứ 7 trở đi trong mỗi nhóm: 120.000 đồng/1 sản phẩm/dịch vụ).

- Phí tra cứu thông tin nhằm phục vụ việc thẩm định: 180.000 đồng (cho mỗi nhóm có 6 sản phẩm/dịch vụ, từ sản phẩm/dịch vụ thứ 7 trở đi: 30.000 đồng/1 sản phẩm/dịch vụ).

- Phí phân loại quốc tế hàng hóa/dịch vụ: 100.000 đồng (cho mỗi nhóm có 6 sản phẩm/dịch vụ, từ sản phẩm/dịch vụ thứ 7 trở đi: 20.000 đồng/1 sản phẩm/dịch vụ).

- Lệ phí cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu: 120.000 đồng (cho 1 nhóm sản phẩm/dịch vụ đầu tiên, từ nhóm sản phẩm/dịch vụ thứ 2 trở đi: 100.000 đồng/1 nhóm).

- Phí đăng bạ Quyết định cấp Văn bằng bảo hộ: 120.000 đồng.

- Phí công bố Quyết định cấp Văn bằng bảo hộ: 120.000 đồng.

Bạn Chưa Đăng Nhập Tài khoản!

Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chưa xem được Căn cứ pháp lý được sử dụng, lịch công việc.

Nếu chưa là Tài khoản, mời Bạn Đăng ký Tài khoản tại đây

3,155
Bài viết liên quan: