Đăng ký điều chỉnh đóng BHXH, BHYT, BHTN: Tăng, giảm lao động tham gia; thay đổi thông tin đơn vị sử dụng lao động; thay đổi mức lương; gia hạn thẻ BHYT trong Hộ kinh doanh
Khi có sự thay đổi thông tin đóng BHXH, BHYT, BHTN thì hộ kinh doanh phải thông báo bằng văn bản và tiến hành đăng ký điều chỉnh với cơ quan BHXH. Cụ thể đối với các trường hợp:
- Trường hợp tăng, giảm lao động đóng BHXH, BHYT, BHTN:
+ Tăng lao động đóng BHXH, BHYT, BHTN trong trường hợp này được hiểu là tăng số lượng người lao động tham gia đóng BHXH, BHYT, BHTN (ví dụ: công ty ký kết thêm hợp đồng lao động với người lao động ...).
+ Giảm lao động đóng BHXH, BHYT, BHTN được hiểu là giảm số lượng người lao động tham gia đóng BHXH, BHYT, BHTN (ví dụ: công ty chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động ...).
Đối với trường hợp người lao động không làm việc và không hưởng lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng, bao gồm cả trường hợp nghỉ việc hưởng chế độ thai sản thì hộ kinh doanh cũng phải làm thủ tục báo giảm lao động.
Tuy nhiên, cần lưu ý:
+ Đối với trường hợp người lao động không làm việc và không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì không đóng BHXH tháng đó. Thời gian này không được tính để hưởng BHXH.
+ Còn đối với trường hợp người lao động nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng theo quy định của pháp luật về BHXH thì không phải đóng BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN nhưng vẫn được hưởng quyền lợi BHYT.
+ Đối với trường hợp người lao động nghỉ việc hưởng chế độ thai sản từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì đơn vị và người lao động không phải đóng BHXH, BHTN, BHTNLĐ, BNN, thời gian này được tính là thời gian đóng BHXH, không được tính là thời gian đóng BHTN và được cơ quan BHXH đóng BHYT cho người lao động.
- Trường hợp thay đổi thông tin đơn vị sử dụng lao động: như tên hộ kinh doanh, địa điểm đăng ký kinh doanh, mã số hộ kinh doanh...
- Trường hợp thay đổi mức lương của người lao động thuộc đối tượng đóng BHXH bắt buộc: người lao động có quyết định hoặc hợp đồng làm (tăng/ giảm) mức lương đóng BHXH.
- Gia hạn thẻ BHYT hết hạn sử dụng cho người lao động.
Hộ kinh doanh có trách nhiệm tổng hợp đầy đủ hồ sơ theo quy định để tiến hành đăng ký điều chỉnh đóng các loại bảo hiểm với cơ quan BHXH cấp huyện nơi hộ kinh doanh đặt trụ sở hoặc cơ quan BHXH nơi đăng ký chi nhánh đối với chi nhánh.
Lưu ý:
- Đối với trường hợp tăng lao động thì trong vòng 30 ngày kể từ ngày giao kết hợp đồng lao động, NSDLĐ sẽ phải làm thủ tục và nộp hồ sơ cho cơ quan bảo hiểm xã hội.
- Hộ kinh doanh phải gia hạn thẻ BHYT hết hạn (theo thời hạn ghi trên thẻ) cho người lao động vào tháng cuối cùng trước khi thẻ BHYT hết hạn.
Hồ sơ phải nộp để điều chỉnh đóng BHXH, BHYT, BHTN gồm:
- Tờ khai điều chỉnh thông tin bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế (Mẫu TK1-TS ban hành kèm theo Quyết định 490/QĐ-BHXH năm 2023);
- Tờ khai đơn vị điều chỉnh thông tin bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế (Mẫu TK3-TS ban hành kèm theo Quyết định 490/QĐ-BHXH năm 2023);
- Báo cáo tình hình sử dụng lao động và danh sách tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp (Mẫu D02-TL ban hành kèm theo Quyết định 1040/QĐ-BHXH năm 2020);
- Trường hợp người lao động được hưởng quyền lợi BHYT cao hơn: bổ sung Giấy tờ chứng minh được hưởng quyền lợi bảo hiểm y tế cao hơn (nếu có) (theo Phụ lục 03 ban hành kèm theo Quyết định 948/QĐ-BHXH năm 2023).
Trong vòng 10 ngày, cơ quan BHXH sẽ giải quyết truy thu đối với các trường hợp vi phạm quy định của pháp luật về đóng BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN. Trường hợp điều chỉnh tăng tiền lương đã đóng BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN thì thời gian giải quyết không quá 03 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định.
Bạn Chưa Đăng Nhập Tài khoản!
Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chưa xem được Căn cứ pháp lý được sử dụng, lịch công việc.
Nếu chưa là Tài khoản, mời Bạn Đăng ký Tài khoản tại đây