Cho tôi hỏi, năm 2023, việc xác lập quyền đối với giống cây trồng được quy định như thế nào? Điều kiện kinh doanh dịch vụ đại diện quyền là gì? – Duy Tân (Quảng Nam).
>> Việc đăng ký hợp đồng chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp năm 2023 được quy định thế nào?
>> Việc chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp năm 2023 được quy định thế nào?
Theo khoản 66 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022 (sửa đổi Điều 164 Luật Sở hữu trí tuệ 2005) quy định để được bảo hộ quyền đối với giống cây trồng, tổ chức, cá nhân phải thực hiện việc nộp đơn đăng ký bảo hộ cho cơ quan quản lý nhà nước về quyền đối với giống cây trồng.
Tổ chức, cá nhân có quyền đăng ký bảo hộ giống cây trồng (sau đây gọi là người đăng ký) bao gồm:
- Tác giả trực tiếp chọn tạo hoặc phát hiện và phát triển giống cây trồng bằng công sức và chi phí của mình;
- Tổ chức, cá nhân đầu tư cho tác giả chọn tạo hoặc phát hiện và phát triển giống cây trồng dưới hình thức giao việc, thuê việc, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác hoặc trường hợp (*) và (**) bên dưới;
- Tổ chức, cá nhân được chuyển giao, thừa kế, kế thừa quyền đăng ký bảo hộ giống cây trồng.
Đối với giống cây trồng được chọn tạo hoặc phát hiện và phát triển là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng toàn bộ ngân sách nhà nước, quyền đăng ký giống cây trồng được giao cho tổ chức chủ trì nhiệm vụ đó một cách tự động và không bồi hoàn (*).
Đối với giống cây trồng được chọn tạo hoặc phát hiện và phát triển là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ được đầu tư bằng nhiều nguồn vốn, trong đó có một phần ngân sách nhà nước, phần quyền đăng ký đối với giống cây trồng tương ứng với tỷ lệ phần ngân sách nhà nước được giao cho tổ chức chủ trì một cách tự động và không bồi hoàn (**).
Toàn văn file word Luật Sở hữu trí tuệ và các văn bản hướng dẫn thi hành |
Việc xác lập quyền đối với giống cây trồng năm 2023 (Ảnh minh họa)
Căn cứ khoản 66 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022 (sửa đổi Điều 165 Luật Sở hữu trí tuệ 2005), tổ chức, cá nhân Việt Nam; tổ chức, cá nhân nước ngoài thường trú tại Việt Nam hoặc có cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây trồng tại Việt Nam nộp đơn đăng ký quyền đối với giống cây trồng trực tiếp hoặc qua tổ chức dịch vụ đại diện quyền đối với giống cây trồng.
Đối với các tổ chức, cá nhân khác theo quy định tại Điều 157 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 nộp đơn qua tổ chức dịch vụ đại diện quyền đối với giống cây trồng.
Theo quy định tại khoản 66 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022 (sửa đổi Điều 165 Luật Sở hữu trí tuệ 2005), tổ chức đáp ứng các điều kiện sau đây được kinh doanh dịch vụ đại diện quyền đối với giống cây trồng với danh nghĩa tổ chức dịch vụ đại diện quyền:
- Là doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức dịch vụ khoa học và công nghệ Việt Nam được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật, trừ tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài hành nghề tại Việt Nam;
- Có ít nhất một cá nhân có Chứng chỉ hành nghề dịch vụ đại diện quyền đối với giống cây trồng.
Dịch vụ đại diện quyền đối với giống cây trồng bao gồm: đại diện cho tổ chức, cá nhân trước cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác lập và bảo vệ quyền đối với giống cây trồng; tư vấn về thủ tục xác lập và bảo vệ quyền đối với giống cây trồng; các dịch vụ khác liên quan đến thủ tục xác lập và bảo vệ quyền đối với giống cây trồng.
Cá nhân được phép hành nghề dịch vụ đại diện quyền đối với giống cây trồng nếu đáp ứng các điều kiện sau đây:
- Có Chứng chỉ hành nghề dịch vụ đại diện quyền đối với giống cây trồng;
- Hoạt động trong một tổ chức dịch vụ đại diện quyền đối với giống cây trồng.
Cá nhân được cấp Chứng chỉ hành nghề dịch vụ đại diện quyền đối với giống cây trồng nếu đáp ứng các điều kiện sau đây:
- Là công dân Việt Nam, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;
- Thường trú tại Việt Nam;
- Có bằng cử nhân hoặc văn bằng trình độ tương đương;
- Đã trực tiếp làm công tác pháp luật về quyền đối với giống cây trồng từ năm năm trở lên hoặc đã trực tiếp làm công tác thẩm định đơn đăng ký quyền đối với giống cây trồng tại cơ quan quốc gia hoặc quốc tế về quyền đối với giống cây trồng từ năm năm trở lên hoặc đã tốt nghiệp khóa đào tạo pháp luật về quyền đối với giống cây trồng được cơ quan có thẩm quyền công nhận;
- Không phải là công chức, viên chức, người lao động đang làm việc tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác lập và bảo vệ quyền đối với giống cây trồng;
- Đã đạt yêu cầu tại kỳ kiểm tra về nghiệp vụ đại diện quyền đối với giống cây trồng do cơ quan có thẩm quyền tổ chức.