Đối với người quyết định đầu tư, chủ đầu tư hoặc chủ sở hữu, người quản lý, sử dụng công trình vi phạm thi công xây dựng công trình sẽ bị phạt thế nào? – Hải Như (Hà Giang).
>> Vi phạm về nghiệm thu công trình xây dựng năm 2023 bị xử phạt thế nào?
>> Vi phạm về khởi công xây dựng công trình năm 2023 sẽ bị xử phạt như thế nào?
Căn cứ tại Điều 17 Nghị định 16/2022/NĐ-CP quy định mức xử phạt hành vi vi phạm quy định về thi công xây dựng công trình đối với người quyết định đầu tư, chủ đầu tư hoặc chủ sở hữu, người quản lý, sử dụng công trình được quy định như sau:
Mục |
Hành vi vi phạm |
Hình thức xử phạt tương ứng |
i |
a. Không có thông báo về nhiệm vụ, quyền hạn của các cá nhân trong hệ thống quản lý chất lượng của chủ đầu tư hoặc của nhà thầu giám sát thi công xây dựng công trình (nếu có) cho các nhà thầu liên quan theo quy định. b. Lập hồ sơ hoàn thành công trình xây dựng không đầy đủ theo quy định. |
Phạt cảnh cáo |
ii |
Không lắp đặt biển báo công trình tại công trường xây dựng hoặc biển báo không đầy đủ nội dung theo quy định. |
Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng |
iii |
a. Không tổ chức giám sát thi công xây dựng công trình theo quy định trong trường hợp công trình đang thi công. b. Không tổ chức lập hồ sơ hoàn thành công trình xây dựng. |
Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng |
iv |
a. Không kiểm tra dẫn đến năng lực thực tế về nhân lực, thiết bị thi công, phòng thí nghiệm chuyên ngành xây dựng hoặc hệ thống quản lý chất lượng của nhà thầu thi công xây dựng không đảm bảo so với hồ sơ dự thầu. b. Không có kết quả kiểm tra biện pháp thi công, biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh môi trường của nhà thầu. c. Không báo cáo về biện pháp đảm bảo an toàn đến cơ quan chuyên môn về xây dựng theo quy định trong trường hợp thi công xây dựng công trình có vùng nguy hiểm ảnh hưởng lớn đến an toàn cộng đồng. d. Không bố trí đủ nhân lực phù hợp để thực hiện giám sát thi công xây dựng, quản lý an toàn trong thi công xây dựng. đ. Để tổ chức, cá nhân không đủ điều kiện năng lực thực hiện thi công xây dựng nhà ở riêng lẻ theo quy định. |
Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng |
v |
a. Không kiểm tra dẫn đến nhà thầu thi công thi công không đúng với thiết kế biện pháp thi công được duyệt. b. Không kiểm tra dẫn đến nhà thầu thi công xây dựng công trình không gia hạn bảo lãnh thực hiện hợp đồng khi đến thời hạn theo quy định. c. Không kiểm tra để chấp thuận vật liệu, cấu kiện, sản phẩm xây dựng hoặc thiết bị lắp đặt vào công trình. d. Để nhà thầu sử dụng vật liệu xây dựng không công bố hợp quy vào công trình đối với những vật liệu xây dựng phải công bố hợp quy theo quy định. đ. Không mua bảo hiểm công trình theo quy định. e. Không tổ chức thí nghiệm đối chứng, kiểm định chất lượng bộ phận công trình, hạng mục công trình, công trình xây dựng theo quy định. |
Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng |
vi |
Tổ chức thi công xây dựng công trình khẩn cấp mà không có lệnh khẩn cấp theo quy định. |
Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng |
vii |
Không tuân thủ quy định về sử dụng vật liệu xây không nung. |
Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng |
Lưu ý: Mức phạt tiền nêu trên là mức phạt áp dụng đối với tổ chức, còn đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với cá nhân bằng 1/2 mức phạt tiền đối với tổ chức (điểm c khoản 3 Điều 4 Nghị định 16/2022/NĐ-CP).
Danh sách văn bản Trung ương mới nhất [Cập nhật liên tục và kịp thời] |
Vi phạm về thi công xây dựng công trình năm 2023 bị xử phạt thế nào? (Ảnh minh họa - Nguồn từ Internet)
(1) Buộc thông báo bằng văn bản về nhiệm vụ, quyền hạn của các cá nhân trong hệ thống quản lý chất lượng của chủ đầu tư hoặc của nhà thầu giám sát thi công xây dựng công trình (nếu có) cho các nhà thầu liên quan với hành vi nêu tại mục i(a) của bảng trên.
(2) Buộc lập hồ sơ hoàn thành công trình xây dựng theo quy định với hành vi nêu tại mục i(b) và mục iii(b) của bảng trên.
(3) Buộc lắp đặt biển báo đầy đủ nội dung tại công trường xây dựng theo quy định với hành vi tại mục ii của bảng trên.
(4) Buộc tổ chức giám sát thi công xây dựng công trình với hành vi tại mục iii(a) của bảng trên.
(5) Buộc chủ đầu tư yêu cầu nhà thầu thi công xây dựng bố trí nhân lực, thiết bị thi công, phòng thí nghiệm chuyên ngành xây dựng hoặc hệ thống quản lý chất lượng của nhà thầu thi công xây dựng đảm bảo so với hồ sơ dự thầu với hành vi tại mục iv(a) của bảng trên.
(6) Buộc có kết quả kiểm tra biện pháp thi công, biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh môi trường của nhà thầu với hành vi tại mục iv(b) của bảng trên.
(7) Buộc báo cáo về biện pháp đảm bảo an toàn đến cơ quan chuyên môn về xây dựng theo quy định trong trường hợp thi công xây dựng công trình có vùng nguy hiểm ảnh hưởng lớn đến an toàn cộng đồng với hành vi tại mục iv(c) của bảng trên.
(8) Buộc bố trí đủ nhân lực phù hợp để thực hiện giám sát thi công xây dựng và quản lý an toàn trong thi công xây dựng với hành vi tại mục iv(d) của bảng trên.
(9) Buộc chủ đầu tư yêu cầu nhà thầu thi công xây dựng công trình theo đúng với thiết kế biện pháp thi công được duyệt với hành vi nêu tại mục v(a) của bảng trên.
(10) Buộc chủ đầu tư yêu cầu nhà thầu thi công xây dựng công trình nộp gia hạn bảo lãnh hợp đồng theo quy định với hành vi tại mục v(b) của bảng trên.
(11) Buộc chủ đầu tư kiểm tra vật liệu, cấu kiện, sản phẩm xây dựng hoặc thiết bị lắp đặt vào công trình theo đúng thiết kế và hợp đồng thi công xây dựng với hành vi tại mục v(c) của bảng trên.
(12) Buộc chủ đầu tư kiểm tra, xác định lại chất lượng công trình đối với hạng mục công trình đã đưa vật liệu xây dựng không công bố hợp quy vào công trình, với hành vi tại mục v(d) của bảng trên.
(13) Buộc mua bảo hiểm công trình với hành vi nêu tại mục v(đ) bảng trên trong trường hợp công trình đang thi công xây dựng.
(14) Buộc tổ chức thí nghiệm đối chứng, kiểm định chất lượng bộ phận công trình, hạng mục công trình, công trình xây dựng với hành vi tại mục v(e) bảng trên.
(15) Buộc xin lệnh xây dựng công trình khẩn cấp theo quy định với hành vi tại mục vi của bảng trên.
(16) Buộc đảm bảo tỷ lệ sử dụng vật liệu xây không nung đối với phần công trình còn lại chưa thi công với hành vi tại mục vii của bảng trên.
Theo Điều 26 Nghị định 06/2021/NĐ-CP quy định lập và lưu trữ hồ sơ hoàn thành công trình xây dựng được thực hiện như sau:
- Chủ đầu tư phải tổ chức lập hồ sơ hoàn thành công trình xây dựng theo quy định tại Phụ lục VIb Nghị định 06/2021/NĐ-CP trước khi đưa hạng mục công trình hoặc công trình vào khai thác, vận hành.
- Hồ sơ hoàn thành công trình xây dựng được lập một lần chung cho toàn bộ dự án đầu tư xây dựng công trình nếu các công trình (hạng mục công trình) thuộc dự án được đưa vào khai thác, sử dụng cùng một thời điểm.
Trường hợp các công trình (hạng mục công trình) của dự án được đưa vào khai thác, sử dụng ở thời điểm khác nhau thì có thể lập hồ sơ hoàn thành công trình cho riêng từng công trình (hạng mục công trình) này.
- Chủ đầu tư tổ chức lập và lưu trữ một bộ hồ sơ hoàn thành công trình xây dựng; các chủ thể tham gia hoạt động đầu tư xây dựng công trình lưu trữ các hồ sơ liên quan đến phần việc do mình thực hiện.
Trường hợp không có bản gốc thì được thay thế bằng bản chính hoặc bản sao hợp pháp. Riêng công trình nhà ở và công trình di tích, việc lưu trữ hồ sơ còn phải tuân thủ theo quy định của pháp luật về nhà ở và pháp luật về di sản văn hóa.
- Thời gian lưu trữ hồ sơ tối thiểu là 10 năm đối với công trình thuộc dự án nhóm A, 07 năm đối với công trình thuộc dự án nhóm B và 05 năm đối với công trình thuộc dự án nhóm C kể từ khi đưa hạng mục công trình, công trình xây dựng vào sử dụng.
- Hồ sơ nộp lưu trữ lịch sử của công trình thực hiện theo quy định của pháp luật về lưu trữ.