Nhà thầu, chủ đầu tư, tổ chức, cá nhân khác tham gia hoạt động xây dựng vi phạm quy định về thi công xây dựng công trình thì bị phạt tiền ra sao? – Mỹ Ý (Cà Mau).
>> Vi phạm về an toàn trong thi công công trình xây dựng 2023 sẽ bị phạt thế nào?
>> Vi phạm về nghiệm thu, thanh toán khối lượng công trình xây dựng 2023 bị phạt thế nào?
Theo Điều 33 Nghị định 16/2022/NĐ-CP, nhà thầu, chủ đầu tư (trong trường hợp tự thực hiện), tổ chức, cá nhân khác tham gia hoạt động xây dựng mà không phải là người quyết định đầu tư, người quản lý, sử dụng công trình nếu vi phạm quy định về thi công xây dựng công trình thì bị phạt tiền và có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung. Các trường hợp phạt tiền cụ thể như sau:
Theo quy định tại khoản 1 và 6 Điều 33 Nghị định 16/2022/NĐ-CP, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng và có thể bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả đối với các hành vi vi phạm sau đây:
- Không hoàn trả mặt bằng, không di chuyển vật tư, máy móc, thiết bị và tài sản khác của nhà thầu ra khỏi công trường sau khi công trình đã được nghiệm thu, bàn giao (trừ trường hợp trong hợp đồng có thỏa thuận khác). Người vi phạm còn bị buộc phải hoàn trả mặt bằng, di chuyển vật tư, máy móc, thiết bị và tài sản khác của nhà thầu ra khỏi công trường;
- Không có nhật ký thi công hoặc nhật ký thi công lập không đúng quy định. Người vi phạm còn bị buộc ghi nhật ký thi công đúng quy định đối với công trình đang thi công xây dựng;
- Không tiếp nhận và không quản lý mặt bằng xây dựng, không bảo quản mốc định vị và mốc giới công trình, không thực hiện quản lý công trường theo quy định. Người vi phạm còn bị buộc tiếp nhận và quản lý mặt bằng xây dựng, bảo quản mốc định vị, mốc giới công trình đối với công trình đang thi công xây dựng;
- Sử dụng chi phí về an toàn lao động không đúng quy định. Người vi phạm còn có thể bị buộc sử dụng đúng quy định chi phí về an toàn lao động đối với công trình đang thi công xây dựng;
- Không báo cáo chủ đầu tư về tiến độ, chất lượng, khối lượng, an toàn lao động và vệ sinh môi trường thi công xây dựng theo quy định của hợp đồng xây dựng và quy định của pháp luật khác có liên quan. Người vi phạm còn có thể bị buộc báo cáo chủ đầu tư về tiến độ, chất lượng, khối lượng, an toàn lao động và vệ sinh môi trường thi công xây dựng đối với công trình đang thi công xây dựng;
- Không tổ chức lập và lưu trữ hồ sơ quản lý thi công xây dựng công trình theo quy định hoặc lập không phù hợp với thời gian thực hiện thực tế tại công trường. Người vi phạm còn có thể bị buộc lập hồ sơ quản lý thi công xây dựng công trình theo quy định và phù hợp với thời gian thực hiện thực tế tại công trường.
Danh sách văn bản Trung ương mới nhất [Cập nhật liên tục và kịp thời] |
Vi phạm về thi công xây dựng công trình 2023 của chủ đầu tư (trường hợp tự thực hiện) sẽ bị phạt thế nào?
(Ảnh minh họa - Nguồn internet)
Theo quy định tại khoản 2 và 6 Điều 33 Nghị định 16/2022/NĐ-CP, phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng và có thể bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả đối với các hành vi vi phạm sau đây:
- Không trình chủ đầu tư chấp thuận kế hoạch tổ chức thí nghiệm, kiểm tra, kiểm định, thử nghiệm, chạy thử quan trắc, đo đạc các thông số kỹ thuật của công trình theo yêu cầu thiết kế, chỉ dẫn kỹ thuật. Người vi phạm còn có thể bị buộc trình chủ đầu tư chấp thuận kế hoạch tổ chức thí nghiệm, kiểm tra, kiểm định, thử nghiệm, chạy thử quan trắc, đo đạc các thông số kỹ thuật của công trình đối với công trình đang thi công xây dựng;
- Không trình chủ đầu tư chấp thuận biện pháp kiểm tra, kiểm soát chất lượng vật liệu, sản phẩm, cấu kiện, thiết bị được sử dụng cho công trình, biện pháp thi công. Người vi phạm còn có thể bị buộc trình chủ đầu tư chấp thuận biện pháp kiểm tra, kiểm soát chất lượng vật liệu, sản phẩm, cấu kiện, thiết bị được sử dụng cho công trình; biện pháp thi công đối với công trình đang thi công xây dựng;
- Không trình chủ đầu tư chấp thuận các: kế hoạch kiểm tra, nghiệm thu công việc xây dựng, nghiệm thu giai đoạn thi công xây dựng hoặc bộ phận (hạng mục) công trình xây dựng, nghiệm thu hoàn thành hạng mục công trình, công trình xây dựng. Người vi phạm còn có thể bị buộc trình chủ đầu tư chấp thuận kế hoạch kiểm tra, nghiệm thu công việc xây dựng, nghiệm thu giai đoạn thi công xây dựng hoặc bộ phận (hạng mục) công trình xây dựng, nghiệm thu hoàn thành hạng mục công trình, công trình xây dựng đối với công trình đang thi công xây dựng;
- Không trình chủ đầu tư chấp thuận tiến độ thi công xây dựng công trình. Người vi phạm còn có thể bị buộc trình chủ đầu tư chấp thuận tiến độ thi công xây dựng công trình đối với công trình đang thi công xây dựng.
Theo quy định tại khoản 3 và 6 Điều 33 Nghị định 16/2022/NĐ-CP, phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng và có thể bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả đối với các hành vi vi phạm sau đây:
- Không lập bản vẽ hoàn công theo quy định. Người vi phạm còn bị buộc lập bản vẽ hoàn công theo quy định đối với công trình đang thi công xây dựng;
- Không xác định vùng nguy hiểm trong thi công xây dựng công trình theo quy định. Người vi phạm còn bị buộc xác định vùng nguy hiểm trong thi công xây dựng công trình đối với công trình đang thi công xây dựng;
- Không bố trí nhân lực, thiết bị thi công theo quy định của hợp đồng xây dựng và quy định của pháp luật có liên quan. Người vi phạm còn bị buộc bố trí nhân lực, thiết bị thi công theo quy định của hợp đồng xây dựng và quy định của pháp luật có liên quan đối với công trình đang thi công xây dựng;
- Không tổ chức thực hiện các công tác thí nghiệm, kiểm tra, thử nghiệm, kiểm định vật liệu, cấu kiện, sản phẩm xây dựng, thiết bị công trình, thiết bị công nghệ trước và trong khi thi công xây dựng theo yêu cầu của thiết kế và quy định của hợp đồng xây dựng. Người vi phạm còn bị buộc tổ chức thực hiện các công tác thí nghiệm, kiểm tra, thử nghiệm, kiểm định vật liệu, cấu kiện, sản phẩm xây dựng, thiết bị công trình, thiết bị công nghệ trước và trong khi thi công xây dựng theo yêu cầu của thiết kế và quy định của hợp đồng xây dựng đối với công trình đang thi công xây dựng;
- Sử dụng phòng thí nghiệm chuyên ngành xây dựng không đủ điều kiện năng lực để thực hiện công tác thí nghiệm hoặc không trực tiếp thực hiện công tác thí nghiệm theo quy định. Người vi phạm còn bị buộc sử dụng phòng thí nghiệm chuyên ngành xây dựng đủ điều kiện năng lực để thực hiện công tác thí nghiệm và trực tiếp thực hiện công tác thí nghiệm đối với công trình đang thi công xây dựng.
Theo quy định tại khoản 4 và 6 Điều 33 Nghị định 16/2022/NĐ-CP, phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng và có thể bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả đối với các hành vi vi phạm sau đây:
- Sử dụng vật liệu, cấu kiện dùng cho công trình không có hồ sơ quản lý chất lượng hoặc hồ sơ quản lý chất lượng không đầy đủ theo quy định. Người vi phạm còn bị buộc hoàn thiện hồ sơ quản lý chất lượng theo quy định đối với công trình chưa khởi công hoặc đang thi công xây dựng;
- Thi công sai hợp đồng xây dựng, sai giấy phép xây dựng, sai thiết kế xây dựng công trình đã được phê duyệt hoặc sai chỉ dẫn kỹ thuật. Người vi phạm còn bị buộc thi công theo hợp đồng xây dựng, giấy phép xây dựng, thiết kế xây dựng công trình và chỉ dẫn kỹ thuật;
- Thiếu kết quả thí nghiệm thử nghiệm, kiểm định vật liệu, sản phẩm, cấu kiện, thiết bị sử dụng cho công trình theo quy định của quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn áp dụng và yêu cầu của thiết kế được thực hiện trong quá trình thi công xây dựng công trình;
- Không thực hiện trắc đạc, quan trắc công trình theo yêu cầu thiết kế đã được chủ đầu tư chấp thuận hoặc không thực hiện thí nghiệm, kiểm tra chạy thử đơn động, chạy thử liên động theo kế hoạch đã được chủ đầu tư chấp thuận trước khi đề nghị nghiệm thu. Người vi phạm còn bị buộc thực hiện trắc đạc, quan trắc công trình theo quy định hoặc thực hiện thí nghiệm, kiểm tra chạy thử đơn động và chạy thử liên động theo quy định trước khi đề nghị nghiệm thu đối với công trình đang thi công xây dựng.
Theo quy định tại khoản 5 và 6 Điều 33 Nghị định 16/2022/NĐ-CP, phạt tiền từ 70.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng và có thể bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả đối với các hành vi vi phạm sau đây:
- Không lập và thông báo cho chủ đầu tư và các chủ thể có liên quan về hệ thống quản lý thi công xây dựng của nhà thầu hoặc lập hệ thống quản lý thi công xây dựng không phù hợp với quy mô, tính chất của công trình. Người vi phạm còn bị buộc lập hệ thống quản lý chất lượng phù hợp với quy mô công trình đối với công trình đang thi công xây dựng;
- Hệ thống quản lý thi công xây dựng của nhà thầu không nêu rõ sơ đồ tổ chức và trách nhiệm của từng cá nhân, bộ phận liên quan đến quản lý chất lượng công trình. Người vi phạm còn bị buộc lập hệ thống quản lý chất lượng nêu rõ sơ đồ tổ chức và trách nhiệm của từng cá nhân, bộ phận liên quan đến quản lý chất lượng công trình đối với công trình đang thi công xây dựng;
- Không dừng thi công xây dựng đối với công việc xây dựng, bộ phận, hạng mục công trình khi phát hiện có sai sót, khiếm khuyết về chất lượng hoặc xảy ra sự cố công trình. Người vi phạm còn bị buộc dừng thi công xây dựng và khắc phục các sai sót, khiếm khuyết, sự cố theo quy định để đảm bảo an toàn trước khi tiếp tục thi công;
- Không dừng thi công công trình khi phát hiện nguy cơ xảy ra tai nạn lao động, sự cố gây mất an toàn lao động. Người vi phạm còn bị buộc dừng thi công xây dựng và khắc phục các sai sót, khiếm khuyết, sự cố theo quy định để đảm bảo an toàn trước khi tiếp tục thi công;
- Không khắc phục hậu quả tai nạn lao động, sự cố gây mất an toàn lao động xảy ra trong quá trình thi công xây dựng công trình. Người bị phạm còn bị buộc khắc phục hậu quả tai nạn lao động, sự cố gây mất an toàn lao động xảy ra trong quá trình thi công xây dựng công trình.
Theo quy định tại điểm c khoản 3 Điều 4 Nghị định 16/2022/NĐ-CP mức phạt tại mục 1, 2, 3, 4 và 5 của bài viết này được áp dụng đối với tổ chức vi phạm quy định về thi công xây dựng công trình. Đối với cá nhân, mức phạt được áp dụng đối với cá nhân vi phạm bằng ½ mức phạt được áp dụng đối với tổ chức vi phạm.