Công ty mình làm bên dịch vụ, có góp vốn tài sản bằng công cụ dụng cụ và TSCĐ, vậy những loại đó có được tính vào chi phí được trừ không, và điệu kiện gì để được tính vào chi phí được trừ, Cảm ơn PHÁP LÝ KHỞI NGHIỆP.
>> 12 khoản thu nhập được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN)
>> Thời điểm lập hóa đơn điện tử khi cung cấp dịch vụ viễn thông
Nội dung này được Ban Hỗ trợ PHÁP LÝ KHỞI NGHIỆP trả lời như sau:
Thứ nhất, công cụ, dụng cụ và tài sản cố định có được tính vào chi phí được trừ không?
Căn cứ theo quy định tại Điều 9 Thông tư 45/2013/TT-BTC thì tất cả tài sản cố định (sau đây gọi tắt là “TSCĐ”) hiện có của doanh nghiệp đều phải trích khấu hao trừ một số trường hợp theo quy định pháp luật.
Bên cạnh đó, theo quy định tại Khoản 2 Điều 4 Thông tư 96/2015/TT-BTC thì:
“Điều 6. Các khoản chi được trừ và không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế
…
2. Các khoản chi không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế bao gồm:
…
2.2. Chi khấu hao tài sản cố định thuộc một trong các trường hợp sau:
..
d) Phần trích khấu hao vượt mức quy định hiện hành của Bộ Tài chính về chế độ quản lý, sử dụng và trích khấu hao tài sản cố định.
Tài sản cố định góp vốn, tài sản cố định điều chuyển khi chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi loại hình có đánh giá lại theo quy định thì doanh nghiệp nhận tài sản cố định này được tính khấu hao vào chi phí được trừ theo nguyên giá đánh giá lại. Đối với loại tài sản khác không đủ tiêu chuẩn là tài sản cố định có góp vốn, điều chuyển khi chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi loại hình và tài sản này có đánh giá lại theo quy định thì doanh nghiệp nhận tài sản này được tính vào chi phí hoặc phân bổ dần vào chi phí được trừ theo giá đánh giá lại.
Đối với tài sản là công cụ, dụng cụ, bao bì luân chuyển, ... không đáp ứng đủ điều kiện xác định là tài sản cố định theo quy định thì chi phí mua tài sản nêu trên được phân bổ dần vào chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh trong kỳ nhưng tối đa không quá 3 năm. […]”
Như vậy, theo quy định của pháp luật thì phần trích khấu hao TSCĐ không vượt mức quy định thì sẽ được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế của doanh nghiệp.
Đối với công cụ, dụng cụ: trường hợp công cụ, dụng cụ được xác định là TSCĐ thì được áp dụng như trên. Trường hợp công cụ, dụng cụ không được xác định là TSCĐ thì chi phí trên sẽ được phân bổ vào chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh trong kỳ nhưng tối đa không quá 3 năm.
Về cách xác định TSCĐ chị vui lòng xem chi tiết công việc tại: Tiêu chuẩn xác định là tài sản cố định.
Thứ hai, điều kiện để được tính vào chi phí được trừ
Căn cứ theo quy định tại Khoản 1 Điều 4 Thông tư 96/2015/TT-BTC thì điều kiện để loại tài sản trên được khấu trừ là:
- Khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
- Khoản chi có đủ hoá đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của pháp luật.
- Khoản chi nếu có hoá đơn mua hàng hoá, dịch vụ từng lần có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên (giá đã bao gồm thuế GTGT) khi thanh toán phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt (Chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt thực hiện theo quy định của các văn bản pháp luật về thuế giá trị gia tăng).
Chị có thể tham khảo thêm chi tiết tại các công việc sau:
- Các khoản chi phí được trừ (chi phí hợp lý);
- Tài sản cố định trong Công ty cổ phần.
Trên đây là nội dung hỗ trợ của PHÁP LÝ KHỞI NGHIỆP về vấn đề trên.
Trân trọng!