Trụ sở chính của doanh nghiệp có được trùng với địa điểm kinh doanh? Trụ sở chính của doanh nghiệp có được đặt ở chung cư? Đặt trụ sở công ty tại chung cư có bị phạt không?
>> Trọng tài thương mại là gì? Điều kiện giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài là gì?
>> Doanh nghiệp tư nhân là gì? Vốn điều lệ của doanh nghiệp tư nhân được quy định như thế nào?
Trụ sở chính của doanh nghiệp đặt trên lãnh thổ Việt Nam, là địa chỉ liên lạc của doanh nghiệp và được xác định theo địa giới đơn vị hành chính; có số điện thoại, số fax và thư điện tử (nếu có) (theo Điều 42 Luật Doanh nghiệp 2020).
Địa điểm kinh doanh là nơi doanh nghiệp tiến hành hoạt động kinh doanh cụ thể (theo khoản 3 Điều 44 Luật Doanh nghiệp 2020).
Căn cứ điểm a khoản 2 Điều 31 Nghị định 01/2021/NĐ-CP, doanh nghiệp có thể lập địa điểm kinh doanh tại địa chỉ khác nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính hoặc đặt chi nhánh.
Như vậy, pháp luật không cấm việc đặt trụ sở chính trùng với địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp.
Luật Doanh nghiệp 2020 và các văn bản hướng dẫn [cập nhật ngày 29/08/2024] |
Trụ sở chính của doanh nghiệp được trùng với địa điểm kinh doanh (Ảnh minh họa - Nguồn Internet)
Nhà chung cư là nhà ở có từ 02 tầng trở lên, có nhiều căn hộ, có lối đi, cầu thang chung, có phần sở hữu riêng, phần sở hữu chung và hệ thống công trình hạ tầng sử dụng chung cho gia đình, cá nhân, tổ chức, bao gồm nhà chung cư được xây dựng với mục đích để ở và nhà chung cư được xây dựng có mục đích sử dụng hỗn hợp (theo khoản 3 Điều 2 Luật Nhà ở 2023).
Theo đó, nhà chung cư có 02 mục đích chính là để ở và sử dụng hỗn hợp.
Căn cứ điểm c khoản 8 Điều 3 Luật Nhà ở 2023, hành vi tự ý chuyển đổi công năng, mục đích sử dụng phần sở hữu chung, sử dụng chung của nhà chung cư; sử dụng căn hộ chung cư vào mục đích không phải để ở; thay đổi, làm hư hại kết cấu chịu lực; chia, tách căn hộ không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép là hành vi bị cấm.
Một trong những hành vi bị cấm theo quy định trên là cấm sử dụng căn hộ chung cư vào mục đích không phải để ở như làm trụ sở công ty, văn phòng, cửa hàng,.. Do đó, đối với nhà chung cư có mục đích để ở thì không được đặt trụ sở chính của doanh nghiệp.
Trường hợp nhà chung cư có mục đích sử dụng hỗn hợp là nhà chung cư được thiết kế, xây dựng để sử dụng vào mục đích ở và sử dụng vào mục đích khác như làm văn phòng, dịch vụ, thương mại. Do đó, đối với nhà chung cư có mục đích sử dụng hỗn hợp thì có thể đặt làm trụ sở.
Như vậy, doanh nghiệp không được phép đặt trụ sở chính tại nhà chung cư có mục đích sử dụng để ở. Trong trường hợp nhà chung cư được xây dựng với mục đích hỗn hợp, doanh nghiệp cần đảm bảo tuân thủ đầy đủ các quy định pháp luật về đất đai, xây dựng và nhà ở.
Căn cứ điểm e khoản 1 Điều 70 Nghị định 16/2022/NĐ-CP, quy định mức xử phạt về quản lý sử dụng nhà chung cư đối với người sử dụng nhà chung cư.
Vi phạm quy định về quản lý sử dụng nhà chung cư đối với người sử dụng nhà chung cư.
1. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
...
e) Sử dụng căn hộ chung cư vào mục đích không phải để ở.
Do đó, trường hợp sử dụng căn hộ chung cư vào mục đích không phải để ở sẽ bị phạt tiền từ 20 - 40 triệu đồng. Ngoài ra còn buộc sử dụng căn hộ chung cư vào mục đích để ở (theo điểm d khoản 3 Điều 70 Nghị định 16/2022/NĐ-CP).
Lưu ý: mức phạt trên chỉ áp dụng đối với cá nhân, trường hợp doanh nghiệp thì mức phạt gấp 02 lần mức phạt cá nhân (theo điểm c khoản 2 Điều 4 Nghị định 16/2022/NĐ-CP).
Như vậy, việc doanh nghiệp đặt trụ sở công ty tại chung cư vào mục đích để ở sẽ bị phạt tiền từ 40 - 80 triệu đồng. Ngoài ra còn buộc công ty phải sử dụng đúng mục đích để ở.