Cho tôi hỏi khi nào bên thuê được coi là chấp nhận hàng hóa cho thuê? Bên cho thuê có phải chịu trách nhiệm đối với khiếm khuyết của hàng hóa cho thuê? – Mỹ Duyên (Phú Thọ).
>> Năm 2023, miễn trách nhiệm thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics trong trường hợp nào?
>> Việc chuyển rủi ro đối với hàng hóa cho thuê năm 2023 được quy định như thế nào?
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 278 Luật Thương mại 2005, bên thuê được coi là đã chấp nhận hàng hoá cho thuê sau khi bên thuê có cơ hội hợp lý để kiểm tra hàng hoá cho thuê và thực hiện một trong các hành vi sau đây:
(1) Không từ chối hàng hoá cho thuê;
(2) Xác nhận sự phù hợp của hàng hoá cho thuê với thoả thuận trong hợp đồng;
(3) Xác nhận việc sẽ nhận hàng hoá đó, dù không phù hợp với thoả thuận trong hợp đồng.
Trường hợp bên thuê phát hiện ra sự không phù hợp với hợp đồng của hàng hóa sau khi đã chấp nhận hàng hóa mà sự không phù hợp đó có thể được xác định thông qua việc kiểm tra một cách hợp lý trước khi chấp nhận hàng hóa thì bên thuê không được dựa vào sự không phù hợp đó để trả lại hàng (khoản 2 Điều 278 Luật Thương mại 2005).
Trách nhiệm đối với khiếm khuyết của hàng hóa cho thuê năm 2023 (Ảnh minh họa)
Theo quy định tại khoản 1 Điều 279 Luật Thương mại 2005, bên thuê có thể rút lại chấp nhận đối với một phần hoặc toàn bộ hàng hoá cho thuê nếu sự không phù hợp của hàng hoá cho thuê làm cho bên thuê không đạt được mục đích giao kết hợp đồng và thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- Bên cho thuê không khắc phục một cách hợp lý theo quy định tại Điều 277 của Luật Thương mại 2005;
- Bên thuê không phát hiện được sự không phù hợp của hàng hoá xuất phát từ bảo đảm của bên cho thuê.
Lưu ý: Việc rút lại chấp nhận phải được thực hiện trong khoảng thời gian hợp lý, nhưng không quá ba tháng, kể từ thời điểm bên thuê chấp nhận hàng hoá (khoản 2 Điều 279 Luật Thương mại 2005).
Trừ trường hợp có thoả thuận khác, trách nhiệm đối với khiếm khuyết của hàng hoá cho thuê được quy định tại Điều 280 Luật Thương mại 2005 như sau:
(i) Trong thời hạn thuê, bên cho thuê phải chịu trách nhiệm về bất kỳ khiếm khuyết nào của hàng hoá cho thuê đã có vào thời điểm hàng hóa được giao cho bên thuê, trừ trường hợp (ii) và (iii) bên dưới;
(ii) Bên cho thuê không chịu trách nhiệm về bất kỳ khiếm khuyết nào của hàng hoá đã có trước thời điểm giao kết hợp đồng mà bên thuê đã biết hoặc phải biết về những khiếm khuyết đó;
(iii) Bên cho thuê không chịu trách nhiệm đối với những khiếm khuyết của hàng hoá được phát hiện sau khi bên thuê chấp nhận hàng hoá cho thuê mà khiếm khuyết đó có thể được bên thuê phát hiện nếu thực hiện việc kiểm tra một cách hợp lý trước khi chấp nhận hàng hóa;
(iv) Bên cho thuê phải chịu trách nhiệm về bất kỳ khiếm khuyết nào phát sinh sau thời điểm chuyển rủi ro nếu khiếm khuyết đó xuất phát từ việc bên cho thuê vi phạm nghĩa vụ đã cam kết của mình.
Căn cứ theo quy định tại Điều 281 Luật Thương mại 2005, bên thuê chỉ được cho thuê lại hàng hoá khi có sự chấp thuận của bên cho thuê. Bên thuê phải chịu trách nhiệm về hàng hoá cho thuê lại trừ trường hợp có thoả thuận khác với bên cho thuê.
Trong trường hợp bên thuê cho thuê lại hàng hóa cho thuê mà không có sự chấp thuận của bên cho thuê thì bên cho thuê có quyền hủy hợp đồng cho thuê. Người thuê lại phải có trách nhiệm trả lại ngay hàng hóa cho bên cho thuê.
Theo quy định tại Điều 282 Luật Thương mại 2005, mọi lợi ích phát sinh từ hàng hóa cho thuê trong thời hạn thuê thuộc về bên thuê, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Mọi thay đổi về quyền sở hữu đối với hàng hóa cho thuê không ảnh hưởng đến hiệu lực của hợp đồng cho thuê (Điều 283 Luật Thương mại 2005).
>> Xem thêm bài viết: Quyền và nghĩa vụ của bên cho thuê hàng hóa, bên thuê hàng hóa năm 2023?