Hiện nay, pháp luật quy định như thế nào đối với tài khoản 311 (công cụ, dụng cụ)? – Phương Thảo (Nghệ An).
Căn cứ tại khoản 1 Điều 17 Thông tư 05/2019/TT-BTC, nguyên tắc kế toán đối với tài khoản 311 (công cụ, dụng cụ) áp dụng cho tổ chức tài chính vi mô như sau:
- Tài khoản 311 (công cụ, dụng cụ) dùng để phản ánh trị giá hiện có và tình hình biến động tăng, giảm các loại công cụ, dụng cụ của các tổ chức tài chính vi mô.
- Kế toán nhập, xuất, tồn kho công cụ, dụng cụ trên tài khoản 311 được thực hiện theo giá gốc. Nguyên tắc xác định giá gốc nhập kho công cụ, dụng cụ được thực hiện như quy định trong chuẩn mực “Hàng tồn kho”.
- Kế toán nhập, xuất, tồn kho công cụ, dụng cụ phải phản ánh theo giá trị thực tế.
- Đối với các công cụ, dụng cụ có giá trị nhỏ khi xuất dùng cho kinh doanh phải ghi nhận toàn bộ một lần vào chi phí quản lý.
- Trường hợp công cụ, dụng cụ, bao bì luân chuyển, đồ dùng cho thuê xuất dùng hoặc cho thuê liên quan đến hoạt động kinh doanh trong nhiều kỳ kế toán thì được ghi nhận vào Tài khoản 381 “Tài sản khác” và phân bổ dần vào chi phí trong kỳ.
Toàn văn File Word Thông tư hướng dẫn chế độ kế toán năm 2023 |
Tài khoản 311 (công cụ, dụng cụ) áp dụng cho tổ chức tài chính vi mô, được quy định thế nào?
(Ảnh minh họa - Nguồn từ Internet)
Kết cấu và nội dung phản ánh của tài khoản 311 (công cụ, dụng cụ) áp dụng đối với các tổ chức tài chính vi mô được quy định tại khoản 2 Điều 17 Thông tư 05/2019/TT-BTC cụ thể như sau:
- Bên Nợ:
+ Trị giá thực tế của công cụ, dụng cụ nhập kho do mua ngoài, tự chế, thuê ngoài gia công chế biến, nhận góp vốn.
+ Trị giá công cụ, dụng cụ cho thuê nhập lại kho;
+ Trị giá thực tế của công cụ, dụng cụ thừa phát hiện khi kiểm kê.
- Bên Có:
+ Trị giá thực tế của công cụ, dụng cụ xuất kho sử dụng cho hoạt động kinh doanh, cho thuê hoặc góp vốn.
+ Chiết khấu thương mại khi mua công cụ, dụng cụ được hưởng.
+ Trị giá công cụ, dụng cụ trả lại cho người bán hoặc được người bán giảm giá.
+ Trị giá công cụ, dụng cụ thiếu phát hiện trong kiểm kê.
- Số dư bên Nợ: Trị giá thực tế của công cụ, dụng cụ tồn kho cuối kỳ.
Theo quy định tại Điều 30 Thông tư 03/2018/TT-NHNN, mua lại phần vốn góp của tổ chức tài chính vi mô được thực hiện như sau:
- Yêu cầu mua lại phần vốn góp của thành viên góp vốn, điều kiện thanh toán và xử lý phần vốn góp thực hiện theo quy định về mua lại phần vốn góp của Luật Doanh nghiệp 2020.
- Điều kiện để tổ chức tài chính vi mô mua lại phần vốn góp của thành viên bao gồm:
+ Kinh doanh liên tục có lãi trong 05 (năm) năm liền kề trước năm đề nghị mua lại phần vốn góp và không có lỗ lũy kế.
+ Tuân thủ đầy đủ các quy định về quản trị rủi ro và trích lập dự phòng đầy đủ theo quy định tại thời điểm đề nghị Ngân hàng Nhà nước chấp thuận việc mua lại phần vốn góp.
+ Không bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng trong 05 (năm) năm liền kề trước năm đề nghị mua lại phần vốn góp và đến thời điểm đề nghị Ngân hàng Nhà nước chấp thuận việc mua lại phần vốn góp.
+ Sau khi thanh toán hết phần vốn góp được mua lại, tổ chức tài chính vi mô vẫn bảo đảm thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác, bảo đảm các tỷ lệ an toàn trong hoạt động ngân hàng, giá trị thực của vốn điều lệ không thấp hơn mức vốn pháp định.