Khi tiến hành kinh doanh thực phẩm, cá nhân - tổ chức có quyền và nghĩa vụ gì? Quyền và nghĩa vụ đó được quy định trong luật nào? – Hồng Loan (Đồng Nai).
>> Quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân sản xuất thực phẩm năm 2023?
>> Năm 2023, có được đặt trụ sở công ty tại căn hộ chung cư?
Khoản 8 Điều 2 Luật An toàn thực phẩm 2010 quy định như sau:
Điều 2. Giải thích từ ngữ
8. Kinh doanh thực phẩm là việc thực hiện một, một số hoặc tất cả các hoạt động giới thiệu, dịch vụ bảo quản, dịch vụ vận chuyển hoặc buôn bán thực phẩm.
Có thể thấy, tổ chức, cá nhân kinh doanh thực phẩm là tổ chức, cá nhân thực hiện một, một số hoặc tất cả các hoạt động sau:
- Giới thiệu thực phẩm;
- Cung cấp dịch vụ bảo quản thực phẩm;
- Cung cấp dịch vụ vận chuyển thực phẩm;
- Buôn bán thực phẩm.
Tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh thực phẩm sẽ có quyền và nghĩa vụ nêu tại mục 2, mục 3 dưới đây.
Quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh thực phẩm năm 2023 (Ảnh minh họa - Nguồn Internet)
Căn cứ khoản 1 Điều 8 Luật An toàn thực phẩm 2010, tổ chức hay cá nhân khi tiến hành thực hiện hoạt động kinh doanh thực phẩm thì có các quyền sau đây:
- Quyết định các biện pháp kiểm soát nội bộ để duy trì chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm;
- Yêu cầu tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu thực phẩm hợp tác trong việc thu hồi và xử lý thực phẩm không bảo đảm an toàn;
- Lựa chọn cơ sở kiểm nghiệm để kiểm tra an toàn thực phẩm; lựa chọn cơ sở kiểm nghiệm đã được chỉ định để chứng nhận hợp quy đối với thực phẩm nhập khẩu;
- Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện theo quy định của pháp luật;
- Được bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.
Căn cứ vào khoản 2 Điều 8 Luật An toàn thực phẩm 2010, tổ chức hay cá nhân khi tiến hành thực hiện hoạt động kinh doanh thực phẩm thì có các nghĩa vụ sau đây:
- Tuân thủ các điều kiện bảo đảm an toàn đối với thực phẩm trong quá trình kinh doanh và chịu trách nhiệm về an toàn thực phẩm do mình kinh doanh;
- Kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ thực phẩm, nhãn thực phẩm và các tài liệu liên quan đến an toàn thực phẩm; lưu giữ hồ sơ về thực phẩm; thực hiện quy định về truy xuất nguồn gốc thực phẩm không bảo đảm an toàn theo quy định về truy xuất nguồn gốc thực phẩm đối với thực phẩm không đảm bảo an toàn tại Điều 54 Luật An toàn thực phẩm 2010;
- Thông tin trung thực về an toàn thực phẩm; thông báo cho người tiêu dùng điều kiện bảo đảm an toàn khi vận chuyển, lưu giữ, bảo quản và sử dụng thực phẩm;
- Kịp thời cung cấp thông tin về nguy cơ gây mất an toàn của thực phẩm và cách phòng ngừa cho người tiêu dùng khi nhận được thông tin cảnh báo của tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu;
- Kịp thời ngừng kinh doanh, thông tin cho tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu và người tiêu dùng khi phát hiện thực phẩm không bảo đảm an toàn;
- Báo cáo ngay với cơ quan có thẩm quyền và khắc phục ngay hậu quả khi phát hiện ngộ độc thực phẩm hoặc bệnh truyền qua thực phẩm do mình kinh doanh gây ra;
- Hợp tác với tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu, cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc điều tra ngộ độc thực phẩm để khắc phục hậu quả, thu hồi hoặc xử lý thực phẩm không bảo đảm an toàn;
- Tuân thủ quy định của pháp luật, quyết định về thanh tra, kiểm tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
- Chi trả chi phí lấy mẫu và kiểm nghiệm theo quy định về chi phí lấy mẫu và kiểm nghiệm thực phẩm tại Điều 48 Luật An toàn thực phẩm 2010;
- Bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật khi thực phẩm mất an toàn do mình kinh doanh gây ra.