Cho tôi hỏi nhà nước có chính sách hỗ trợ gì cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng hay không? – Trung Hiếu (Tiền Giang).
>> Thỏa thuận chấm dứt hợp đồng trước hạn, Công ty phải bồi thường bao nhiêu?
>> Công ty có phải trả lương cho nhân viên nghỉ làm khám nghĩa vụ quân sự không?
Nội dung này được Ban Hỗ trợ PHÁP LÝ KHỞI NGHIỆP trả lời như sau:
Theo quy định tại khoản 1 Điều 20 Luật Việc làm 2013 thì Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện cho người lao động có nhu cầu và khả năng đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Nhà nước hỗ trợ phát triển thị trường lao động ngoài nước thông qua các hoạt động sau đây:
- Nghiên cứu, khảo sát thị trường lao động ngoài nước;
- Quảng bá thông tin về nguồn lao động Việt Nam;
- Xúc tiến phát triển thị trường lao động ngoài nước.
(Điều 12 Nghị định 61/2015/NĐ-CP)
Bên cạnh đó, người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng sẽ được nhận các chính sách hỗ trợ cụ thể như sau:
Căn cứ theo Điều 10 Nghị định 61/2015/NĐ-CP thì đối tượng được nhận các chính sách hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng của nhà nước bao gồm:
- Người lao động là người dân tộc thiểu số;
- Người lao động là người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo hoặc hộ bị thu hồi đất nông nghiệp;
- Người lao động là thân nhân của người có công với cách mạng.
Chính sách hỗ trợ người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài (Ảnh minh họa)
Tại Điều 10 Nghị định 61/2015/NĐ-CP quy định người lao động thuộc các đối tượng tại Mục 1 nêu trên có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài sẽ được hỗ trợ như sau:
(1) Hỗ trợ đào tạo nghề, ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức cần thiết gồm:
- Học phí đào tạo nghề, ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức cần thiết;
- Tiền ăn trong thời gian thực tế học;
- Chi phí đi lại (01 lượt đi và về) từ nơi cư trú đến địa điểm đào tạo từ 15 km trở lên hoặc từ 10 km trở lên đối với người lao động cư trú hợp pháp tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Riêng người lao động thuộc các huyện nghèo được hỗ trợ thêm tiền ở và đồ dùng cá nhân thiết yếu.
(2) Hỗ trợ chi phí làm thủ tục hộ chiếu, thị thực, khám sức khoẻ, lý lịch tư pháp trước khi đi làm việc ở nước ngoài theo quy định của pháp luật.
(3) Hỗ trợ giải quyết rủi ro trong thời gian làm việc ở nước ngoài theo quy định của pháp luật.
(4) Hỗ trợ chi phí đào tạo, nâng cao trình độ tay nghề trong trường hợp nước tiếp nhận yêu cầu.
Theo quy định tại Điều 11 Nghị định 61/2015/NĐ-CP thì người lao động thuộc hộ nghèo, hộ bị thu hồi đất nông nghiệp và người lao động là người dân tộc thiểu số được vay vốn đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng từ Ngân hàng chính sách xã hội theo quy định của pháp luật.
Đối với người lao động thuộc hộ cận nghèo, người lao động là thân nhân của người có công với cách mạng được vay vốn đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng từ Quỹ quốc gia về việc làm.
Tại khoản 3 Điều 5 Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 2020 quy định về các hình thức người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng gồm có:
- Hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài ký với đơn vị sự nghiệp để thực hiện thỏa thuận quốc tế.
- Hợp đồng hoặc thỏa thuận bằng văn bản về việc đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài ký với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân sau đây:
+ Doanh nghiệp Việt Nam hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;
+ Doanh nghiệp Việt Nam trúng thầu, nhận thầu công trình, dự án ở nước ngoài;
+ Doanh nghiệp Việt Nam đưa người lao động Việt Nam đi đào tạo, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề ở nước ngoài;.
+ Tổ chức, cá nhân Việt Nam đầu tư ra nước ngoài.
- Hợp đồng lao động do người lao động Việt Nam trực tiếp giao kết với người sử dụng lao động ở nước ngoài.
>> Xem thêm bài viết
>> Chế độ hỗ trợ đối với lao động xuất khẩu lao động
>> Những lưu ý khi người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài
>> Người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc được vay đến 100 triệu đồng để ký quỹ