Tôi có sở hữu một số cổ phần phổ thông thành lập công ty nhưng thời gian gần đây kinh doanh khó khăn. Vậy tôi có được chuyển nhượng cổ phần của mình không? – Kiều Trinh (Hà Nội).
>> Luật Cạnh tranh mới nhất năm 2024 là Luật nào? Có điểm gì cần lưu ý?
>> Hợp đồng trọn gói là gì? Điểm mới về hợp đồng trọn gói 2024 như thế nào?
Căn cứ điểm d khoản 1 Điều 111 Luật Doanh nghiệp 2020, cổ đông có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 120 và khoản 1 Điều 127 Luật Doanh nghiệp 2020. Cụ thể như sau:
Theo khoản 3 Điều 120 Luật Doanh nghiệp 2020, trong thời hạn 03 năm kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, cổ phần phổ thông của cổ đông sáng lập được tự do chuyển nhượng cho cổ đông sáng lập khác và chỉ được chuyển nhượng cho người không phải là cổ đông sáng lập nếu được sự chấp thuận của Đại hội đồng cổ đông. Trường hợp này, cổ đông sáng lập dự định chuyển nhượng cổ phần phổ thông thì không có quyền biểu quyết về việc chuyển nhượng cổ phần đó.
Đồng thời, theo khoản 1 Điều 127 Luật Doanh nghiệp 2020, cổ phần được tự do chuyển nhượng, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 120 Luật Doanh nghiệp 2020 và Điều lệ công ty có quy định hạn chế chuyển nhượng cổ phần. Trường hợp Điều lệ công ty có quy định hạn chế về chuyển nhượng cổ phần thì các quy định này chỉ có hiệu lực khi được nêu rõ trong cổ phiếu của cổ phần tương ứng.
Như vậy, nếu không thuộc các trường hợp hạn chế chuyển nhượng cổ phần nêu trên, cổ đông có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần phổ thông cho người khác.
Toàn văn File word Luật Doanh nghiệp và văn bản hướng dẫn năm 2024 |
Giải đáp thắc mắc, cổ đông sáng lập có được tự do chuyển nhượng cổ phần phổ thông năm 2024
(Ảnh minh họa – Nguồn Internet)
Căn cứ khoản 2 Điều 114 Luật Doanh nghiệp 2020, công ty cổ phần có thể có các loại cổ phần ưu đãi sau đây:
- Cổ phần ưu đãi cổ tức.
- Cổ phần ưu đãi hoàn lại.
- Cổ phần ưu đãi biểu quyết.
- Cổ phần ưu đãi khác theo quy định tại Điều lệ công ty và pháp luật về chứng khoán.
Căn cứ khoản 3 Điều 116 Luật Doanh nghiệp 2020, cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi biểu quyết không được chuyển nhượng cổ phần đó cho người khác, trừ trường hợp chuyển nhượng theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật hoặc thừa kế.
Căn cứ khoản 2 Điều 119 Luật Doanh nghiệp 2020, cổ đông không được rút vốn đã góp bằng cổ phần phổ thông ra khỏi công ty dưới mọi hình thức, trừ trường hợp được công ty hoặc người khác mua lại cổ phần. Trường hợp có cổ đông rút một phần hoặc toàn bộ vốn cổ phần đã góp trái với quy định thì cổ đông đó và người có lợi ích liên quan trong công ty phải cùng liên đới chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi giá trị cổ phần đã bị rút và các thiệt hại xảy ra.
Như vậy, cổ đông không được phép rút vốn ra khỏi công ty trừ trường hợp chuyển nhượng cổ phần cho người khác hoặc được công ty mua lại cổ phần.
Điều 111. Công ty cổ phần – Luật Doanh nghiệp 2020 1. Công ty cổ phần là doanh nghiệp, trong đó: a) Vốn điều lệ được chia thành nhiều phần bằng nhau gọi là cổ phần; b) Cổ đông có thể là tổ chức, cá nhân; số lượng cổ đông tối thiểu là 03 và không hạn chế số lượng tối đa; c) Cổ đông chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp; d) Cổ đông có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 120 và khoản 1 Điều 127 của Luật này. 2. Công ty cổ phần có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. 3. Công ty cổ phần có quyền phát hành cổ phần, trái phiếu và các loại chứng khoán khác của công ty. |