Hiện nay, trên các trang facebook có rất nhiều người đăng bài quảng cáo sản phẩm của mình trên đó, tôi có thắc mắc là họ có được làm điều đó hay không? – Minh Anh (Hà Tĩnh).
>> Năm 2023, sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ nào bị cấm quảng cáo?
>> Buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm năm 2023 sẽ bị phạt tù như thế nào?
Căn cứ theo khoản 5 Điều 2 Luật Quảng cáo 2012, người quảng cáo được định nghĩa như sau:
Người quảng cáo là tổ chức hoặc cá nhân có yêu cầu quảng cáo sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của mình hoặc bản thân tổ chức, cá nhân đó.
Danh sách văn bản Trung ương mới nhất [Cập nhật liên tục và kịp thời] |
Người quảng cáo có những quyền và nghĩa vụ nào? (Ảnh minh họa – Nguồn từ Internet)
Căn cứ theo Điều 12 Luật Quảng cáo 2012, người quảng cáo có các quyền và nghĩa vụ sau:
(1) Quyền của người quảng cáo:
- Quảng cáo về tổ chức, cá nhân, sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của mình.
- Quyết định hình thức và phương thức quảng cáo.
- Được cơ quan có thẩm quyền về quảng cáo của địa phương thông tin về quy hoạch quảng cáo ngoài trời đã phê duyệt.
- Yêu cầu thẩm định sản phẩm quảng cáo.
(2) Nghĩa vụ của người quảng cáo:
- Cung cấp cho người kinh doanh dịch vụ quảng cáo hoặc người phát hành quảng cáo thông tin cần thiết, trung thực, chính xác về cơ quan, tổ chức, cá nhân, sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, các tài liệu liên quan đến điều kiện quảng cáo và chịu trách nhiệm về các thông tin đó.
- Bảo đảm chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ phù hợp với nội dung quảng cáo.
- Chịu trách nhiệm về sản phẩm quảng cáo của mình trong trường hợp trực tiếp thực hiện quảng cáo trên các phương tiện; liên đới chịu trách nhiệm về sản phẩm quảng cáo trong trường hợp thuê người khác thực hiện.
- Cung cấp tài liệu liên quan đến sản phẩm quảng cáo khi người tiếp nhận quảng cáo hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu.
(3) Thực hiện quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
Căn cứ theo quy định tại Điều 33 Nghị định 38/2021/NĐ-CP, người quảng cáo sẽ bị xử phạt khi thực hiện hành vi quảng cáo sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ bị cấm quảng cáo (sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ bị cấm quảng cáo xem TẠI ĐÂY) như sau:
(1) Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
- Quảng cáo thuốc lá.
- Quảng cáo rượu có nồng độ cồn từ 15 độ trở lên.
- Quảng cáo sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ dùng cho trẻ dưới 24 tháng tuổi; thức ăn bổ sung dùng cho trẻ dưới 06 tháng tuổi; bình bú và vú ngậm nhân tạo.
- Quảng cáo thuốc kê đơn; thuốc không kê đơn nhưng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền khuyến cáo hạn chế sử dụng hoặc sử dụng có sự giám sát của thầy thuốc; thuốc không còn thời hạn đăng ký lưu hành.
- Quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cấm quảng cáo khác.
(2) Phạt tiền từ 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
- Quảng cáo hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh theo quy định.
- Quảng cáo các loại sản phẩm, hàng hóa có tính chất kích dục.
- Quảng cáo súng săn và đạn súng săn, vũ khí thể thao và các loại sản phẩm, hàng hóa có tính chất kích động bạo lực.
(3) Biện pháp khắc phục hậu quả: Ngoài hai hình thức xử phạt nêu trên, người quảng cáo còn phải buộc tháo gỡ, tháo dỡ, xóa quảng cáo hoặc thu hồi sản phẩm báo, tạp chí in có quảng cáo đối với hành vi (1), (2) nêu trên.
Lưu ý: Trên đây là mức phạt đối với cá nhân có hành vi vi phạm về quảng cáo sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ bị cấm quảng cáo, còn đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm thì mức xử phạt sẽ gấp đôi. Xem chi tiết tại khoản 2, khoản 3 Điều 5 Nghị định 38/2021/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 2 Điều 1 Nghị định 128/2022/NĐ-CP.
Như vậy, các cá nhân hay tổ chức hoàn toàn có quyền được phép quảng cáo về tổ chức, cá nhân, sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của mình. Nhưng phải tuân thủ các quy định của pháp luật về quảng cáo.