Cho tôi hỏi, năm 2023, buôn bán vé giả là vé tàu mức độ nào sẽ bị phạt tù? – Thiên Thi (Đà Nẵng).
>> Năm 2023, quảng cáo gian dối, lừa dối khách hàng mức độ nào sẽ bị truy cứu hình sự?
>> Năm 2023, người kinh doanh dịch vụ quảng cáo có những quyền và nghĩa vụ nào?
Làm, buôn bán, tem giả, vé giả có thể bị phạt tù theo quy định của Bộ luật Hình sự 2015. Tùy vào mức độ hành vi khác nhau mà việc làm, buôn bán vé giả, tem giả có thể bị phạt theo từng hình thức khác nhau. Cụ thể:
Theo quy định tại khoản 1 Điều 202 Bộ luật Hình sự 2015, các trường hợp làm, buôn bán vé giả, tem giả bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm hoặc phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- Tem giả, vé giả không có mệnh giá có số lượng từ 15.000 đơn vị đến dưới 30.000 đơn vị;
- Tem giả, vé giả có mệnh giá có tổng trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
- Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi làm, buôn bán vé giả, tem giả hoặc đã bị kết án về tội làm, buôn bán vé giả, tem giả, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
- Thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng.
Như vậy, hành vi làm, buôn bán vé giả, tem giả mà có mệnh giá với tổng giá trị từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc không có mệnh giá mà có số lượng từ 15.000 đơn vị đến dưới 30.000 đơn vị hoặc đối với người phạm tội đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi làm, buôn bán vé giả, tem giả hoặc đã bị kết án về tội làm, buôn bán vé giả, tem giả, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm hoặc thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng thì vẫn có thể bị phạt tù theo quy định tại khoản 1 Điều 202 Bộ luật Hình sự 2015.
Danh sách văn bản Trung ương mới nhất [Cập nhật liên tục và kịp thời] |
Năm 2023, buôn bán vé giả, tem giả mức độ nào sẽ bị phạt tù? (Ảnh minh họa - Nguồn internet)
Theo quy định tại khoản 2 Điều 202 Bộ luật Hình sự 2015, phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm hoặc phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng:
- Có tổ chức;
- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
- Tem giả, vé giả không có mệnh giá có số lượng 30.000 đơn vị trở lên;
- Tem giả, vé giả có mệnh giá có tổng trị giá 200.000.000 đồng trở lên;
- Thu lợi bất chính 100.000.000 đồng trở lên;
- Tái phạm nguy hiểm.
Ngoài ra, tại khoản 3 Điều 202 Bộ luật Hình sự 2015 quy định, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Có thể thấy rằng, việc làm, buôn bán vé giả, tem giả có thể bị xử lý hình sự với khung hình phạt tù cao nhất là 07 năm.
Theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 72 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, hành vi bán vé tàu giả sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với cá nhân thực hiện hành vi vi phạm.
Bên cạnh đó, tại điểm c khoản 4 Điều 72 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định về việc xử phạt bổ sung đối với việc bán vé tàu giả. Theo đó, việc bán vé tàu giả có thể bị tịch thu toàn bộ vé tàu giả ngoài việc phạt tiền.
Ngoài ra, cá nhân thực hiện hành vi bán vé tàu giả còn có thể bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện vi phạm hành chính theo quy định tại khoản 5 Điều 72 Nghị định 100/2019/NĐ-CP.