Pháp luật quy định mã ngành 4931 như thế nào? Đăng ký mã ngành 4931 cho hoạt động vận tải hành khách đường bộ trong nội thành, ngoại thành (trừ vận tải bằng xe buýt) được không?
>> Mã ngành 4932 là gì? Vận tải hành khách đường bộ khác là gồm hoạt động nào?
>> Trình tự, thủ tục đề nghị cấp giấy phép môi trường năm 2024 như thế nào?
Căn cứ Quyết định 27/2018/QĐ-TTg, các hoạt động cần đăng ký mã ngành 4931 bao gồm các hoạt động:
- Vận tải hành khách bằng đường bộ trong nội, ngoại thành, được thực hiện bằng nhiều phương thức (trừ xe buýt) như: tàu điện ngầm, tàu điện chạy bằng tuyến đường ray trên mặt đất hoặc tuyến ray trên cao, ôtô điện... Đặc thù của các phương thức vận tải này là chạy trên các tuyến đường theo lịch trình, giờ giấc cố định, các bến đỗ cố định để đón, trả khách.
- Các tuyến đường chạy từ thành phố tới sân bay hoặc từ thành phố tới nhà ga tàu hỏa.
- Hoạt động của đường sắt leo núi, đường cáp trên không... nếu một phần của hệ thống này đi qua nội, ngoại thành.
Loại trừ: Vận tải hành khách bằng đường sắt liên tỉnh được phân vào nhóm 49110 (Vận tải hành khách đường sắt).
Theo Quyết định 27/2018/QĐ-TTg, các hoạt động trong nhóm 4931 được chia thành các nhóm sau:
49311: Vận tải hành khách bằng hệ thống đường sắt ngầm hoặc đường sắt trên cao
Bao gồm: Vận tải hành khách bằng tàu điện chạy trên tuyến đường ray được xây dựng ngầm dưới mặt đất, trên mặt đất hoặc trên cao để đưa đón khách trong nội thành hoặc ngoại thành.
49312: Vận tải hành khách bằng taxi
Bao gồm:
- Vận tải hành khách bằng taxi, kể cả hoạt động của taxi sân bay.
- Hoạt động của taxi công nghệ.
49313: Vận tải hành khách bằng mô tô, xe máy và xe có động cơ khác
Bao gồm: Vận tải hành khách bằng mô tô, xe có gắn động cơ khác.
Loại trừ: Cho thuê xe mô tô, xe máy có gắn động cơ không kèm người lái được phân vào nhóm 77309 (Cho thuê máy móc, thiết bị và đồ dùng hữu hình khác không kèm người điều khiển chưa được phân vào đâu).
49319: Vận tải hành khách đường bộ loại khác trong nội thành, ngoại thành (trừ xe buýt)
Bao gồm:
- Vận tải hành khách bằng xe đạp.
- Vận tải hành khách bằng xe xích lô.
- Vận tải hành khách bằng xe thô sơ như xe ngựa kéo, xe bò kéo...
Loại trừ: Cho thuê xe đạp, xích lô và xe thô sơ khác không kèm người lái được phân vào nhóm 77309 (Cho thuê máy móc, thiết bị và đồ dùng hữu hình khác không kèm người điều khiển chưa được phân vào đâu).
Bảng tra cứu mã ngành nghề kinh doanh |
Mã ngành 4931: Vận tải hành khách đường bộ trong nội thành, ngoại thành (trừ vận tải bằng xe buýt)
(Ảnh minh họa – Nguồn từ Internet)
Theo Điều 20 Thông tư 12/2020/TT-BGTVT (được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 2 Điều 1 Thông tư 17/2022/TT-BGTVT), phương tiện vận tải hành khách theo tuyến cố định phải tuân thủ những quy định sau:
- Phải đáp ứng các quy định tại khoản 4 Điều 4 của Nghị định 10/2020/NĐ-CP.
- Được niêm yết thông tin theo quy định tại khoản 4 Điều 19 của Thông tư 12/2020/TT-BGTVT.
- Số lượng, chất lượng, cách bố trí ghế ngồi, giường nằm trong xe phải đảm bảo đúng theo thiết kế của xe và được đánh số thứ tự lớn dần từ phía trước đến phía sau xe.
- Trên xe phải trang bị dụng cụ thoát hiểm; đảm bảo điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy đối với phương tiện giao thông cơ giới theo quy định tại Nghị định 136/2020/NĐ-CP.
- Có phù hiệu “XE TUYẾN CỐ ĐỊNH” - Phụ lục 4 ban hành kèm theo Thông tư 12/2020/TT-BGTVT (được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 1 Điều 2 Thông tư 18/2024/TT-BGTVT, khoản 11 Điều 1 Thông tư 02/2021/TT-BGTVT). Phù hiệu được dán cố định tại góc trên bên phải ngay sát phía dưới vị trí của Tem kiểm định, mặt trong kính chắn gió phía trước của xe.
- Phía sau ghế ngồi hoặc bên cạnh giường nằm phải có Bảng hướng dẫn về an toàn giao thông và thoát hiểm, các nội dung chính gồm: quy định dây an toàn phải được cài chặt trước khi xe chạy và hướng dẫn cài dây an toàn (nếu có); hướng dẫn sắp xếp hành lý; bảng cấm hút thuốc lá trên xe; hướng dẫn sử dụng hệ thống điện trên xe (nếu có); hướng dẫn cách sử dụng bình cứu hỏa, búa thoát hiểm và hướng thoát hiểm khi xảy ra sự cố.
- Trong cùng một thời điểm, mỗi xe chỉ được đăng ký và khai thác tối đa 02 tuyến vận tải hành khách cố định, các tuyến này được phép nối tiếp nhau (có bến xe nơi đến của tuyến đã kết thúc hành trình là bến xe nơi đi của tuyến tiếp theo).