Tôi nghe người ta nhắc đến “lùa gà” trong chứng khoán, kiểu như họ là kẻ xấu. Vậy “lùa gà” trong chứng khoán là gì? Kẻ “lùa gà” có bị xử phạt hay không? – Hồng Oanh (Hà Nội).
>> Cách đọc bảng giá chứng khoán trên sàn HOSE, HNX, UPCOM?
>> Ngày đáo hạn phái sinh là gì? Nhà đầu tư cần lưu ý gì vào ngày này?
Thực tế, không ít trường hợp nhà đầu tư chứng khoán nghe theo các lời mời chào, xúi giục, dẫn dụ của những hội nhóm, room chat cổ phiếu, các nhận định thị trường “không đúng sự thật” của những người nổi tiếng, chuyên gia “dỏm”, thậm chí là những người làm trong các cơ quan quản lý nhưng thiếu đạo đức nghề nghiệp, phát ngôn với tư cách cá nhân. Mục đích của những người này là dẫn dụ nhà đầu tư mua/bán chứng khoán theo ý của họ; để từ đó họ thu về lợi nhuận, còn nhà đầu tư gánh lấy thiệt hại.
Người dẫn dụ nhà đầu tư mua/bán chứng khoán như trình bày ở trên thường được gọi là kẻ “lùa gà”.
Luật Chứng khoán và các văn bản hướng dẫn còn hiệu lực [Cập nhật ngày 04/8/2023]
“Lùa gà” trong chứng khoán
Việc “lùa gà” trong chứng khoán không chỉ thể hiện sự thiếu đạo đức mà đó còn là hành vi vi phạm pháp luật. Tùy vào mức độ vi phạm, kẻ “lùa gà” có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Thời gian qua, nhiều chủ doanh nghiệp có hành vi “lùa gà” đã bị cơ quan công an khởi tố và đang điều tra để xử lý theo quy định của pháp luật.
Điều 211. Tội thao túng thị trường chứng khoán – Văn bản hợp nhất Bộ luật Hình sự số 01/VBHN-VPQH ngày 10/7/2017 1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại cho nhà đầu tư từ 1.000.000.000 đồng đến dưới 3.000.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm: a) Sử dụng một hoặc nhiều tài khoản giao dịch của mình hoặc của người khác hoặc thông đồng với nhau liên tục mua, bán chứng khoán nhằm tạo ra cung, cầu giả tạo; b) Thông đồng với người khác đặt lệnh mua và bán cùng loại chứng khoán trong cùng ngày giao dịch hoặc thông đồng với nhau giao dịch mua bán chứng khoán mà không dẫn đến chuyển nhượng thực sự quyền sở hữu hoặc quyền sở hữu chỉ luân chuyển giữa các thành viên trong nhóm nhằm tạo giá chứng khoán, cung cầu giả tạo; c) Liên tục mua hoặc bán chứng khoán với khối lượng chi phối vào thời điểm mở cửa hoặc đóng cửa thị trường nhằm tạo ra mức giá đóng cửa hoặc giá mở cửa mới cho loại chứng khoán đó trên thị trường; d) Giao dịch chứng khoán bằng hình thức cấu kết, lôi kéo người khác liên tục đặt lệnh mua, bán chứng khoán gây ảnh hưởng lớn đến cung cầu và giá chứng khoán, thao túng giá chứng khoán; đ) Đưa ra ý kiến một cách trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua phương tiện thông tin đại chúng về một loại chứng khoán, về tổ chức phát hành chứng khoán nhằm tạo ảnh hưởng đến giá của loại chứng khoán đó sau khi đã thực hiện giao dịch và nắm giữ vị thế đối với loại chứng khoán đó; e) Sử dụng các phương thức hoặc thực hiện các hành vi giao dịch khác để tạo cung cầu giả tạo, thao túng giá chứng khoán. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 2.000.000.000 đồng đến 4.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm: a) Có tổ chức; b) Thu lợi bất chính 1.500.000.000 đồng trở lên; c) Gây thiệt hại cho nhà đầu tư 3.000.000.000 đồng trở lên; d) Tái phạm nguy hiểm. 3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 250.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm. 4. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau: a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 2.000.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng; b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 5.000.000.000 đồng đến 10.000.000.000 đồng; c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn; d) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định từ 01 năm đến 03 năm hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm. |
Để tránh trở thành nạn nhân của các vụ “lùa gà”, nhà đầu tư cần phải tỉnh táo suy xét, tìm hiểu kỹ về người tư vấn, chuyên gia mà bạn dự định đặt niềm tin. Cần phải xem người đó có đủ năng lực và kinh nghiệm để đưa ra lời khuyên, tư vấn hay không; người đó có thực sự độc lập khách quan khi đưa ra lời khuyên, tư vấn đó hay không.