Trường hợp doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm không thực hiện theo dõi tình trạng việc làm của người lao động do mình cung ứng sẽ bị xử phạt bao nhiêu? – Kiến Quốc (Đồng Nai).
>> Như thế nào được gọi là công ty mẹ, công ty con?
>> Cơ sở kinh doanh có cần phải bố trí kinh phí cho hoạt động PCCC?
Căn cứ điểm c khoản 1 Điều 7 Nghị định 12/2022/NĐ-CP, mức phạt hành chính đối với hành vi không theo dõi tình trạng việc làm của người lao động do mình cung ứng được quy định như sau:
Điều 7. Vi phạm quy định về dịch vụ việc làm
1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm có một trong các hành vi sau đây:
…
c) Không theo dõi tình trạng việc làm của người lao động do doanh nghiệp giới thiệu hoặc cung ứng tối thiểu 03 tháng hoặc trong thời gian thực hiện hợp đồng lao động đối với những trường hợp thực hiện hợp đồng lao động dưới 03 tháng.
…
Như vậy, doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm không thực hiện theo dõi tình trạng việc làm của người lao động do mình cung ứng thì có thể bị phạt tiền từ 500 nghìn đồng đến 1 triệu đồng.
Bộ luật Lao động và các văn bản hướng dẫn còn hiệu lực |
Không theo dõi tình trạng việc làm của NLĐ do mình cung ứng, doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm bị phạt thế nào?
(Ảnh minh họa - Nguồn từ Internet)
Căn cứ Điều 31 Nghị định 23/2021/NĐ-CP, doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm có các trách nhiệm sau đây:
- Niêm yết công khai bản sao được chứng thực từ bản chính giấy phép, quyết định thu hồi giấy phép tại trụ sở chính của doanh nghiệp.
- Theo dõi tình trạng việc làm của người lao động do doanh nghiệp giới thiệu hoặc cung ứng tối thiểu 03 tháng hoặc trong thời gian thực hiện hợp đồng lao động (đối với những trường hợp thực hiện hợp đồng lao động dưới 03 tháng).
- Lập, cập nhật, quản lý dữ liệu lao động đăng ký tư vấn, giới thiệu việc làm; người sử dụng lao động đăng ký tuyển lao động và thực hiện kết nối, chia sẻ khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu.
- Doanh nghiệp thực hiện một phần hoặc toàn bộ quy trình hoạt động cung ứng dịch vụ việc làm bằng phương tiện điện tử có kết nối với mạng Internet, mạng viễn thông di động hoặc các mạng mở khác thì phải thực hiện theo quy định Nghị định 23/2021/NĐ-CP và quy định của Chính phủ về thương mại điện tử.
- Xây dựng giá cung ứng dịch vụ việc làm và niêm yết công khai giá cung ứng dịch vụ việc làm cho người lao động tại trụ sở của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.
- Định kỳ 06 tháng và hằng năm, báo cáo tình hình hoạt động dịch vụ việc làm theo Mẫu số 08 Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định 23/2021/NĐ-CP gửi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính. Báo cáo 06 tháng gửi trước ngày 20 tháng 6 và báo cáo hằng năm gửi trước ngày 20 tháng 12.
- Báo cáo kịp thời trong trường hợp xảy ra sự cố liên quan đến hoạt động dịch vụ việc làm cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền tại địa phương hoặc theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động dịch vụ việc làm.
- Thực hiện đầy đủ trách nhiệm của doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm theo quy định tại Nghị định 23/2021/NĐ-CP.
Theo khoản 1 Điều 28 Nghị định 23/2021/NĐ-CP, hoạt động tư vấn của doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm bao gồm:
- Tư vấn, định hướng về nghề nghiệp, khung trình độ kỹ năng nghề quốc gia cho người lao động lựa chọn ngành nghề, phương án đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện phù hợp với khả năng và nguyện vọng;
- Tư vấn việc làm cho người lao động để lựa chọn vị trí việc làm phù hợp với khả năng và nguyện vọng; tư vấn về kỹ năng tham gia dự tuyển; về tự tạo việc làm, tìm việc làm trong nước và ngoài nước;
- Tư vấn cho người sử dụng lao động về tuyển, sử dụng và quản lý lao động; về quản trị và phát triển việc làm, phát triển nguồn nhân lực;
- Tư vấn về chính sách lao động, việc làm cho người lao động, người sử dụng lao động.