Giao dịch liên kết là gì? Ví dụ giao dịch liên kết? Khi nào việc doanh nghiệp cho doanh nghiệp khác vay vốn được coi là giao dịch liên kết?
>> Tỷ giá Vietcombank hôm nay? Tỷ giá tính thuế xuất nhập khẩu là tỷ giá nào?
>> Chấm dứt dự án trong giai đoạn đầu tư, chi phí thực hiện dự án có được đưa vào chi phí được trừ?
Căn cứ khoản 22 Điều 3 Luật Quản lý thuế 2019, giao dịch liên kết là giao dịch giữa các bên có quan hệ liên kết.
Khoản 1 Điều 5 Nghị định 132/2020/NĐ-CP quy định các bên có quan hệ liên kết khi:
(i) Một bên tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào việc điều hành, kiểm soát, góp vốn hoặc đầu tư vào bên kia.
(ii) Các bên trực tiếp hay gián tiếp cùng chịu sự điều hành, kiểm soát, góp vốn hoặc đầu tư của một bên khác.
Như vậy, giao dịch liên kết xảy ra khi:
- Một bên tham gia vào việc điều hành, kiểm soát, góp vốn hoặc đầu tư vào bên kia.
- Các bên cùng chịu sự kiểm soát, điều hành, hoặc đầu tư của một bên thứ ba.
Ví dụ giao dịch liên kết: Công ty A vay tiền của Giám đốc công ty với tỷ lệ trên 10% vốn góp của chủ sở hữu => đây là giao dịch liên kết.
Xem chi tiết cách xác định giao dịch liên kết tại bài viết: Giao dịch liên kết là gì? Cách xác định giao dịch liên kết?
Mẫu thông tin về quan hệ liên kết và giao dịch liên kết |
Giao dịch liên kết là gì, khi nào việc doanh nghiệp khác vay vốn được coi là giao dịch liên kết
(Ảnh minh họa – Nguồn Internet)
Căn cứ điểm d khoản 2 Điều 5 Nghị định 132/2020/NĐ-CP quy định về một trong các trường hợp được xác định là có quan hệ liên kết như sau:
Một doanh nghiệp bảo lãnh hoặc cho một doanh nghiệp khác vay vốn dưới bất kỳ hình thức nào (bao gồm cả các khoản vay từ bên thứ ba được đảm bảo từ nguồn tài chính của bên liên kết và các giao dịch tài chính có bản chất tương tự) với điều kiện khoản vốn vay ít nhất bằng 25% vốn góp của chủ sở hữu của doanh nghiệp đi vay và chiếm trên 50% tổng giá trị các khoản nợ trung và dài hạn của doanh nghiệp đi vay.
Như vậy, việc doanh nghiệp cho doanh nghiệp khác vay vốn dưới bất kỳ hình thức nào được xác định là giao dịch liên kết khi đáp ứng đủ các điều kiện sau:
(i) Khoản vốn vay ít nhất bằng 25% vốn góp của chủ sở hữu của doanh nghiệp đi vay.
(ii) Khoản vốn vay chiếm trên 50% tổng giá trị các khoản nợ trung và dài hạn của doanh nghiệp đi vay.
Căn cứ khoản 5 Điều 42 Luật Quản lý thuế 2019, nguyên tắc kê khai, xác định giá tính thuế đối với giao dịch liên kết được quy định như sau:
(i) Kê khai, xác định giá giao dịch liên kết theo nguyên tắc phân tích, so sánh với các giao dịch độc lập và nguyên tắc bản chất hoạt động, giao dịch quyết định nghĩa vụ thuế để xác định nghĩa vụ thuế phải nộp như trong điều kiện giao dịch giữa các bên độc lập.
(ii) Giá giao dịch liên kết được điều chỉnh theo giao dịch độc lập để kê khai, xác định số tiền thuế phải nộp theo nguyên tắc không làm giảm thu nhập chịu thuế.
(iii) Người nộp thuế có quy mô nhỏ, rủi ro về thuế thấp được miễn thực hiện quy định tại khoản (i) và khoản (ii) Mục này và được áp dụng cơ chế đơn giản hóa trong kê khai, xác định giá giao dịch liên kết.
Lưu ý:
- Giao dịch độc lập là giao dịch giữa các bên không có quan hệ liên kết.
- Nguyên tắc giao dịch độc lập là nguyên tắc được áp dụng trong kê khai, xác định giá tính thuế đối với người nộp thuế có phát sinh giao dịch liên kết nhằm phản ánh điều kiện giao dịch trong giao dịch liên kết tương đương với điều kiện trong giao dịch độc lập.
- Nguyên tắc bản chất hoạt động, giao dịch quyết định nghĩa vụ thuế là nguyên tắc được áp dụng trong quản lý thuế nhằm phân tích các giao dịch, hoạt động sản xuất, kinh doanh của người nộp thuế để xác định nghĩa vụ thuế tương ứng với giá trị tạo ra từ bản chất giao dịch, hoạt động sản xuất, kinh doanh đó.
(Khoản 23, 24, 25 Điều 3 Luật Quản lý thuế 2019)