Trường hợp hết hạn hợp đồng lao động nhưng công ty không chịu tái ký, nếu người lao động còn dư ngày phép năm thì có được công ty trả tiền hay không? – Đây là thắc mắc của anh Long, quận Bình Thạnh.
>> Người lao động được nghỉ bao nhiêu ngày phép năm?
>> Đối tượng nào được tính trượt giá khi hưởng lương hưu?
Cụ thể, anh Long hỏi như sau: “Đầu tháng 8/2022, hợp đồng lao động giữa tôi với một công ty TNHH trên địa bàn quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh sẽ hết hạn. Nếu công ty không tiếp tục ký hợp đồng lao động mới với tôi (tôi phải nghỉ việc) thì số ngày phép năm tôi chưa nghỉ hết (cụ thể là dư 05 ngày) thì có được công ty trả tiền hay không? Tôi cảm ơn!”.
Nội dung này được Ban Hỗ trợ PHÁP LÝ KHỞI NGHIỆP trả lời như sau:
Theo khoản 3 Điều 113 Bộ luật Lao động 2019, trường hợp do thôi việc, bị mất việc làm mà chưa nghỉ hằng năm (thực tế thường được gọi là ngày phép năm) hoặc chưa nghỉ hết số ngày nghỉ hằng năm thì được người sử dụng lao động thanh toán tiền lương cho những ngày chưa nghỉ.
Căn cứ vào quy định nêu trên, trường hợp khi hết hạn hợp đồng lao động mà công ty không tiếp tục ký hợp đồng lao động mới với anh Long thì công ty phải thanh toán tiền cho những ngày nghỉ hằng năm mà anh còn dư.
Theo khoản 3 Điều 67 Nghị định 145/2020/NĐ-CP, tiền lương làm căn cứ trả cho người lao động những ngày chưa nghỉ hằng năm hoặc chưa nghỉ hết số ngày nghỉ hằng năm theo khoản 3 Điều 113 của Bộ luật Lao động là tiền lương theo hợp đồng lao động của tháng trước liền kề tháng người lao động thôi việc, bị mất việc làm. Do đó, tiền lương để làm căn cứ trả lương cho những ngày nghỉ hằng năm còn dư của anh là tính theo tiền lương của tháng 7/2022.
Đồng thời, căn cứ khoản 1 Điều 6, khoản 2 Điều 17 Nghị định 12/2022/NĐ-CP, phạt tiền đối với công ty không trả hoặc trả không đủ tiền lương của người lao động trong những ngày chưa nghỉ hằng năm hoặc chưa nghỉ hết số ngày nghỉ hằng năm khi người lao động thôi việc, bị mất việc làm. Cụ thể như sau:
- Từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;
- Từ 20 triệu đồng đến 40 triệu đồng đối với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;
- Từ 40 triệu đồng đến 60 triệu đồng đối với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động;
- Từ 60 triệu đồng đến 80 triệu đồng đối với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động;
- Từ 80 triệu đồng đến 100 triệu đồng đối với vi phạm từ 301 người lao động trở lên.
Ngoài việc bị phạt tiền như trên công ty còn bị buộc phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả được quy định tại điểm a khoản 5 Điều 17 Nghị định 12/2022/NĐ-CP là trả đủ tiền lương cộng với khoản tiền lãi của số tiền lương chậm trả, trả thiếu cho người lao động tính theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt.
Trên đây là nội dung hỗ trợ của PHÁP LÝ KHỞI NGHIỆP về vấn đề trên.
Trân trọng!