Doanh nghiệp có thể góp vốn bằng tiền mặt được hay không? - Đây là thắc mắc của chị Mai (Quận 7, TP. Hồ Chí Minh)
>> Hộ kinh doanh không làm thủ tục chấm dứt hoạt động bị xử lý như thế nào?
>> Không thông báo địa điểm kinh doanh của hộ kinh doanh bị xử phạt như thế nào?
Cụ thể, chị Mai thắc mắc: “Hiện tại, công ty tôi dự định tham gia góp vốn vào một công ty khác nhưng không biết là pháp luật hiện hành có bắt buộc phải chuyển khoản vào công ty không hay góp vốn bằng tiền mặt thì vẫn được?”
Nội dung này được Ban Hỗ trợ PHÁP LÝ KHỞI NGHIỆP trả lời như sau:
Theo quy định tại Điều 34 Luật Doanh nghiệp 2020 thì tài sản góp vốn là Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng, quyền sử dụng đất, quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật, tài sản khác có thể định giá được bằng Đồng Việt Nam. Chỉ cá nhân, tổ chức là chủ sở hữu hợp pháp hoặc có quyền sử dụng hợp pháp đối với tài sản mới có quyền sử dụng tài sản đó để góp vốn.
Tuy nhiên, tại khoản 1 Điều 3 Thông tư 09/2015/TT-BTC quy định các doanh nghiệp không sử dụng tiền mặt (tiền giấy, tiền kim loại do Ngân hàng Nhà nước phát hành) để thanh toán khi thực hiện các giao dịch góp vốn và mua bán, chuyển nhượng phần vốn góp vào doanh nghiệp khác.
Do đó, theo các quy định nói trên thì công ty chị không thể thực hiện hoạt động góp vốn bằng tiền mặt được.
Ngoài ra, theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Thông tư 09/2015/TT-BTC thì khi thực hiện giao dịch góp vốn và mua bán, chuyển nhượng phần vốn góp vào doanh nghiệp khác, các doanh nghiệp sử dụng các hình thức sau:
- Thanh toán bằng Séc;
- Thanh toán bằng ủy nhiệm chi – chuyển tiền;
- Các hình thức thanh toán không sử dụng tiền mặt phù hợp khác theo quy định hiện hành.
Như vậy, công ty chị khi thực hiện hoạt động góp vốn vào công ty khác có thể lựa chọn một trong các hình thức góp vốn nêu trên.
Trên đây là nội dung hỗ trợ của PHÁP LÝ KHỞI NGHIỆP về vấn đề trên.
Trân trọng!