Trong hợp đồng thương mại quốc tế có đề cập đến điều kiện FCA tại Incoterms 2020. Vậy FCA tại Incoterms 2020 có nghĩa là gì? Mong giải đáp cụ thể. Xin cảm ơn! – Gia Huy (Bến Tre).
>> Ký hiệu LMU trên sổ đỏ có nghĩa là gì?
>> Điều kiện CIF tại Incoterms 2020 là gì?
Incoterms là viết tắt của từ International Commercial Terms trong tiếng Anh; thường được dịch sang tiếng Việt là điều kiện thương mại quốc tế hoặc tập quán thương mại quốc tế. Như vậy, Incoterms 2020 được hiểu là điều kiện thương mại quốc tế (phiên bản năm 2020).
FCA là viết tắt của từ Free Carrier trong tiếng Anh. Như vậy, điều kiện FCA được hiểu là điều kiện giao hàng cho người chuyên chở.
Giao hàng cho người chuyên chở có nghĩa là hàng hóa được giao cho người mua bằng hai cách:
- Cách thứ nhất, khi mà nơi giao hàng là cơ sở của người bán thì hàng hóa sẽ được giao khi chúng được xếp lên phương tiện vận tải do người mua chỉ định đến lấy hàng.
- Cách thứ hai, khi mà nơi giao hàng không phải cơ sở của người bán thì hàng hóa sẽ được giao khi chúng được đặt dưới quyền định đoạt của người chuyên chở hoặc một người khác do người mua chỉ định và trên phương tiện vận tải của người bán chở đến nơi giao hàng, sẵn sàng để dỡ xuống.
Dù cho có giao hàng ở đâu, thì địa điểm giao hàng sẽ luôn là nơi mà rủi ro được chuyển giao cho người mua và kể từ thời điểm đó mọi chi phí sẽ do người mua chịu.
Tra cứu danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam
Điều kiện FCA tại Incoterms 2020 (Ảnh minh họa – Nguồn từ Internet)
Điều kiện FCA sẽ được sử dụng cho mọi phương thức vận tải và có thể sử dụng khi có nhiều phương tiện vận tải tham gia.
(i) Vận tải đối với người bán:
Người bán không có nghĩa vụ với người mua về việc kí kết hợp đồng vận tải. Tuy nhiên, người bán, nếu người mua yêu cầu, do người mua chịu rủi ro và phí tổn, phải giúp đỡ người mua lấy các chứng từ và thông tin kể cả thông tin an ninh mà người mua cần để tổ chức việc vận chuyển hàng hóa.
Nếu người mua yêu cầu hoặc do tập quán thương mại, người bán có thể ký hợp đồng vận tải theo những điều kiện thông thường với những chi phí ra rủi ro do người mua chịu. Trong cả hai trường hợp, người bán hoàn toàn có thể từ chối ký hợp đồng vận tải và nếu từ chối người bán phải thông báo ngay cho người mua biết về việc đó.
(ii) Vận tải đối với người mua:
Người mua tự ký kết hợp đồng vận tải hoặc sắp xếp việc vận tải với chi phí do mình chịu để vận chuyển hàng hóa từ khi nhận hàng, trừ khi hợp đồng vận chuyển được ký kết bởi người mua theo như khoản (i) Mục này.
Các bên nên quy định càng rõ càng tốt địa điểm giao hàng tại nơi giao hàng chỉ định. Điều này sẽ giúp các bên xác định rõ được khi nào và tại đâu thì hàng hóa và rủi ro đối với hàng hóa được chuyển giao từ người bán sang cho người mua, cũng đồng thời là điểm mà từ đó mọi chi phí liên quan đến việc vận chuyển hàng sẽ do người mua chịu. Nếu hai bên không có thỏa thuận về một địa điểm cụ thể tại nơi giao hàng chỉ định và nếu tại nơi giao hàng chỉ định có nhiều điểm có thể giao hàng, thì người bán có thể chọn một điểm giao hàng phù hợp nhất với mục đích của mình.
Trường hợp giao dịch áp dụng quy tắc FCA (giao hàng cho người chuyên chở) với phương thức vận tải đường biển, người bán hoặc người mua có yêu cầu lấy vận đơn đường biển ghi rõ “hàng lên tàu” để thực hiện công tác thanh toán hoặc nhận hàng từ người chuyên chở thì Incoterms 2020 bổ sung thêm nội dung lựa chọn này ở chứng chỉ giao hàng của người bán và người mua theo điều kiện giao hàng FCA như sau:
Theo đó người mua và người bán có thể thống nhất rằng, hợp đồng vận tải giữa người mua và người chuyên chở sẽ quy định nghĩa vụ cung cấp vận đơn đường biển, ghi rõ hàng lên tàu, và chi phí lấy vận đơn thuộc về người bán hoặc người mua tuỳ theo yêu cầu của bên nào. Khi đó người bán có nghĩa vụ cung cấp chứng từ vận tải/ vận đơn đường biển cho người mua. Trong những trường hợp này, ICC (Phòng Thương mại Quốc tế) khuyến nghị các bên cần quy định chính xác, cụ thể về thời điểm “giao hàng”, bởi vì người bán theo điều kiện FCA “giao hàng” cho người chuyên chở đầu tiên, và sẽ khác biệt với thời điểm phát hành vận đơn hàng lên tàu của người chuyên chở đường biển. Cuối cùng, cần nhấn mạnh rằng ngay cả khi hai bên lựa chọn cách giải quyết này, người bán trong các quy tắc nhóm F không có nghĩa vụ đối với người mua về các điều khoản của hợp đồng vận tải cũng như cung cấp vận đơn đường biển.
Điều 5. Áp dụng điều ước quốc tế, pháp luật nước ngoài và tập quán thương mại quốc tế – Luật Thương mại 2005 1. Trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định áp dụng pháp luật nước ngoài, tập quán thương mại quốc tế hoặc có quy định khác với quy định của Luật này thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó. 2. Các bên trong giao dịch thương mại có yếu tố nước ngoài được thoả thuận áp dụng pháp luật nước ngoài, tập quán thương mại quốc tế nếu pháp luật nước ngoài, tập quán thương mại quốc tế đó không trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam. |