Tôi muốn đăng ký doanh nghiệp trong năm 2024 thì phải nộp hồ sơ ở đâu? Cần có những điều kiện gì để được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp? – Quang Hùng (Bình Dương).
>> Kinh doanh vận chuyển hàng hóa 2024, có phải lập hợp đồng vận chuyển hay không?
>> Năm 2024, mỗi doanh nghiệp được kinh doanh bao nhiêu ngành nghề?
Căn cứ khoản 1 Điều 32 Nghị định 01/2021/NĐ-CP, người nộp hồ sơ đăng ký doanh nghiệp theo quy định tại Nghị định 01/2021/NĐ-CP nộp hồ sơ tại Phòng Đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính.
Đồng thời, khoản 1 Điều 15 Nghị định 01/2021/NĐ-CP quy định Phòng Đăng ký doanh nghiệp là nơi trực tiếp nhận hồ sơ đăng ký doanh nghiệp; chịu trách nhiệm về tính hợp lệ của hồ sơ đăng ký doanh nghiệp; cấp hoặc từ chối cấp đăng ký doanh nghiệp.
Như vậy, việc đăng ký doanh nghiệp sẽ được thực hiện tại Phòng Đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp sẽ đặt trụ sở chính.
Toàn văn File word Luật Doanh nghiệp và văn bản hướng dẫn năm 2024 |
Đăng ký doanh nghiệp năm 2024 được thực hiện tại Phòng Đăng ký kinh doanh (Ảnh minh họa – Nguồn từ Internet)
Để được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thì doanh nghiệp phải tuân theo các quy định tại Điều 27 Luật Doanh nghiệp 2020 (được hướng dẫn bởi Điều 34 Nghị định 01/2021/NĐ-CP). Cụ thể như sau:
- Ngành, nghề đăng ký kinh doanh không bị cấm đầu tư kinh doanh.
- Tên của doanh nghiệp được đặt theo đúng quy định tại các điều 37, 38, 39 và 41 của Luật Doanh nghiệp 2020.
- Có hồ sơ đăng ký doanh nghiệp hợp lệ.
- Nộp đủ lệ phí đăng ký doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về phí và lệ phí.
Lưu ý: Các thông tin trên Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp có giá trị pháp lý kể từ ngày Phòng Đăng ký kinh doanh cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Doanh nghiệp có quyền hoạt động kinh doanh kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, trừ trường hợp kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Trường hợp doanh nghiệp đăng ký ngày bắt đầu hoạt động kinh doanh sau ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thì doanh nghiệp được quyền hoạt động kinh doanh kể từ ngày doanh nghiệp đăng ký, trừ trường hợp kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.
Theo khoản 1 Điều 26 Luật Doanh nghiệp 2020 thì người thành lập doanh nghiệp hoặc người được ủy quyền thực hiện đăng ký doanh nghiệp với Cơ quan đăng ký kinh doanh theo các phương thức sau:
- Đăng ký doanh nghiệp trực tiếp tại Cơ quan đăng ký kinh doanh.
- Đăng ký doanh nghiệp qua dịch vụ bưu chính.
- Đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử (được hướng dẫn bởi Chương V Nghị định 01/2021/NĐ-CP).
Như vậy, nếu người thành lập doanh nghiệp hoặc người được ủy quyền thực hiện đăng ký kinh doanh không thể đến Phòng Đăng ký doanh nghiệp nộp hồ sơ trực tiếp được thì có thể nộp hồ sơ đăng ký doanh nghiệp online thông qua mạng điện tử hoặc qua dịch vụ bưu chính.
Điều 8. Nghĩa vụ của doanh nghiệp – Luật Doanh nghiệp 2020 1. Đáp ứng đủ điều kiện đầu tư kinh doanh khi kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện; ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của pháp luật và bảo đảm duy trì đủ điều kiện đó trong suốt quá trình hoạt động kinh doanh. 2. Thực hiện đầy đủ, kịp thời nghĩa vụ về đăng ký doanh nghiệp, đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp, công khai thông tin về thành lập và hoạt động của doanh nghiệp, báo cáo và nghĩa vụ khác theo quy định của Luật này. 3. Chịu trách nhiệm về tính trung thực, chính xác của thông tin kê khai trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp và các báo cáo; trường hợp phát hiện thông tin đã kê khai hoặc báo cáo thiếu chính xác, chưa đầy đủ thì phải kịp thời sửa đổi, bổ sung các thông tin đó. 4. Tổ chức công tác kế toán, nộp thuế và thực hiện các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật. 5. Bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động theo quy định của pháp luật; không phân biệt đối xử, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người lao động trong doanh nghiệp; không ngược đãi lao động, cưỡng bức lao động hoặc sử dụng lao động chưa thành niên trái pháp luật; hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động tham gia đào tạo nâng cao trình độ, kỹ năng nghề; thực hiện các chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế và bảo hiểm khác cho người lao động theo quy định của pháp luật. 6. Nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật. |