Mình đã thành lập doanh nghiệp và đang viết ứng dụng bằng web và app. Như vậy mình phải đăng ký những gì ạ?
PHÁP LÝ KHỞI NGHIỆP vừa nhận được yêu cầu hỗ trợ của mình, do đó, Ban hỗ trợ có ý kiến trao đổi như sau:
Trường hợp của anh có thể đăng ký bản quyền tác giả cho app dưới dạng phần mền máy tính và đăng ký nhãn hiệu cho app.
I. Về thủ tục đăng ký bảo hộ quyền tác giả:
Quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu. Gồm quyền nhân thân và quyền tài sản.
Hồ sơ đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan bao gồm:
1. Tờ khai đăng ký quyền tác giả (mẫu số 01 ban hành kèm theo Thông tư 08/2016/TT-BVHTTDL) hoặc Tờ khai đăng ký quyền liên quan (mẫu số 02 ban hành kèm theo Thông tư 08/2016/TT-BVHTTDL);
2. Hai bản sao tác phẩm đăng ký quyền tác giả hoặc hai bản sao bản định hình đối tượng đăng ký quyền liên quan;
Đối với những tác phẩm có đặc thù riêng như tranh, tượng, tượng đài, phù điêu, tranh hoành tráng gắn với công trình kiến trúc; tác phẩm có kích thước quá lớn, cồng kềnh bản sao tác phẩm đăng ký được thay thế bằng ảnh chụp không gian ba chiều.
3. Giấy uỷ quyền thực hiện thủ tục cho cá nhân hoặc Giấy ủy quyền thực hiện thủ tục cho tổ chức, nếu người nộp đơn là người được uỷ quyền;
4. Tài liệu chứng minh quyền nộp đơn, nếu người nộp đơn thụ hưởng quyền đó của người khác do được thừa kế, chuyển giao, kế thừa;
5. Văn bản đồng ý của các đồng tác giả, nếu tác phẩm có đồng tác giả;
6. Văn bản đồng ý của các đồng chủ sở hữu, nếu quyền tác giả, quyền liên quan thuộc sở hữu chung.
Các tài liệu quy định tại các điểm 3, 4, 5 và 6 phải được làm bằng tiếng Việt; trường hợp làm bằng tiếng nước ngoài thì phải được dịch ra tiếng Việt.
Nơi nộp hồ sơ: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Cục Bản quyền tác giả hoặc Văn phòng đại diện của Cục Bản quyền tác giả tại thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Đà Nẵng).
Thời hạn giải quyết: Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đơn hợp lệ.
Anh vui lòng xem chi tiết biểu mẫu tại công việc Đăng ký bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan
II. Về thủ tục đăng ký bảo hộ nhãn hiệu:
Doanh nghiệp được quyền đăng ký nhãn hiệu trong các trường hợp sau đây:
1. Doanh nghiệp có quyền đăng ký nhãn hiệu dùng cho hàng hoá do mình sản xuất hoặc dịch vụ do mình cung cấp.
2. Doanh nghiệp tiến hành hoạt động thương mại hợp pháp có quyền đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm mà mình đưa ra thị trường nhưng do người khác sản xuất với điều kiện người sản xuất không sử dụng nhãn hiệu đó cho sản phẩm và không phản đối việc đăng ký đó.
3. Doanh nghiệp là tổ chức tập thể được thành lập hợp pháp có quyền đăng ký nhãn hiệu tập thể để các thành viên của mình sử dụng theo quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể; đối với dấu hiệu chỉ nguồn gốc địa lý của hàng hóa, dịch vụ, tổ chức có quyền đăng ký là tổ chức tập thể của các tổ chức, cá nhân tiến hành sản xuất, kinh doanh tại địa phương đó; đối với địa danh, dấu hiệu khác chỉ nguồn gốc địa lý đặc sản địa phương của Việt Nam thì việc đăng ký phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.
4. Doanh nghiệp có chức năng kiểm soát, chứng nhận chất lượng, đặc tính, nguồn gốc hoặc tiêu chí khác liên quan đến hàng hóa, dịch vụ có quyền đăng ký nhãn hiệu chứng nhận với điều kiện không tiến hành sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đó; đối với địa danh, dấu hiệu khác chỉ nguồn gốc địa lý đặc sản địa phương của Việt Nam thì việc đăng ký phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.
5. Hai hoặc nhiều doanh nghiệp có quyền cùng đăng ký một nhãn hiệu để trở thành đồng chủ sở hữu với những điều kiện sau:
- Việc sử dụng nhãn hiệu đó phải nhân danh tất cả các đồng chủ sở hữu hoặc sử dụng cho hàng hoá, dịch vụ mà tất cả các đồng chủ sở hữu đều tham gia vào quá trình sản xuất, kinh doanh;
- Việc sử dụng nhãn hiệu đó không gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về nguồn gốc của hàng hoá, dịch vụ.
Anh vui lòng xem chi tiết hồ sơ, thủ tục tại công việc Đăng ký bảo hộ nhãn hiệu
Một vài ý kiến trao đổi cùng anh.
Cảm ơn anh đã sử dụng dịch vụ của PHÁP LÝ KHỞI NGHIỆP.