Công ty có trách nhiệm như thế nào khi người lao động bị tai nạn lao động, nếu không tuân thủ đúng quy định thì mức phạt với công ty là bao nhiêu? – Vân Anh (Ninh Thuận).
>> Vi phạm quy định về phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp 2023 bị phạt thế nào?
>> Năm 2023, vi phạm quy định về cho thuê lại lao động sẽ bị phạt thế nào?
Căn cứ theo Điều 38 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015, người sử dụng lao động có trách nhiệm đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp như sau:
(1) Kịp thời sơ cứu, cấp cứu cho người lao động bị tai nạn lao động và phải tạm ứng chi phí sơ cứu, cấp cứu và điều trị cho người lao động bị tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp.
(2) Thanh toán chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định cho người bị tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp như sau:
+ Thanh toán phần chi phí đồng chi trả và những chi phí không nằm trong danh mục do bảo hiểm y tế chi trả đối với người lao động tham gia bảo hiểm y tế.
+ Trả phí khám giám định mức suy giảm khả năng lao động đối với những trường hợp kết luận suy giảm khả năng lao động dưới 5% do người sử dụng lao động giới thiệu người lao động đi khám giám định mức suy giảm khả năng lao động tại Hội đồng giám định y khoa.
+ Thanh toán toàn bộ chi phí y tế đối với người lao động không tham gia bảo hiểm y tế.
(3) Trả đủ tiền lương cho người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp phải nghỉ việc trong thời gian điều trị, phục hồi chức năng lao động.
(4) Bồi thường cho người lao động bị tai nạn lao động mà không hoàn toàn do lỗi của chính người này gây ra và cho người lao động bị bệnh nghề nghiệp với mức như sau:
+ Ít nhất bằng 1,5 tháng tiền lương nếu bị suy giảm từ 5% đến 10% khả năng lao động; sau đó cứ tăng 1% được cộng thêm 0,4 tháng tiền lương nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 11% đến 80%.
+ Ít nhất 30 tháng tiền lương cho người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên hoặc cho thân nhân người lao động bị chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
(5) Trợ cấp cho người lao động bị tai nạn lao động mà do lỗi của chính họ gây ra một khoản tiền ít nhất bằng 40% mức bồi thường nêu tại (4) của Mục 1.1 này với mức suy giảm khả năng lao động tương ứng.
(6) Giới thiệu để người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được giám định y khoa xác định mức độ suy giảm khả năng lao động, được điều trị, điều dưỡng, phục hồi chức năng lao động theo quy định pháp luật.
(7) Thực hiện bồi thường, trợ cấp đối với người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày có kết luận của Hội đồng giám định y khoa về mức suy giảm khả năng lao động hoặc kể từ ngày Đoàn điều tra tai nạn lao động công bố biên bản điều tra tai nạn lao động đối với các vụ tai nạn lao động chết người.
(8) Sắp xếp công việc phù hợp với sức khỏe theo kết luận của Hội đồng giám định y khoa đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp sau khi điều trị, phục hồi chức năng nếu còn tiếp tục làm việc.
(9) Lập hồ sơ hưởng chế độ về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp từ Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định từ Điều 41 đến Điều 62 Luật An toàn vệ sinh lao động 2015.
(10) Tiền lương để làm cơ sở thực hiện các chế độ bồi thường, trợ cấp, tiền lương trả cho người lao động nghỉ việc do bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được nêu tại (3), (4) và (5) của Mục 1.1 này là tiền lương bao gồm mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác thực hiện theo quy định của pháp luật về lao động.
Toàn văn File word Bộ luật Lao động 2019 và các văn bản hướng dẫn còn hiệu lực |
Công ty vi phạm trách nhiệm với tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp 2023 bị phạt thế nào?
(Ảnh minh họa - Nguồn từ Internet)
Căn cứ theo quy định tại Điều 23 Nghị định 12/2022/NĐ-CP, người sử dụng lao động bị áp dụng hình thức phạt tiền khi vi phạm các quy định về trách nhiệm đối với tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, cụ thể như sau:
Hành vi |
Mức phạt tiền |
(1)Thực hiện một trong các hành vi sau đây: (i) Không kịp thời sơ cứu hoặc cấp cứu cho người lao động bị tai nạn lao động. (ii) Không thanh toán phần chi phí đồng chi trả hoặc những chi phí không nằm trong danh mục do bảo hiểm y tế chi trả đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp tham gia bảo hiểm y tế. (iii) Không tạm ứng chi phí sơ cứu, chi phí cấp cứu hoặc không thanh toán toàn bộ chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp không tham gia bảo hiểm y tế. (iv) Không giới thiệu người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được giám định y khoa, xác định mức độ suy giảm khả năng lao động, được điều trị, điều dưỡng phục hồi chức năng lao động theo quy định của pháp luật. (v) Không trả phí khám giám định mức suy giảm khả năng lao động thuộc trách nhiệm của người sử dụng lao động theo quy định của pháp luật. (vi) Không thực hiện hoặc thực hiện không đủ hoặc thực hiện không đúng thời hạn việc bồi thường hoặc chế độ trợ cấp cho người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định của pháp luật. |
Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng khi vi phạm đối với mỗi người lao động nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng. |
(2) Thực hiện một trong các hành vi sau đây: (i) Phân biệt đối xử vì lý do người lao động từ chối làm công việc hoặc rời bỏ nơi làm việc khi thấy rõ có nguy cơ xảy ra tai nạn đe dọa nghiêm trọng tính mạng hoặc sức khỏe của mình. (ii) Phân biệt đối xử vì lý do đã thực hiện công việc, nhiệm vụ bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại cơ sở của người làm công tác an toàn, vệ sinh lao động, an toàn, vệ sinh viên, người làm công tác y tế. |
Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động. |
Từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động. |
|
Từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động. |
|
Từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động. |
|
Từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với vi phạm từ 301 người lao động trở lên. |
- Buộc người sử dụng lao động thanh toán phần chi phí đồng chi trả và những chi phí không nằm trong danh mục do bảo hiểm y tế chi trả đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp tham gia bảo hiểm y tế đối khi không thực hiện trách nhiệm nêu tại (1).(ii) của Mục 2.1
- Buộc người sử dụng lao động thanh toán toàn bộ chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp không tham gia bảo hiểm y tế khi không thực hiện trách nhiệm nêu tại (1).(iii) của Mục 2.1.
- Buộc người sử dụng lao động giới thiệu người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được giám định y khoa, xác định mức độ suy giảm khả năng lao động, được điều trị, điều dưỡng phục hồi chức năng lao động theo quy định của pháp luật khi không thực hiện trách nhiệm nêu tại (1).(iv) của Mục 2.1.
- Buộc người sử dụng lao động trả phí khám giám định mức suy giảm khả năng lao động đối với những trường hợp kết luận suy giảm khả năng lao động dưới 5% do người sử dụng lao động giới thiệu người lao động đi khám giám định mức suy giảm khả năng lao động tại Hội đồng giám định y khoa khi không thực hiện trách nhiệm nêu tại (1).(v) của Mục 2.1.
- Buộc người sử dụng lao động trả cho người lao động số tiền trợ cấp, bồi thường, cộng với khoản tiền lãi của số tiền đó tính theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt khi không thực hiện trách nhiệm nêu tại (1).(vi) của Mục 2.1.
Lưu ý: Mức phạt tiền nêu trên áp dụng đối với trường hợp cá nhân vi phạm quy định về trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Còn đối với tổ chức, mức xử phạt sẽ gấp đôi cá nhân (Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP).
Như vậy, công ty phải có trách nhiệm khi người lao động của công ty gặp tai nạn lao động. Nếu công ty không thực hiện đúng trách nhiệm của mình khi người lao động gặp tai nạn thì tùy vào hành vi cụ thể mà mức xử phạt đối với công ty đó sẽ khác nhau như đã nêu bên trên.