Năm nay, tôi dự định thành lập công ty TNHH một thành viên để kinh doanh, vậy tôi có được thành lập công ty rồi đặt chức danh Tổng Giám đốc? – Tuấn Khang (Hà Nội).
>> Công ty có được chuyển lỗ 6 năm liên tiếp hay không?
>> Thông tin, hình ảnh nào không được sử dụng trong quảng cáo thuốc năm 2024?
Căn cứ khoản 1 Điều 82 và Điều 85 Luật Doanh nghiệp 2020, chức danh Tổng Giám đốc trong công ty TNHH một thành viên được quy định như sau:
- Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty bổ nhiệm hoặc thuê Giám đốc hoặc Tổng giám đốc với nhiệm kỳ không quá 05 năm để điều hành hoạt động kinh doanh hằng ngày của công ty. Giám đốc hoặc Tổng giám đốc chịu trách nhiệm trước pháp luật và Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty về việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình. Chủ tịch Hội đồng thành viên, thành viên khác của Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty có thể kiêm Giám đốc hoặc Tổng giám đốc, trừ trường hợp pháp luật, Điều lệ công ty có quy định khác.
Bên cạnh đó, cơ cấu tổ chức quản lý công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do cá nhân làm chủ sở hữu được quy định như sau:
- Công ty TNHH một thành viên do cá nhân làm chủ sở hữu có Chủ tịch công ty, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc.
- Chủ sở hữu công ty là Chủ tịch công ty và có thể kiêm hoặc thuê người khác làm Giám đốc hoặc Tổng giám đốc.
- Quyền, nghĩa vụ của Giám đốc hoặc Tổng giám đốc được quy định tại Điều lệ công ty và hợp đồng lao động.
Như vậy, đối với công ty TNHH một thành viên do tổ chức làm chủ sở hữu thì Tổng giám đốc sẽ do Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty bổ nhiệm hoặc thuê, chủ sở hữu công ty không thể kiêm nhiệm chức danh Tổng giám đốc.
Đối với công ty TNHH một thành viên do cá nhân làm chủ sở hữu thì Chủ sở hữu công ty có thể kiêm hoặc thuê người khác làm Tổng giám đốc.
Do đó, bạn được phép thành lập công ty TNHH một thành viên rồi đặt chức danh Tổng Giám đốc.
Toàn văn File word Luật Doanh nghiệp và văn bản hướng dẫn năm 2024 |
Giải đáp thắc mắc có được lập công ty TNHH một thành viên rồi đặt chức danh Tổng Giám đốc (Ảnh minh họa - Nguồn từ Internet)
Căn cứ khoản 1 và khoản 2 Điều 87 Luật Doanh nghiệp 2020, việc tăng điều lệ trong công ty TNHH một thành viên được quy định như sau:
- Công ty TNHH một thành viên tăng vốn điều lệ thông qua việc chủ sở hữu công ty góp thêm vốn hoặc huy động thêm vốn góp của người khác. Chủ sở hữu công ty quyết định hình thức tăng và mức tăng vốn điều lệ.
- Trường hợp tăng vốn điều lệ bằng việc huy động thêm phần vốn góp của người khác, công ty phải tổ chức quản lý theo loại hình công ty TNHH hai thành viên trở lên hoặc công ty cổ phần. Việc tổ chức quản lý công ty được thực hiện như sau:
+ Trường hợp tổ chức quản lý theo loại hình công ty TNHH hai thành viên trở lên thì công ty phải thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày hoàn thành việc thay đổi vốn điều lệ.
+ Trường hợp chuyển đổi thành công ty cổ phần thì công ty thực hiện theo quy định tại Điều 202 Luật Doanh nghiệp 2020.
Căn cứ khoản 3 Điều 87 Luật Doanh nghiệp 2020, công ty TNHH một thành viên giảm vốn điều lệ trong trường hợp sau đây:
- Hoàn trả một phần vốn góp cho chủ sở hữu công ty nếu công ty đã hoạt động kinh doanh liên tục từ 02 năm trở lên kể từ ngày đăng ký thành lập doanh nghiệp và bảo đảm thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác sau khi đã hoàn trả phần vốn góp cho chủ sở hữu công ty.
- Vốn điều lệ không được chủ sở hữu công ty thanh toán đầy đủ và đúng hạn theo quy định tại Điều 75 Luật Doanh nghiệp 2020.