Trong công ty cổ phần, ai ký chuyển xếp lương, nâng lương cho Chủ tịch công đoàn chuyên trách? Ai ký quyết định cho chức danh Chủ tịch công đoàn chuyên trách?
>> Bị bệnh tim xỉu trong giờ làm việc có phải là tai nạn lao động không?
(Nguồn: Internet)
Chào anh,
PHÁP LÝ KHỞI NGHIỆP đã nhận được nội dung đề nghị hỗ trợ của anh, nên Ban Hỗ trợ có ý kiến trao đổi như sau:
Căn cứ theo quy định tại Điều 2 của Quy định về bố trí cán bộ công đoàn chuyên trách tại công đoàn cơ sở trong doanh nghiệp khu vực kinh tế ngoài nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập ban hành kèm theo Quyết định số 1617/QĐ-TLĐ năm 2014 (sau đây gọi tắc là “Quy định”) thì việc bố trí người làm Chủ tịch Công đoàn chuyên trách được thực hiện theo một trong 03 hình thức là:
- Công đoàn cấp có thẩm quyền bố trí người là Chủ tịch Công đoàn làm việc có thời hạn tại Công đoàn cơ sở.
- Người đang làm việc tại doanh nghiệp được bố trí làm công việc thường xuyên của Công đoàn cơ sở, do Công đoàn cơ sở chi trả tiền lương.
- Người đang làm việc tại doanh nghiệp do đại hội hoặc hội nghị Công đoàn cơ sở bầu ra, được bố trí làm công việc thường xuyên của Công đoàn cơ sở.
Anh cần xác định người làm Chủ tịch Công đoàn của bên mình được bố trí theo hình thức nào trong 03 hình thức nêu trên. Từ đó, việc xác định trách nhiệm tiền lương đối với họ được thực hiện theo quy định tại các Điều 4; 6; 7 và 8 của Quy định; Cụ thể như sau:
Trường hợp 1: Chủ tịch Công đoàn chuyên trách do công đoàn cấp trên có thẩm quyền bố trí
Thẩm quyền bố trí: Sau khi thỏa thuận với người sử dụng lao động, Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương và tương đương quyết định hoặc ủy quyền cho Công đoàn cấp trên trực tiếp xem xét, quyết định bố trí Chủ tịch Công đoàn tại cơ sở.
Tiền lương:
- Được Công đoàn trả lương với mức lương theo quy định của Nhà nước và của Tổng Liên đoàn;
- Được nâng lương thường xuyên, nâng lương trước thời hạn theo quy định của Nhà nước và của Tổng Liên đoàn.
Như vậy, Chủ tịch Công đoàn chuyên trách tại cơ sở được bố trí sau khi Công đoàn cấp trên xem xét quyết định. Người này nhận lương từ Công đoàn theo quy định Nhà nước.
Trường hợp 2: Chủ tịch Công đoàn chuyên trách là người đang làm việc tại doanh nghiệp được bố trí làm công việc thường xuyên của Công đoàn cơ sở
Thẩm quyền bố trí: Sau khi đã thỏa thuận với người sử dụng lao động, Công đoàn cơ sở đề nghị Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương và tương đương, hoặc Công đoàn cấp trên trực tiếp được ủy quyền, xem xét, quyết định công nhận hoặc ký hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc với người làm Chủ tịch Công đoàn tại cơ sở.
Tiền lương:
- Được Công đoàn cơ sở chi trả lương bằng với mức lương hiện hưởng và các khoản phúc lợi (nếu có) theo hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc tại doanh nghiệp. Trường hợp người này có mức lương hiện hưởng cao hơn quy định tài chính của Công đoàn thì Công đoàn cơ sở hoặc Công đoàn cấp trên thỏa thuận với người sử dụng lao động để được hỗ trợ.
- Được nâng lương thường xuyên như người lao động tại doanh nghiệp.
Như vậy, Chủ tịch Công đoàn là người lao động tại doanh nghiệp sẽ được Công đoàn cấp trên ra quyết định công nhận. Người này được hưởng lương từ Công đoàn cơ sở theo tiền lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động với doanh nghiệp; và, có thể được doanh nghiệp hỗ trợ tiền lương vượt mức.
Trường hợp 3: Chủ tịch Công đoàn chuyên trách là người đang làm việc tại doanh nghiệp do đại hội hoặc hội nghị Công đoàn cơ sở bầu ra, được bố trí làm công việc thường xuyên của Công đoàn cơ sở
Thẩm quyền bố trí: Công đoàn cơ sở thỏa thuận với người sử dụng lao động và đề nghị Công đoàn cấp trên trực tiếp công nhận là Chủ tịch Công đoàn cơ sở.
Tiền lương:
Hưởng lương từ doanh nghiệp trên cơ sở thỏa thuận giữa doanh nghiệp và Công đoàn cơ sở.
Như vâỵ, Chủ tịch Công đoàn chuyên trách trong trường hợp này được Công đoàn cấp trên trực tiếp ra quyết định công nhận và hưởng lương từ quỹ lương của doanh nghiệp.
Tóm lại, tùy thuộc vào việc Chủ tịch Công đoàn chuyên trách của bên anh thuộc trường hợp nào trong 03 trường hợp nêu trên mà nguồn chi trả tiền lương cho họ sẽ khác nhau. Nếu thuộc trường hợp 1 và 2 thì người đó nhận lương từ Công đoàn; Ngược lại, người đó sẽ nhận lương từ doanh nghiệp nếu thuộc trường hợp 3.
Cảm ơn anh đã sử dụng dịch vụ của PHÁP LÝ KHỞI NGHIỆP và kính chúc anh luôn thật nhiều sức khỏe.