Theo quy định hiện nay, nếu chủ doanh nghiệp tư nhân chết mà không có người thừa kế thì tài sản của chủ doanh nghiệp tư nhân được xử lý như thế nào? – Mai Anh (Khánh Hòa).
>> Công ty mẹ và công ty con cùng góp vốn để sở hữu chéo lẫn nhau, có bị phạt không?
>> Hoạt động kinh doanh dưới hình thức doanh nghiệp mà không đăng ký, bị phạt bao nhiêu?
Theo khoản 3 Điều 193 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định như sau:
“Điều 193. Thực hiện quyền của chủ doanh nghiệp tư nhân trong một số trường hợp đặc biệt
…
3. Trường hợp chủ doanh nghiệp tư nhân chết mà không có người thừa kế, người thừa kế từ chối nhận thừa kế hoặc bị truất quyền thừa kế thì tài sản của chủ doanh nghiệp tư nhân được xử lý theo quy định của pháp luật về dân sự.”
Mặt khác, Điều 622 Bộ luật Dân sự 2015 quy định như sau:
“Điều 622. Tài sản không có người nhận thừa kế
Trường hợp không có người thừa kế theo di chúc, theo pháp luật hoặc có nhưng không được quyền hưởng di sản, từ chối nhận di sản thì tài sản còn lại sau khi đã thực hiện nghĩa vụ về tài sản mà không có người nhận thừa kế thuộc về Nhà nước.”
Như vậy, trường hợp chủ doanh nghiệp tư nhân chết mà không có người thừa kế thì tài sản của chủ doanh nghiệp tư nhân còn lại sau khi thực hiện các nghĩa vụ về tài sản mà không có người nhận thừa kế thì thuộc về Nhà nước.
Luật Doanh nghiệp và văn bản sửa đổi, hướng dẫn (áp dụng từ ngày 05/3/2023) |
Chủ doanh nghiệp tư nhân chết mà không có người thừa kế, tài sản doanh nghiệp phải xử lý thế nào?
(Ảnh minh họa – Nguồn từ Internet)
Theo khoản 2 Điều 193 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định như sau:
“Điều 193. Thực hiện quyền của chủ doanh nghiệp tư nhân trong một số trường hợp đặc biệt
…
2. Trường hợp chủ doanh nghiệp tư nhân chết thì người thừa kế hoặc một trong những người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật là chủ doanh nghiệp tư nhân theo thỏa thuận giữa những người thừa kế. Trường hợp những người thừa kế không thỏa thuận được thì đăng ký chuyển đổi thành công ty hoặc giải thể doanh nghiệp tư nhân đó.
…”
Như vậy, trường hợp chủ doanh nghiệp tư nhân chết mà có một người thừa kế thì người thừa kế đó sẽ là chủ của doanh nghiệp tư nhân.
Trường hợp chủ doanh nghiệp tư nhân chết và có nhiều người thừa kế thì một trong các người được thừa kế đó sẽ là chủ của doanh nghiệp tư nhân theo thỏa thuận giữa họ. Nếu không thỏa thuận được thì doanh nghiệp tư nhân đó phải chuyển đổi thành công ty với loại hình phù hợp với số lượng người thừa kế hoặc giải thể doanh nghiệp tư nhân đó.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 54 Nghị định 01/2021/NĐ-CP, trong trường hợp chủ doanh nghiệp chết, người thừa kế phải nộp hồ sơ đăng ký thay đổi chủ doanh nghiệp tư nhân bao gồm các tài liệu sau:
- Thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp có chữ ký của người bán, người tặng cho và người mua, người được tặng cho doanh nghiệp tư nhân đối với trường hợp bán, tặng cho doanh nghiệp tư nhân; chữ ký của người thừa kế đối với trường hợp chủ doanh nghiệp tư nhân chết;
- Bản sao giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người mua, người được tặng cho doanh nghiệp tư nhân, người thừa kế;
- Hợp đồng mua bán hoặc các giấy tờ chứng minh hoàn tất việc mua bán trong trường hợp bán doanh nghiệp tư nhân; hợp đồng tặng cho trong trường hợp tặng cho doanh nghiệp tư nhân; bản sao văn bản xác nhận quyền thừa kế hợp pháp của người thừa kế trong trường hợp thừa kế.
Điều 192. Bán doanh nghiệp tư nhân - Luật Doanh nghiệp 2020 1. Chủ doanh nghiệp tư nhân có quyền bán doanh nghiệp tư nhân của mình cho cá nhân, tổ chức khác. 2. Sau khi bán doanh nghiệp tư nhân, chủ doanh nghiệp tư nhân vẫn phải chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp tư nhân phát sinh trong thời gian trước ngày chuyển giao doanh nghiệp, trừ trường hợp chủ doanh nghiệp tư nhân, người mua và chủ nợ của doanh nghiệp tư nhân có thỏa thuận khác. 3. Chủ doanh nghiệp tư nhân, người mua doanh nghiệp tư nhân phải tuân thủ quy định của pháp luật về lao động. 4. Người mua doanh nghiệp tư nhân phải đăng ký thay đổi chủ doanh nghiệp tư nhân theo quy định của Luật này. |