Trường hợp đơn vị cung cấp điện cắt điện mà không báo trước cho người dân, doanh nghiệp biết thì có bị phạt hay không? – Xuân Thành (Bắc Ninh).
>> Khác biệt giữa đóng dấu treo với đóng dấu giáp lai; dấu nổi, dấu ướt?
>> Có được ký sẵn vào giấy tờ trước khi đem công chứng, chứng thực không?
Đơn vị cung cấp điện được ngừng, giảm mức cung cấp điện trong các trường hợp sau đây:
(i) Trường hợp ngừng hoặc giảm mức cung cấp điện không khẩn cấp, trừ trường hợp quy định tại khoản 6 Điều 23 của Luật Điện lực 2004 (được sửa đổi bởi khoản 9 Điều 1 Luật số 24/2012/QH13), bên bán điện phải thông báo cho bên mua điện biết trước thời điểm ngừng hoặc giảm mức cung cấp điện ít nhất năm ngày bằng cách thông báo trong ba ngày liên tiếp trên phương tiện thông tin đại chúng hoặc các hình thức thông tin khác.
(ii) Trường hợp ngừng hoặc giảm mức cung cấp điện khẩn cấp do sự cố, do sự kiện bất khả kháng mà bên bán điện không kiểm soát được có nguy cơ làm mất an toàn nghiêm trọng cho người, trang thiết bị hoặc do thiếu nguồn điện đe dọa đến an toàn của hệ thống điện thì đơn vị phát điện, truyền tải điện, phân phối điện được ngừng hoặc giảm mức cung cấp điện đối với bên mua điện để xử lý và trong thời hạn 24 giờ phải thông báo cho bên mua điện biết nguyên nhân, dự kiến thời gian cấp điện trở lại.
(iii) Trường hợp bên mua điện không thực hiện đúng các quy định tại điểm a và điểm b khoản 2 Điều 46, điểm b và điểm c khoản 2 Điều 47 của Luật Điện lực 2004 thì bên bán điện có quyền ngừng cấp điện cho bên mua điện và phải thông báo cho bên mua điện trước thời điểm ngừng cấp điện ít nhất 24 giờ.
(iv) Theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong trường hợp tổ chức, cá nhân vi phạm quy định của Luật điện lực, Luật xây dựng, pháp luật về bảo vệ môi trường.
(v) Bên mua điện có một trong các hành vi sau đây:
- Trộm cắp điện.
- Phá hoại các trang thiết bị điện, thiết bị đo đếm điện và công trình điện lực.
- Vi phạm các quy định về an toàn trong phát điện, truyền tải điện, phân phối điện và sử dụng điện.
- Cản trở việc kiểm tra hoạt động điện lực và sử dụng điện.
- Sử dụng điện để bẫy, bắt động vật hoặc làm phương tiện bảo vệ, trừ trường hợp được quy định tại Điều 59 của Luật Điện lực 2004 (được sửa đổi, bổ sung bởi điểm e khoản 1 Điều 2, khoản 21 Điều 1 Luật số 24/2012/QH13).
- Vi phạm các quy định về bảo vệ hành lang an toàn lưới điện, khoảng cách an toàn của đường dây và trạm điện.
Lưu ý:
- Đối với các hành vi nêu tại mục (v) bên trên (trừ hành vi trộm cắp điện) nếu mức độ vi phạm chưa đến mức phải ngừng cấp điện khẩn cấp thì sau khi Biên bản vi phạm hành chính được lập theo quy định tại Nghị định 134/2013/NĐ-CP, bên bán điện có trách nhiệm gửi thông báo ngừng cấp điện cho bên mua điện trước thời điểm ngừng cấp điện ít nhất 24 giờ. Nếu quá thời hạn này mà bên mua điện không chấm dứt hành vi vi phạm và không tiến hành khắc phục hậu quả do hành vi vi phạm gây ra theo yêu cầu của bên bán điện thì bên bán điện có quyền ngừng cấp điện theo nội dung đã thông báo.
- Đối với trường hợp bên mua điện thực hiện hành vi trộm cắp điện bên bán điện được ngừng cấp điện ngay sau khi Biên bản vi phạm hành chính được lập theo quy định tại Nghị định 134/2013/NĐ-CP.
Như vậy, khi đơn vị cung cấp điện tự ý cắt điện phải thông báo cho người dân, doanh nghiệp biết, nếu không báo trước cho người dân, doanh nghiệp biết thì bị phạt tiền theo nội dung nêu tại Mục 2 bên dưới.
(Căn cứ theo quy định tại Điều 14 Nghị định 137/2013NĐ-CP và khoản 1 khoản 2 Điều 10 Thông tư 22/2020/TT-BCT).
Cập nhật chi tiết giá bán lẻ, bán buôn điện năm 2023
Danh sách văn bản Trung ương mới nhất [Cập nhật liên tục và kịp thời] |
Cắt điện mà không báo trước cho người dân, doanh nghiệp biết, có bị phạt?
(Ảnh minh họa - Nguồn từ Internet)
Điểm b khoản 7 Điều 11 Nghị định 134/2013/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 14 Điều 2 Nghị định 17/2022/NĐ-CP) quy định như sau:
" Điều 11. Vi phạm các quy định về bán lẻ điện
...
7. Phạt tiền Đơn vị bán lẻ điện từ 50.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
...
b, Thực hiện không đúng quyền hạn về ngừng, giảm mức cung cấp điện; không thông báo hoặc thực hiện không đúng nội dung thông báo theo Quy định về trình tự ngừng, giảm mức cung cấp điện do Bộ Công Thương ban hành"
Như vậy, nếu đơn vị cung cấp điện cắt điện không thông báo theo quy định thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng.
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 8 Thông tư 22/2020/TT-BCT, trường hợp ngừng, giảm mức cung cấp điện không khẩn cấp, bên bán điện phải thông báo cho bên mua điện biết trước thời điểm ngừng, giảm mức cung cấp điện ít nhất 05 ngày, bằng hình thức cụ thể như sau:
- Gửi thông báo bằng văn bản hoặc thông báo bằng hình thức khác đã được hai bên thoả thuận trong hợp đồng mua bán điện cho khách hàng có sản lượng mua điện trung bình trên 100.000kWh/tháng và khách hàng sử dụng điện quan trọng biết.
- Thông báo trong 03 ngày liên tiếp trên phương tiện thông tin đại chúng hoặc các hình thức khác đã được thỏa thuận trong hợp đồng mua bán điện đối với các khách hàng còn lại. Trong đó thời điểm thông báo đầu tiên phải đảm bảo trước thời điểm ngừng, giảm mức cung cấp điện ít nhất 05 ngày.
Điều 9. Trình tự ngừng, giảm mức cung cấp điện khẩn cấp - Thông tư 22/2020/TT-BCT Khi xảy ra một trong các trường hợp quy định tại Điêu 6 Thông tư này, bên bán điện có quyền ngừng, giảm mức cung cấp điện khẩn cấp, sau đó thực hiện các công việc sau: 1. Xác định nguyên nhân, phạm vi ảnh hưởng, thời gian dự kiến cấp điện trở lại. 2. Thông báo cho bên mua điện biết theo hình thức thông báo đã được hai bên thoả thuận trong hợp đồng mua bán điện, bao gồm các nội dung quy định tại khoản 1 Điều này trong thời hạn 24 giờ kể từ thời điểm thực hiện ngừng, giảm mức cung cấp điện khẩn cấp. 3. Bên bán điện phải ghi đầy đủ thời gian, nguyên nhân, trình tự thao tác ngừng, giảm mức cung cấp điện vào sổ nhật ký công tác hoặc nhật ký vận hành. 4. Trường hợp ngừng, giảm mức cung cấp điện do hệ thống điện thiếu công suất dẫn đến đe dọa an ninh hệ thống điện, bên bán điện phải đảm bảo thực hiện cắt, giảm đúng lượng công suất phụ tải được tính toán và phân bổ theo quy định về việc lập và thực hiện kế hoạch cung ứng điện khi hệ thống điện quốc gia thiếu nguồn điện. 5. Phối hợp với các bên có liên quan khẩn trương khắc phục các nguyên nhân dẫn đến ngừng, giảm mức cung cấp điện khẩn cấp để cấp điện trở lại trong thời gian nhanh nhất. |