Tôi làm việc cho công ty tư nhân và đóng BHXH bắt buộc từ tháng 6/2013 đến nay, nếu tiếp tục đóng BHXH thì đến khi nghỉ hưu, cách tính tiền lương hưu thế nào? Văn Toàn (Khánh Hòa)
>> Mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc từ tháng 10/2022 có gì mới?
>> Thẻ BHYT bị ghi sai thông tin “05 năm liên tục”, tôi phải làm sao?
Nội dung này được Ban Hỗ trợ PHÁP LÝ KHỞI NGHIỆP trả lời như sau:
Căn cứ điều 56 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, người lao động đủ điều kiện hưởng lương hưu hằng tháng và nghỉ hưu từ năm 2022 trở đi thì mức lương hưu hàng tháng như sau:
- Đối với lao động nam: Bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội và tương ứng với 20 năm đóng bảo hiểm xã hội; sau đó cứ thêm mỗi năm, người lao động được tính thêm 2%, mức tối đa bằng 75%.
- Đối với lao động nữ: Bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội và tương ứng với 15 năm đóng bảo hiểm xã hội; sau đó cứ thêm mỗi năm, người lao động được tính thêm 2%, mức tối đa bằng 75%.
Mức lương hưu hằng tháng của người lao động khi suy giảm khả năng lao động được tính như quy định nêu trên, sau đó cứ mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi quy định thì giảm 2%.
Trường hợp tuổi nghỉ hưu có thời gian lẻ đến đủ 6 tháng thì mức giảm là 1%, từ trên 6 tháng thì không giảm tỷ lệ phần trăm do nghỉ hưu trước tuổi.
Căn cứ khoản 2 điều 62 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, người lao động có toàn bộ thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tính bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của toàn bộ thời gian.
Các file excel về tính tiền lương, thuế thu nhập cá nhân, bảo hiểm xã hội |
Điều 169. Tuổi nghỉ hưu – Bộ luật Lao động 2019
1. Người lao động bảo đảm điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội được hưởng lương hưu khi đủ tuổi nghỉ hưu.
2. Tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035.
Kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 03 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 04 tháng đối với lao động nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 03 tháng đối với lao động nam và 04 tháng đối với lao động nữ.
3. Người lao động bị suy giảm khả năng lao động; làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhưng không quá 05 tuổi so với quy định tại khoản 2 Điều này tại thời điểm nghỉ hưu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
4. Người lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao và một số trường hợp đặc biệt có thể nghỉ hưu ở tuổi cao hơn nhưng không quá 05 tuổi so với quy định tại khoản 2 Điều này tại thời điểm nghỉ hưu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
5. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
Căn cứ Điều 57 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, Chính phủ sẽ quy định việc điều chỉnh tiền lương hưu trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế phù hợp với ngân sách nhà nước và quỹ bảo hiểm xã hội (điều chỉnh tiền lương hưu khi lạm phát). Như vậy, khi có lạm phát thì Chính phủ sẽ điều chỉnh tiền lương hưu (tăng lương hưu) cho phù hợp với tình hình thực tế của từng thời kỳ.
Hiện nay, mức điều chỉnh tiền lương và thu nhập tháng đã đóng bảo hiểm xã hội được thực hiện theo Thông tư 36/2021/TT-BLĐTBXH ngày 31/12/2021.