Tôi thắc mắc là trường hợp một người đã nộp thuế nhập khẩu cho 03 kiện hàng, nhưng chỉ có 01 kiện hàng được nhập khẩu vào Việt Nam, thì người này có được hoàn thuế không? – Ngọc Tuấn (Nha Trang).
>> Hàng hóa, dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt năm 2023?
>> Các trường hợp được miễn thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu năm 2023?
Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 19 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu 2016, nếu người nộp thuế đã nộp thuế nhập khẩu, thuế xuất khẩu nhưng không có hàng hóa nhập khẩu, xuất khẩu hoặc nhập khẩu, xuất khẩu ít hơn so với hàng hóa nhập khẩu, xuất khẩu đã nộp thuế, thì thuộc trường hợp được hoàn thuế.
Theo khoản 2 Điều 19 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu 2016, để được hoàn thuế, thì hàng hóa trong trường hợp này phải chưa qua sử dụng, gia công, chế biến.
Theo điểm b khoản 1 Điều 19 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu 2016, khoản 1 Điều 33 Nghị định 134/2016/NĐ-CP, trường hợp người nộp thuế đã nộp thuế xuất khẩu nhưng hàng hóa xuất khẩu phải tái nhập được hoàn thuế xuất khẩu và không phải nộp thuế nhập khẩu, bao gồm:
- Hàng hóa đã xuất khẩu nhưng phải nhập khẩu trở lại Việt Nam.
- Hàng hóa xuất khẩu do tổ chức, cá nhân ở Việt Nam gửi cho tổ chức, cá nhân ở nước ngoài thông qua dịch vụ bưu chính và dịch vụ chuyển phát nhanh quốc tế đã nộp thuế nhưng không giao được cho người nhận hàng hóa, phải tái nhập.
Lưu ý:
- Người nộp thuế có trách nhiệm kê khai chính xác, trung thực trên tờ khai hải quan về hàng hóa tái nhập là hàng hóa xuất khẩu trước đây; các thông tin về số, ngày hợp đồng, tên đối tác mua hàng hóa đối với trường hợp có hợp đồng mua bán hàng hóa.
- Hàng hóa trong trường hợp này được hoàn thuế khi chưa qua sử dụng, gia công, chế biến.
Các trường hợp hoàn thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu năm 2023? (Ảnh minh họa - Nguồn từ Internet)
Theo điểm c khoản 1 Điều 19 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu 2016, khoản 1 Điều 34 Nghị định 134/2016/NĐ-CP (được sửa đổi bởi khoản 17 Điều 1 Nghị định 18/2021/NĐ-CP), người nộp thuế đã nộp thuế nhập khẩu nhưng hàng hóa nhập khẩu phải tái xuất được hoàn thuế nhập khẩu và không phải nộp thuế xuất khẩu, bao gồm:
- Hàng hóa nhập khẩu nhưng phải tái xuất ra nước ngoài bao gồm xuất khẩu trả lại chủ hàng, xuất khẩu hàng hóa đã nhập khẩu ra nước ngoài hoặc xuất khẩu vào khu phi thuế quan để sử dụng trong khu phi thuế quan.
Việc tái xuất hàng hóa phải được thực hiện bởi người nhập khẩu ban đầu hoặc người được người nhập khẩu ban đầu ủy quyền, ủy thác xuất khẩu.
- Hàng hóa nhập khẩu do tổ chức, cá nhân ở nước ngoài gửi cho tổ chức, cá nhân ở Việt Nam thông qua dịch vụ bưu chính và dịch vụ chuyển phát nhanh quốc tế đã nộp thuế nhưng không giao được cho người nhận hàng hóa, phải tái xuất.
- Hàng hóa nhập khẩu đã nộp thuế sau đó bán cho các phương tiện của các hãng nước ngoài trên các tuyến đường quốc tế qua cảng Việt Nam và các phương tiện của Việt Nam trên các tuyến đường quốc tế theo quy định.
- Hàng hóa nhập khẩu đã nộp thuế nhập khẩu nhưng còn lưu kho, lưu bãi tại cửa khẩu và đang chịu sự giám sát của cơ quan hải quan được tái xuất ra nước ngoài.
Lưu ý:
- Người nộp thuế có trách nhiệm kê khai chính xác, trung thực trên tờ khai hải quan về hàng hóa tái xuất là hàng hóa nhập khẩu trước đây; các thông tin về số, ngày hợp đồng, tên đối tác mua hàng hóa.
- Hàng hóa được hoàn thuế khi chưa qua sử dụng, gia công, chế biến.
Theo điểm d khoản 1 Điều 19 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu 2016, khoản 2 Điều 36 Nghị định 134/2016/NĐ-CP, người nộp thuế đã nộp thuế đối với hàng hóa nhập khẩu để sản xuất, kinh doanh nhưng đã đưa vào sản xuất hàng hóa xuất khẩu và đã xuất khẩu sản phẩm thì được hoàn thuế. Hàng hóa nhập khẩu được hoàn thuế nhập khẩu bao gồm:
- Nguyên liệu, vật tư (bao gồm cả vật tư làm bao bì hoặc bao bì để đóng gói sản phẩm xuất khẩu), linh kiện, bán thành phẩm nhập khẩu trực tiếp cấu thành sản phẩm xuất khẩu hoặc tham gia trực tiếp vào quá trình sản xuất hàng hóa xuất khẩu nhưng không trực tiếp chuyển hóa thành hàng hóa.
- Sản phẩm hoàn chỉnh nhập khẩu để gắn, lắp ráp vào sản phẩm xuất khẩu hoặc đóng chung thành mặt hàng đồng bộ với sản phẩm xuất khẩu.
- Linh kiện, phụ tùng nhập khẩu để bảo hành cho sản phẩm xuất khẩu.
Theo điểm đ khoản 1 Điều 19 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu 2016, người nộp thuế đã nộp thuế đối với máy móc, thiết bị, dụng cụ, phương tiện vận chuyển của các tổ chức, cá nhân được phép tạm nhập, tái xuất, thì được hoàn thuế.
Trừ trường hợp đi thuê để thực hiện các dự án đầu tư, thi công xây dựng, lắp đặt công trình, phục vụ sản xuất, khi tái xuất ra nước ngoài hoặc xuất vào khu phi thuế quan, thì không được hoàn thuế.
Số tiền thuế nhập khẩu được hoàn lại xác định trên cơ sở trị giá sử dụng còn lại của hàng hóa khi tái xuất khẩu tính theo thời gian sử dụng, lưu lại tại Việt Nam. Trường hợp hàng hóa đã hết trị giá sử dụng thì không được hoàn lại thuế nhập khẩu đã nộp.
Không hoàn thuế đối với số tiền thuế được hoàn dưới mức tối thiểu theo quy định.
>> Xem các bài viết và công việc pháp lý liên quan tại:
>> Căn cứ tính thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu năm 2023 được quy định thế nào?
>> Thời hạn nộp thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu năm 2023 quy định thế nào?
>> Khai trị giá hải quan đối với hàng hóa Nhập khẩu