Hiện nay, việc hướng dẫn chế độ kế toán doanh nghiệp được thực hiện theo quy định nào? Văn bản nào là mới nhất (còn hiệu lực thi hành) – Xuân Lụa (Bình Định)
>> Sai sót trong hồ sơ khi khai thuế thì bị xử phạt như thế nào?
>> Phân bổ thu nhập thế nào để người lao động đóng thuế TNCN ít nhất?
Nội dung này được Ban Hỗ trợ PHÁP LÝ KHỞI NGHIỆP trả lời như sau:
Hiện nay, việc hướng dẫn chế độ kế toán doanh nghiệp được thực hiện theo Thông tư 200/2014/TT-BTC ngày 22/12/2014 (Thông tư 200).
Theo đó, Thông tư 200 hướng dẫn kế toán áp dụng đối với các doanh nghiệp thuộc mọi lĩnh vực, mọi thành phần kinh tế. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang thực hiện kế toán theo Chế độ kế toán áp dụng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ được vận dụng quy định của Thông tư 200 để kế toán phù hợp với đặc điểm kinh doanh và yêu cầu quản lý của mình.
“Đơn vị tiền tệ trong kế toán” là Đồng Việt Nam (ký hiệu quốc gia là “đ”; ký hiệu quốc tế là “VND”) được dùng để ghi sổ kế toán, lập và trình bày Báo cáo tài chính của doanh nghiệp. Trường hợp đơn vị kế toán chủ yếu thu, chi bằng ngoại tệ, đáp ứng được các tiêu chuẩn quy định tại Điều 4 Thông tư 200 thì được chọn một loại ngoại tệ làm đơn vị tiền tệ để ghi sổ kế toán.
Tính đến hiện tại, Thông tư 200 về hướng dẫn chế độ kế toán doanh nghiệp đã được các văn bản sau đây sửa đổi, bổ sung:
- Thông tư 75/2015/TT-BTC sửa đổi, bổ sung Điều 128 của Thông tư 200.
- Thông tư 177/2015/TT-BTC hướng dẫn chế độ kế toán áp dụng đối với bảo hiểm tiền gửi Việt Nam. Thông tư này đã sửa đổi, bổ sung một số tài khoản kế toán tại Chế độ kế toán doanh nghiệp đã ban hành theo Thông tư 200 để áp dụng đối với Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam.
- Thông tư 53/2016/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 200.
File word các Thông tư hướng dẫn chế độ kế toán doanh nghiệp |
File word các Thông tư hướng dẫn chế độ kế toán doanh nghiệp
Hiện nay, việc hướng dẫn chế độ kế toán doanh nghiệp nhỏ và vừa được thực hiện theo Thông tư 133/2016/TT-BTC ngày 26/8/2016 (Thông tư 133).
Theo đó, Thông tư 133 áp dụng đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa (bao gồm cả doanh nghiệp siêu nhỏ) thuộc mọi lĩnh vực, mọi thành phần kinh tế theo quy định của pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trừ doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp do Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ, công ty đại chúng theo quy định của pháp luật về chứng khoán, các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã theo quy định tại Luật Hợp tác xã 2012. Đối với Doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa thuộc lĩnh vực đặc thù như điện lực, dầu khí, bảo hiểm, chứng khoán ... đã được Bộ Tài chính ban hành hoặc chấp thuận áp dụng chế độ kế toán đặc thù.
03 nguyên tắc chung khi áp dụng Thông tư 133 như sau:
- Thứ nhất, doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể lựa chọn áp dụng Chế độ kế toán doanh nghiệp ban hành theo Thông tư 200 của Bộ Tài chính và các văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế nhưng phải thông báo cho cơ quan thuế quản lý doanh nghiệp và phải thực hiện nhất quán trong năm tài chính. Trường hợp chuyển đổi trở lại áp dụng chế độ kế toán doanh nghiệp nhỏ và vừa theo Thông tư 133 thì phải thực hiện từ đầu năm tài chính và phải thông báo lại cho cơ quan Thuế.
- Thứ hai, doanh nghiệp vừa và nhỏ căn cứ vào nguyên tắc kế toán, nội dung và kết cấu của các tài khoản kế toán quy định tại Thông tư 133 để phản ánh và hạch toán các giao dịch kinh tế phát sinh phù hợp với đặc điểm hoạt động và yêu cầu quản lý của đơn vị.
- Thứ ba, trường hợp trong năm tài chính doanh nghiệp có những thay đổi dẫn đến không còn thuộc đối tượng áp dụng theo Thông tư 133 thì được áp dụng Thông tư 133 cho đến hết năm tài chính hiện tại và phải áp dụng Chế độ kế toán phù hợp với quy định của pháp luật kể từ năm tài chính kế tiếp.