Công ty tôi ngày làm việc 08 giờ, nhưng buổi trưa chỉ được nghỉ giữa giờ 20 phút. Công ty làm vậy có đúng quy định? Nếu sai thì có bị xử phạt? – Vân An (TP. Hồ Chí Minh).
>> Chứa nhiều nội dung sai chính tả, hợp đồng có bị vô hiệu?
>> Có phải giấy tờ công chứng, chứng thực có giá trị trong vòng 06 tháng?
Căn cứ theo quy định tại Điều 109 Bộ luật Lao động 2019, thời gian nghỉ trong giờ làm việc được quy định như sau:
(i) Người lao động làm việc theo thời giờ làm việc quy định tại Điều 105 của Bộ luật Lao động 2019 từ 06 giờ trở lên trong một ngày thì được nghỉ giữa giờ ít nhất 30 phút liên tục, làm việc ban đêm thì được nghỉ giữa giờ ít nhất 45 phút liên tục.
Trường hợp người lao động làm việc theo ca liên tục từ 06 giờ trở lên thì thời gian nghỉ giữa giờ được tính vào giờ làm việc.
(ii) Ngoài thời gian nghỉ trình bày tại đoạn (i) của Mục này, người sử dụng lao động bố trí cho người lao động các đợt nghỉ giải lao và ghi vào nội quy lao động.
Như vậy, thời gian làm việc của bạn là 8 giờ một ngày nên công ty của bạn phải cho người lao động nghỉ giữa giờ ít nhất là 30 phút. Việc công ty chỉ cho bạn nghỉ giữa giờ 20 phút là hành vi trái quy định của pháp luật.
Bộ luật Lao động và các văn bản hướng dẫn mới nhất |
Bố trí thời giờ nghỉ giữa giờ không đúng quy định, công ty có bị phạt? (Ảnh minh họa - Nguồn từ Internet)
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 6 và khoản 4 Điều 18 Nghị định 12/2022/NĐ-CP, công ty bố tri thời giờ nghỉ giữa giờ không đúng quy định thì bị áp dụng mức xử phạt như sau:
- Từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động.
- Từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động
- Từ 40.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động.
- Từ 80.000.000 đồng đến 120.000.000 đồng đối với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động.
- Từ 120.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng đối với vi phạm từ 301 người lao động trở lên.
Như vậy, khi bố trí thời giờ nghỉ giữa giờ không đúng quy định, công ty sẽ bị xử phạt tiền với các mức phạt nêu trên tùy vào số lượng nhân viên bị vi phạm.
Căn cứ theo quy định tại Điều 116 Bộ luật Lao động 2019 và Điều 68 Nghị định 145/2020/NĐ-CP, thời giờ nghỉ ngơi đối với người làm công việc có tính chất đặc biệt được quy định như sau:
(i) Đối với các công việc có tính chất đặc biệt trong lĩnh vực vận tải đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường hàng không; thăm dò, khai thác dầu khí trên biển; làm việc trên biển; trong lĩnh vực nghệ thuật; sử dụng kỹ thuật bức xạ và hạt nhân; ứng dụng kỹ thuật sóng cao tần; tin học, công nghệ tin học; nghiên cứu ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến; thiết kế công nghiệp; công việc của thợ lặn; công việc trong hầm lò; công việc sản xuất có tính thời vụ, công việc gia công theo đơn đặt hàng; công việc phải thường trực 24/24 giờ; các công việc có tính chất đặc biệt khác do Chính phủ quy định thì các Bộ, ngành quản lý quy định cụ thể thời giờ nghỉ ngơi sau khi thống nhất với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và phải tuân thủ quy định tại Điều 109 của Bộ luật Lao động 2019.
(ii) Ngoài các công việc có tính chất đặc biệt nêu tại đoạn (i) của mục này, các công việc có tính chất đặc biệt về thời giờ nghỉ ngơi khác gồm:
- Các công việc phòng chống thiên tai, hỏa hoạn và dịch bệnh.
- Các công việc trong lĩnh vực thể dục, thể thao.
- Sản xuất thuốc, vắc xin sinh phẩm.
- Vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa hệ thống đường ống phân phối khí và các công trình khí.
(iii) Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định cụ thể về thời giờ nghỉ ngơi đối với người lao động làm các công việc sản xuất có tính thời vụ, công việc gia công theo đơn đặt hàng.
(iv) Các bộ, ngành quản lý quy định cụ thể thời giờ nghỉ ngơi đối với các công việc có tính chất đặc biệt nêu tại đoạn (i) và (ii) sau khi thống nhất với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.