Ai được giữ con dấu doanh nghiệp theo quy định? Mỗi doanh nghiệp được phép có bao nhiêu con dấu? Mức phạt cho việc sử dụng con dấu hết giá trị sử dụng là bao nhiêu?
>> Ngân hàng thương mại cổ phần công thương Việt Nam là ngân hàng gì?
>> Nhà đăng ký tên miền Internet quốc tế tại Việt Nam là gì? Phải đáp ứng những điều kiện gì?
Căn cứ khoản 3 Điều 43 Luật Doanh nghiệp 2020, việc quản lý và lưu giữ dấu thực hiện theo quy định của Điều lệ công ty hoặc quy chế do doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện hoặc đơn vị khác của doanh nghiệp có dấu ban hành. Doanh nghiệp sử dụng dấu trong các giao dịch theo quy định của pháp luật.
Như vậy, pháp luật không quy định bắt buộc ai là người giữ con dấu doanh nghiệp mà cho phép doanh nghiệp tự quyết định và ghi rõ trong Điều lệ hoặc quy chế của công ty, chi nhánh, hay văn phòng đại diện.
Luật Doanh nghiệp 2020 và các văn bản hướng dẫn [cập nhật ngày 29/08/2024] |
Pháp luật không quy định ai là người giữ con dấu doanh nghiệp (Ảnh minh họa - Nguồn Internet)
Theo khoản 2 Điều 43 Luật Doanh nghiệp 2020, doanh nghiệp quyết định loại dấu, số lượng, hình thức và nội dung dấu của doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện và đơn vị khác của doanh nghiệp.
Theo đó, pháp luật không hạn chế số lượng con dấu của mỗi công ty. Số lượng con dấu doanh nghiệp hoàn toàn do doanh nghiệp quyết định.
Căn cứ điểm d khoản 3 Điều 13 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định:
Vi phạm các quy định về quản lý và sử dụng con dấu
…
3. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Không giao nộp con dấu theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền hoặc cơ quan đăng ký mẫu con dấu;
b) Đóng dấu vào văn bản, giấy tờ chưa có chữ ký của người có thẩm quyền hoặc có chữ ký của người không có thẩm quyền;
c) Mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố, thế chấp, mua bán con dấu, tiêu hủy trái phép con dấu; sử dụng con dấu của cơ quan, tổ chức khác để hoạt động;
d) Sử dụng con dấu hết giá trị sử dụng;
đ) Cố ý làm biến dạng, sửa chữa nội dung con dấu đã đăng ký;
e) Làm giả Giấy chứng nhận đăng ký mẫu con dấu;
g) Sử dụng con dấu chưa đăng ký mẫu con dấu;
h) Không nộp lại con dấu và giấy chứng nhận đăng ký mẫu con dấu khi có quyết định của cơ quan có thẩm quyền có hiệu lực về việc chia tách, sáp nhập, hợp nhất hoặc bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động, Giấy phép hoạt động hoặc bị tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động hoặc thông báo của cơ quan có thẩm quyền về việc giao nộp con dấu theo quy định của pháp luật;
i) Tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung thông tin trên giấy chứng nhận đăng ký mẫu con dấu.
Lưu ý: Mức phạt tiền theo quy định trên là mức phạt được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của cá nhân. Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm, mức phạt tiền gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân (theo khoản 2 Điều 4 Nghị định 144/2021/NĐ-CP).
Như vậy, doanh nghiệp có hành vi sử dụng con dấu hết giá trị sử dụng có thể bị phạt từ 06 – 10 triệu đồng. Ngoài bị xử phạt vi phạm hành chính với số tiền nêu trên, còn phải nộp lại con dấu hết giá trị sử dụng (theo điểm a khoản 6 Điều 13 Nghị định 144/2021/NĐ-CP).
Theo Điều 6 Nghị định 99/2016/NĐ-CP, các hành vi bị cấm trong quản lý và sử dụng con dấu bao gồm:
(i) Làm giả con dấu, sử dụng con dấu giả.
(ii) Mua bán con dấu, tiêu hủy trái phép con dấu.
(iii) Sử dụng con dấu hết giá trị sử dụng.
(iv) Cố ý làm biến dạng, sửa chữa nội dung mẫu con dấu đã đăng ký.
(v) Không giao nộp con dấu theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền hoặc cơ quan đăng ký mẫu con dấu.
(vi) Mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố, thế chấp con dấu; sử dụng con dấu của Cơ quan, tổ chức khác để hoạt động.
(vii) Chiếm giữ trái phép, chiếm đoạt con dấu.
(viii) Sử dụng con dấu chưa đăng ký mẫu con dấu.
(ix) Làm giả, sửa chữa, làm sai lệch nội dung thông tin trên giấy chứng nhận đăng ký mẫu con dấu.
(x) Đóng dấu lên chữ ký của người không có thẩm quyền.
(xi) Không chấp hành việc kiểm tra con dấu, không xuất trình con dấu khi có yêu cầu kiểm tra của cơ quan đăng ký mẫu con dấu.