Thuế tự vệ là gì? Thuế tự vệ kê khai theo từng lần phát sinh đúng không?
Thuế tự vệ là gì?
Thuế tự vệ được định nghĩa tại khoản 7 Điều 4 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu 2016 là thuế nhập khẩu bổ sung được áp dụng trong trường hợp nhập khẩu hàng hóa quá mức vào Việt Nam gây thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe dọa gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất trong nước hoặc ngăn cản sự hình thành của ngành sản xuất trong nước.
Thuế tự vệ là gì? Thuế tự vệ kê khai theo từng lần phát sinh đúng không? (Hình từ Internet)
Điều kiện và nguyên tắc áp dụng thuế tự vệ được quy định như thế nào?
Về điều kiện áp dụng thuế tự vệ:
Điều kiện áp dụng thuế tự vệ được quy định tại khoản 1 Điều 14 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu 2016, cụ thể như sau:
(1) Khối lượng, số lượng hoặc trị giá hàng hóa nhập khẩu gia tăng đột biến một cách tuyệt đối hoặc tương đối so với khối lượng, số lượng hoặc trị giá của hàng hóa tương tự hoặc hàng hóa cạnh tranh trực tiếp được sản xuất trong nước;
(2) Việc gia tăng khối lượng, số lượng hoặc trị giá hàng hóa nhập khẩu quy định tại (1) gây ra hoặc đe dọa gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất hàng hóa tương tự hoặc hàng hóa cạnh tranh trực tiếp trong nước hoặc ngăn cản sự hình thành của ngành sản xuất trong nước.
Về nguyên tắc áp dụng thuế tự vệ:
Nguyên tắc áp dụng thuế tự vệ được quy định tại khoản 2 Điều 14 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu 2016, cụ thể như sau:
- Thuế tự vệ được áp dụng trong phạm vi và mức độ cần thiết nhằm ngăn ngừa hoặc hạn chế thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất trong nước và tạo điều kiện để ngành sản xuất đó nâng cao khả năng cạnh tranh;
- Việc áp dụng thuế tự vệ phải căn cứ vào kết luận điều tra, trừ trường hợp áp dụng thuế tự vệ tạm thời;
- Thuế tự vệ được áp dụng trên cơ sở không phân biệt đối xử và không phụ thuộc vào xuất xứ hàng hóa.
Lưu ý:
- Thời hạn áp dụng thuế tự vệ không quá 04 năm, bao gồm cả thời gian áp dụng thuế tự vệ tạm thời.
Thời hạn áp dụng thuế tự vệ có thể được gia hạn không quá 06 năm tiếp theo, với điều kiện vẫn còn thiệt hại nghiêm trọng hoặc nguy cơ gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất trong nước và có bằng chứng chứng minh rằng ngành sản xuất đó đang điều chỉnh để nâng cao khả năng cạnh tranh.
- Về việc áp dụng thuế tự vệ (Điều 15 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu 2016):
+ Việc áp dụng, thay đổi, bãi bỏ thuế tự vệ được thực hiện theo quy định của Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu 2016 và pháp luật về pháp luật về tự vệ.
+ Căn cứ mức thuế, số lượng hoặc trị giá hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế tự vệ, người khai hải quan có trách nhiệm kê khai và nộp thuế theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.
+ Bộ Công thương quyết định việc áp dụng thuế tự vệ.
+ Bộ Tài chính quy định việc kê khai, thu, nộp, hoàn trả thuế tự vệ.
Trường hợp lợi ích của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam bị xâm hại hay vi phạm, căn cứ vào các Điều ước quốc tế, Chính phủ báo cáo Quốc hội quyết định áp dụng biện pháp thuế phòng vệ khác phù hợp.
Thuế tự vệ kê khai theo từng lần phát sinh đúng không?
Căn cứ tại điểm c khoản 4 Điều 8 Nghị định 126/2020/NĐ-CP về các loại thuế khai theo tháng, khai theo quý, khai theo năm, khai theo từng lần phát sinh nghĩa vụ thuế và khai quyết toán thuế
Các loại thuế khai theo tháng, khai theo quý, khai theo năm, khai theo từng lần phát sinh nghĩa vụ thuế và khai quyết toán thuế
...
4. Các loại thuế, khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước khai theo từng lần phát sinh, bao gồm:
a) Thuế giá trị gia tăng của người nộp thuế theo quy định tại khoản 3 Điều 7 Nghị định này hoặc người nộp thuế thực hiện khai thuế giá trị gia tăng theo phương pháp trực tiếp trên giá trị gia tăng theo quy định của pháp luật về thuế giá trị gia tăng nhưng có phát sinh nghĩa vụ thuế giá trị gia tăng đối với hoạt động chuyển nhượng bất động sản.
...
c) Thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu bao gồm: Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, thuế tự vệ, thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường, thuế giá trị gia tăng. Trường hợp hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu không phải khai theo từng lần phát sinh thì thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.
...
Như vậy, thuế tự vệ được kê khai theo từng lần phát sinh nghĩa vụ thuế.
Lưu ý: Các trường hợp hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu không phải khai thuế theo từng lần phát sinh quy định tại điểm c khoản 4 Điều 8 Nghị định 126/2020/NĐ-CP, bao gồm:
(1) Mặt hàng điện năng xuất khẩu, nhập khẩu theo quy định tại Điều 93 Thông tư 38/2015/TT-BTC được sửa đổi bởi khoản 60 Điều 1 Thông tư 39/2018/TT-BTC;
(2) Hàng hóa bán trong khu vực cách ly tại các sân bay quốc tế (trừ hàng bán miễn thuế) theo quy định tại Điều 93 Thông tư 38/2015/TT-BTC được sửa đổi bởi khoản 60 Điều 1 Thông tư 39/2018/TT-BTC;
(3) Hàng hóa cung cấp cho hành khách trên các chuyến bay tuyến quốc tế theo quy định tại Điều 93 Thông tư 38/2015/TT-BTC được sửa đổi bởi khoản 60 Điều 1 Thông tư 39/2018/TT-BTC;
(4) Xăng, dầu cung ứng cho tàu bay xuất cảnh theo quy định tại Điều 93 Thông tư 38/2015/TT-BTC được sửa đổi bởi khoản 60 Điều 1 Thông tư 39/2018/TT-BTC;
(5) Các trường hợp hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ thực hiện việc giao nhận hàng hóa nhiều lần trong ngày hoặc trong tháng theo quy định tại Điều 86 Thông tư 38/2015/TT-BTC được sửa đổi bởi khoản 58 Điều 1 Thông tư 39/2018/TT-BTC.
- Những tài liệu kế toán nào phải lưu trữ tối thiểu 5 năm?
- Kinh doanh dịch vụ khách sạn có được gia hạn nộp thuế GTGT kỳ tháng 5 không?
- Những tài liệu kế toán nào phải được lưu trữ vĩnh viễn? Tài liệu kế toán được lưu trữ tại đâu?
- Hướng dẫn xác định số lệ phí môn bài phải nộp mới nhất năm 2025?
- Ngày 19/11 là ngày gì? Ngày 19/11 là ngày thứ mấy? Được tặng cho ô tô vào ngày 19/11 có phải nộp thuế thu nhập cá nhân không?
- Chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt thì có được khấu trừ thuế GTGT đầu vào không?
- Cá nhân kinh doanh nộp thuế theo từng lần phát sinh đến đâu để nộp hồ sơ khai thuế?
- Nhập khẩu rượu từ nước ngoài vào Việt Nam, người nhập khẩu phải chịu các loại thuế nào?
- Cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán có được sử dụng hóa đơn điện tử?
- Chứng từ điện tử được coi là chứng từ kế toán khi nào?