Có mấy loại chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt?

Có phải từ năm 2025, đối với hàng hóa dưới 20 triệu đồng thì để được khấu trừ thuế GTGT đầu vào bắt buộc phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt đúng không?

Có mấy loại chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt?

Theo khoản 10 Điều 1 Thông tư 26/2015/TT-BTC (sửa đổi bởi Thông tư 173/2016/TT-BTC) quy định thì chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt gồm có 02 loại đó là:

- Chứng từ thanh toán qua ngân hàng: được hiểu là có chứng từ chứng minh việc chuyển tiền từ tài khoản của bên mua sang tài khoản của bên bán mở tại các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán theo các hình thức thanh toán phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành.

Một số hình thức thanh toán có thể kể đến như: séc, ủy nhiệm chi hoặc lệnh chi, ủy nhiệm thu, nhờ thu, thẻ ngân hàng, thẻ tín dụng, sim điện thoại (ví điện tử) và các hình thức thanh toán khác theo quy định (bao gồm cả trường hợp bên mua thanh toán từ tài khoản của bên mua sang tài khoản bên bán mang tên chủ doanh nghiệp tư nhân hoặc bên mua thanh toán từ tài khoản của bên mua mang tên chủ doanh nghiệp tư nhân sang tài khoản bên bán).

- Chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt khác, gồm một số trường hợp thanh toán như:

+ Trường hợp hàng hóa, dịch vụ mua vào theo phương thức thanh toán bù trừ giữa giá trị hàng hóa, dịch vụ mua vào với giá trị hàng hóa, dịch vụ bán ra, vay mượn hàng mà phương thức thanh toán này được quy định cụ thể trong hợp đồng thì phải có biên bản đối chiếu số liệu và xác nhận giữa hai bên về việc thanh toán bù trừ giữa hàng hóa, dịch vụ mua vào với hàng hóa, dịch vụ bán ra, vay mượn hàng. Trường hợp bù trừ công nợ qua bên thứ ba phải có biên bản bù trừ công nợ của ba (3) bên làm căn cứ khấu trừ thuế.

+ Trường hợp hàng hóa, dịch vụ mua vào theo phương thức bù trừ công nợ như vay, mượn tiền; cấn trừ công nợ qua người thứ ba mà phương thức thanh toán này được quy định cụ thể trong hợp đồng thì phải có hợp đồng vay, mượn tiền dưới hình thức văn bản được lập trước đó và có chứng từ chuyển tiền từ tài khoản của bên cho vay sang tài khoản của bên đi vay đối với khoản vay bằng tiền bao gồm cả trường hợp bù trừ giữa giá trị hàng hóa, dịch vụ mua vào với khoản tiền mà người bán hỗ trợ cho người mua, hoặc nhờ người mua chi hộ....

 Phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt đối với hàng hóa dưới 20 triệu để khấu trừ thuế GTGT đầu vào từ 2025?

Phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt đối với hàng hóa dưới 20 triệu để khấu trừ thuế GTGT đầu vào từ 2025? (Hình từ Internet)

Phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt mới được khấu trừ thuế GTGT năm 2025 đúng không?

Hiện hành, tại điểm b khoản 2 Điều 12 Luật Thuế giá trị gia tăng 2008 (sửa đổi, bổ sung bởi khoản 6 Điều 1 Luật thuế giá trị gia tăng sửa đổi năm 2013) quy định như sau:

Khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào
...
2. Điều kiện khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào được quy định như sau:
a) Có hoá đơn giá trị gia tăng mua hàng hoá, dịch vụ hoặc chứng từ nộp thuế giá trị gia tăng ở khâu nhập khẩu;
b) Có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt đối với hàng hóa, dịch vụ mua vào, trừ hàng hoá, dịch vụ mua từng lần có giá trị dưới hai mươi triệu đồng;
c) Đối với hàng hoá, dịch vụ xuất khẩu, ngoài các điều kiện quy định tại điểm a và điểm b khoản này còn phải có: hợp đồng ký kết với bên nước ngoài về việc bán, gia công hàng hoá, cung ứng dịch vụ; hoá đơn bán hàng hoá, dịch vụ; chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt; tờ khai hải quan đối với hàng hoá xuất khẩu.
Việc thanh toán tiền hàng hoá, dịch vụ xuất khẩu dưới hình thức thanh toán bù trừ giữa hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu với hàng hóa, dịch vụ nhập khẩu, trả nợ thay Nhà nước được coi là thanh toán không dùng tiền mặt.

Còn tại khoản 2 Điều 14 Luật Thuế giá trị gia tăng 2024 quy định điều kiện khấu trừ thuế GTGT đầu vào như sau:

- Có hóa đơn giá trị gia tăng mua hàng hóa, dịch vụ hoặc chứng từ nộp thuế giá trị gia tăng ở khâu nhập khẩu hoặc chứng từ nộp thuế giá trị gia tăng thay cho phía nước ngoài quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 4 Luật Thuế giá trị gia tăng 2024. Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định chứng từ nộp thuế giá trị gia tăng thay cho phía nước ngoài;

- Có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt đối với hàng hóa, dịch vụ mua vào, trừ một số trường hợp đặc thù theo quy định của Chính phủ;

- Đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu, ngoài các điều kiện quy định nêu trên còn phải có:

+ Hợp đồng ký kết với bên nước ngoài về việc bán, gia công hàng hóa, cung cấp dịch vụ;

+ Hóa đơn bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ; chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt; tờ khai hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu;

+ Phiếu đóng gói, vận đơn, chứng từ bảo hiểm hàng hóa (nếu có).

Chính phủ quy định về điều kiện khấu trừ đối với trường hợp xuất khẩu hàng hóa qua sàn thương mại điện tử ở nước ngoài và một số trường hợp đặc thù khác.

Theo đó, quy định hiện hành không bắt buộc phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt đối với hàng hóa dưới 20 triệu đồng. Tuy nhiên, theo Luật Thuế giá trị gia tăng 2024 thì trừ một số trường hợp đặc thù, hàng hóa dịch vụ mua vào để được khấu trừ thuế GTGT đầu vào đều phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền, kể cả là hàng hóa dưới 20 triệu đồng.

Căn cứ Điều 18 Luật Thuế giá trị gia tăng 2024 quy định về hiệu lực thi hành quy định về hiệu lực thi hành của Luật này như sau:

Hiệu lực thi hành
1. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2025, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.
...

Như vậy, xét các quy định nêu trên thì từ ngày 01/7/2025 mới bắt buộc phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt đối với hàng hóa dưới 20 triệu để khấu trừ thuế GTGT đầu vào.

Chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt
Căn cứ pháp lý
MỚI NHẤT
Pháp luật
Có mấy loại chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt?
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch