BỘ TÀI CHÍNH
TỔNG CỤC HẢI QUAN
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 905/TCHQ-TXNK
V/v kiểm tra trị giá hải quan
|
Hà Nội, ngày 17
tháng 02 năm 2017
|
Kính gửi: Các
Cục Hải quan tỉnh, thành phố.
Để thực hiện thống nhất, đúng các quy định về công
tác kiểm tra, xác định dấu hiệu nghi vấn, tham vấn, kiểm tra sau thông quan,
xác định trị giá tại Nghị định 08/2015/NĐ-CP ngày 21/01/2015 của Chính phủ,
Thông tư số 39/2015/TT-BTC ngày 25/03/2015 của Bộ Tài chính, Thông tư số
38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính, công văn số 16875/BTC-PC ngày
25/11/2016, công văn số 17568/BTC-TCHQ ngày 12/2/2016 của Bộ Tài chính và các
văn bản hướng dẫn, Tổng cục Hải quan hướng dẫn thực hiện như sau:
I. Công tác kiểm tra, xác định trị giá:
1. Khi làm thủ tục hải quan, công
chức hải quan phải kiểm tra chi tiết tên hàng và các yếu tố liên quan ảnh hưởng
đến trị giá hải quan theo quy định tại điểm a Khoản 1 Điều
55 Quy trình 1966/QĐ-TCHQ ngày 10/7/2015 của Tổng cục
Hải quan. Trong đó lưu ý tên hàng phải chi tiết ký mã hiệu, nhãn hiệu, xuất xứ
hàng hóa; đơn vị tính phải định lượng rõ ràng theo đơn vị đo lường phù hợp với
tính chất hàng hóa (như: m, kg...), ví dụ một số mặt hàng đã được chuẩn hóa tên
hàng tại Phụ lục 3 đính kèm. Trường hợp kiểm tra nếu không đáp ứng các điều kiện
thì bác bỏ trị giá khai báo theo quy định tại điểm b Khoản 1
Điều 55 Quy trình số 1966/QĐ-TCHQ.
2. Thực hiện xác định dấu hiệu
nghi vấn trong quá trình kiểm tra trị giá tại khâu thông quan đối với các lô
hàng theo đúng quy định tại Khoản 2 điều 55 Quyết định số 1966/QĐ-TCHQ, không chỉ dựa vào mức giá tham chiếu tại Danh mục hàng hóa
xuất khẩu, nhập khẩu rủi ro về trị giá, trong đó cần chú ý mở rộng khái niệm
hàng hóa giống hệt, tương tự; hàng hóa có mức giá khai báo thấp hơn linh kiện đồng
bộ, nguyên vật liệu chính cấu thành hoặc thấp hơn chi phí vận chuyển...
3. Thực hiện tham vấn trong thời gian 30 ngày kể từ ngày đăng ký tờ
khai hải quan đối với các lô hàng có dấu hiệu nghi vấn về trị giá thuộc Phụ lục
1 kèm theo công văn này hoặc các lô hàng có dấu hiệu nghi vấn về trị giá do
doanh nghiệp lựa chọn tham vấn. Bác bỏ trị giá khai báo trên cơ sở đối chiếu 04
điều kiện xác định trị giá giao dịch quy
định tại khoản 3 Điều 6 Thông tư số 39/2015/TT-BTC, các căn cứ bác bỏ trị giá khai báo quy định tại khoản 1, khoản 3 Điều 25 Thông tư số 38/2015/TT-BTC, các quy định về ấn định thuế tại khoản
1 Điều 39 Luật Quản lý thuế với hồ sơ, mức
giá khai báo, thông tin do Doanh nghiệp cung cấp, giải trình tại thời điểm tham
vấn. Sau khi bác bỏ trị giá khai báo, yêu cầu Doanh nghiệp khai bổ sung trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày cơ quan hải
quan thông báo. Trường hợp cơ quan hải
quan có đủ cơ sở bác bỏ trị giá khai báo nhưng doanh nghiệp không đồng ý hoặc
doanh nghiệp đồng ý với cơ sở bác bỏ trị giá khai báo nhưng không khai bổ sung
trong thời hạn nêu trên hoặc người đại diện có thẩm
quyền của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật không đến tham vấn
đúng thời hạn hoặc người đến tham vấn không phải là đại diện có thẩm quyền của
doanh nghiệp theo quy định của Pháp luật mà không có giấy ủy quyền thì thực hiện
ấn định thuế theo quy định tại khoản 1 Điều 39 Luật Quản lý
thuế, không thực hiện chuyển kiểm tra
sau thông quan theo quy định tại điểm g.2 khoản 3 Điều 25
Thông tư số 38/2015/TT-BTC.
Khi tham vấn cần tập trung làm rõ dấu hiệu nghi vấn
về mức giá, các yếu tố ảnh hưởng trị giá khai báo, cơ sở dữ liệu có sẵn và các
nguồn thông tin thu thập được sau khi đã được kiểm chứng mức độ tin cậy và quy
đổi để bác bỏ trị giá khai báo do không đủ điều kiện để áp dụng trị giá giao dịch
quy định tại khoản 3 Điều 6 Thông tư số 39/2015/TT-BTC hoặc
không giải trình, chứng minh được sự bất hợp lý
quy định tại khoản 1 Điều 39 Luật Quản lý thuế, không chỉ dựa
vào dấu hiệu mâu thuẫn hoặc không mâu thuẫn hồ sơ để bác bỏ hoặc chấp nhận trị
giá khai báo quy định tại khoản 1, khoản 3 Điều 25 Thông tư số
38/2015/TT-BTC. Chấm dứt tình trạng chấp nhận trị giá khai báo thấp hơn cơ
sở dữ liệu giá do hồ sơ hợp lệ mà không chú trọng đến sự bất hợp lý của mức giá.
4. Hướng dẫn Doanh nghiệp sử dụng kết quả tham vấn
một lần để áp dụng cho các lần xuất khẩu hoặc nhập khẩu tiếp theo (quy định tại
điểm b khoản 3 Điều 25 Thông tư số 38/2015/TT-BTC) nếu đáp ứng
đầy đủ các điều kiện: Hàng hóa xuất khẩu,
nhập khẩu cùng hợp đồng mua bán, được xuất
khẩu hoặc nhập khẩu theo nhiều chuyến khác nhau; Thông tin, dữ liệu để kiểm
tra, xác định trị giá hải quan không thay đổi; Người khai hải quan có văn bản đề
nghị tham vấn một lần, trong đó nêu rõ cam kết sử dụng kết quả tham vấn cho các
lần xuất khẩu hoặc nhập khẩu tiếp theo.
5. Thực hiện kiểm tra sau thông quan toàn bộ các lô
hàng có dấu hiệu nghi vấn về trị giá (thuộc
Phụ lục 2 kèm theo công văn này) trong thời
hạn 30 ngày hoặc trong thời hạn 60 ngày (các lô hàng không thuộc Phụ lục 2 công
văn này) kể từ ngày thông quan nếu doanh nghiệp không lựa chọn tham vấn theo
đúng quy định tại Điều 142 Thông tư số 38/2015/TT-BTC. Bác
bỏ trị giá khai báo, xác định trị giá tính thuế đối với các lô hàng có dấu hiệu
nghi vấn trong quá trình kiểm tra sau thông quan trên cơ sở đối chiếu 04 điều kiện được xác định trị giá giao dịch quy định
tại khoản 3 Điều 6 Thông tư số 39/2015/TT-BTC, các căn cứ
bác bỏ trị giá khai báo tại điểm b khoản 4 Điều 142 Thông tư
38/2015/TT-BTC, các quy định về ấn định thuế tại khoản 1 Điều
39 Luật Quản lý thuế với hồ sơ, mức giá khai báo, thông tin do doanh nghiệp
cung cấp, giải trình tại thời điểm kiểm
tra. Chấm dứt tình trạng chấp nhận trị giá khai báo thấp hơn cơ sở dữ liệu giá
do hồ sơ hợp lệ mà không chú trọng đến sự bất hợp lý của mức giá hoặc quá thời
hạn 30 ngày hoặc 60 ngày kể từ ngày thông quan nhưng chưa thực hiện kiểm tra
sau thông quan về trị giá.
6. Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu rủi ro về
trị giá (sau đây viết tắt là Danh mục) chỉ được sử dụng để:
- Xác định dấu hiệu nghi vấn ban đầu, làm cơ sở để
thực hiện tham vấn hoặc kiểm tra sau thông quan.
- Phân loại, đánh giá mức độ tin cậy của các thông
tin dữ liệu có sẵn tại hệ thống GTT02 và các thông tin thu thập được sau khi
quy đổi.
Không sử dụng mức giá tại Danh mục để bác bỏ trị
giá khai báo hoặc xác định trị giá tính thuế.
7. Khi xác định trị giá tính thuế, phải thu thập đầy
đủ các nguồn thông tin theo từng phương pháp xác định trị giá, phân tích, đánh
giá mức độ tin cậy của các nguồn thông tin trên hệ thống GTT02 và các nguồn
thông tin thu thập được sau khi quy đổi về trị giá tính thuế theo Quyết định
2344/QĐ-TCHQ ngày 07/8/2015 của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan. Chỉ sử dụng
các nguồn thông tin sau khi đã được kiểm chứng có mức độ tin cậy để xác định trị
giá, không sử dụng để xác định trị giá các nguồn thông tin còn đang nghi vấn,
chưa xử lý, kiểm chứng hoặc mức giá tham chiếu tại Danh mục hàng hóa xuất khẩu/nhập
khẩu rủi ro về trị giá.
II. Công tác kiểm tra, xác định trị giá đối với
một số trường hợp:
1. Kiểm tra trị giá các lô hàng nhập khẩu đối với
doanh nghiệp thuộc hạng 6 hoặc hạng 7, doanh nghiệp chưa được xếp hạng doanh
nghiệp tại Hệ thống Quản lý rủi ro:
Thực hiện tham vấn, bác bỏ trị giá khai báo, xác định
trị giá đối với trường hợp doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa có mức giá khai báo
thấp hơn cơ sở dữ liệu giá thuộc hạng 6 hoặc hạng 7, doanh nghiệp chưa được xếp
hạng doanh nghiệp tại Hệ thống thông tin quản lý rủi ro như hướng dẫn tại điểm
3, điểm 4, điểm 6, điểm 7 mục I công văn này.
2. Xác định trị giá đối với hàng hóa là xe ô tô nhập
khẩu:
Đối với hàng hóa là xe ô tô nhập khẩu, trường hợp
cơ quan hải quan bác bỏ trị giá khai báo hoặc xe ô tô nhập khẩu không có hợp đồng
mua bán hoặc không có hóa đơn thương mại có mức giá khai báo không phù hợp thì căn cứ kết quả kiểm tra chi tiết hồ
sơ, kết quả kiểm tra thực tế hàng hóa để xác định trị giá hải quan theo nguyên
tắc và phương pháp xác định trị giá hải quan quy định tại Thông tư số
39/2015/TT-BTC, không chờ đến khi có kết quả đăng kiểm mới thực hiện xác định
trị giá. Khi có kết quả đăng kiểm, thực
hiện đối chiếu và xác định lại trị giá nếu có sự khác biệt giữa kết quả kiểm tra và kết quả đăng kiểm.
3. Cơ quan hải quan thực hiện xác định trị giá
trong thông quan đối với các trường hợp nhập khẩu
không có hợp đồng mua bán hoặc không có hóa đơn thương mại nhưng có mức giá
khai báo không phù hợp theo đúng thẩm quyền xác định trị giá quy định tại khoản 3 Điều 3 và khoản 5 Điều 17 Thông tư số 39/2015/TT-BTC
không thực hiện tham vấn hoặc kiểm tra sau thông quan.
III. Thu thập các nguồn thông tin:
Việc thu thập thông tin để tham vấn, kiểm tra sau
thông quan, bác bỏ trị giá khai báo, hướng dẫn doanh nghiệp khai báo bổ sung,
cơ quan hải quan xác định trị giá được thực hiện theo quy định tại Nghị định
08/2015/NĐ-CP, Thông tư 38/2015/TT-BTC, Thông tư 39/2015/TT-BTC, Quyết định
2344/QĐ-TCHQ, Quyết định số 1966/QĐ-TCHQ và hướng dẫn tại mục 1 dưới đây.
1. Nguồn thông tin thu thập,
phương pháp quy đổi đối với các mặt hàng nhập khẩu:
1.1. Nguồn thông tin thu thập được sử dụng theo
trình tự như sau:
a) Nguồn thông tin về trị giá giao dịch của hàng
hóa giống hệt, tương tự do doanh nghiệp khai báo không thuộc các trường hợp
nghi vấn theo quy định tại điểm b khoản 2 điều 55 Quyết định
1966/QĐ-TCHQ.
b) Nguồn thông tin về trị giá của hàng hóa giống hệt,
tương tự do cơ quan hải quan xác định trị giá hoặc do doanh nghiệp khai báo bổ sung theo yêu cầu của cơ quan hải quan không
thuộc các trường hợp nghi vấn theo quy định
điểm b khoản 2 điều 55 Quyết định 1966/QĐ-TCHQ.
Trường hợp
không có hàng hóa giống hệt, tương tự thì mở rộng khái niệm hàng hóa giống hệt
tương tự theo quy định tại điểm b khoản 2 điều 55 Quyết định
1966/QĐ-TCHQ đối với nguồn thông tin tại tiết a, tiết b nêu trên.
c) Nguồn thông tin từ giá xuất khẩu của hàng hóa giống
hệt, tương tự với hàng hóa nhập khẩu được chào bán trên mạng internet từ những
trang thông tin điện tử chính hãng hoặc có liên kết với trang thông tin điện tử chính hãng, giá giao dịch trên thị
trường thế giới (có cùng xuất xứ). Khi thu thập thông tin từ nguồn này, cần ưu
tiên lấy các mức giá theo trình tự sau:
- Giá Invoice Delear là giá bán ghi trên hóa đơn của
người bán.
- Trường hợp không có giá Invoice Delear chỉ có giá
bán lẻ thì thực hiện quy đổi giá bán lẻ về giá bán buôn.
d) Thông tin giá bán thị trường nội địa của hàng
hóa nhập khẩu tại các hãng chào bán (có cùng xuất xứ) bằng cách khảo sát thị
trường (trực tiếp hoặc trên các trang Web nội địa).
e) Nguồn thông tin từ các tổ chức nước ngoài, Hải
quan các nước, các Bộ, ngành, Hiệp hội, cá nhân;
g) Nguồn thông tin khác (nếu có).
1.2. Phương pháp quy đổi và kiểm chứng thông tin:
a) Đối với nguồn thông tin nêu tại tiết a, tiết b
điểm 1.1: Cần kiểm tra các điều kiện mua bán về số lượng, cấp độ thương mại,
phương thức vận chuyển,... nếu có căn cứ xác định có sự khác biệt so với lô
hàng đang kiểm tra, xác định trị giá thì thực hiện quy đổi.
b) Đối với nguồn thông tin nêu tại tiết c điểm 1.1:
Khi quy đổi về giá nhập khẩu thì chỉ được
trừ khoản thuế tại nước xuất khẩu khi trong giá xuất khẩu của hàng hóa giống hệt,
tương tự có ghi rõ từng khoản thuế của nước xuất khẩu. Trường hợp giá chào bán
tại nước xuất khẩu không thể hiện cụ thể
các khoản thuế của nước xuất khẩu thì không được trừ như quy định tại điểm b.2.6 khoản 1 Điều 5 Quyết định số 2344/QĐ-TCHQ.
c) Đối với nguồn thông tin nêu tại tiết d điểm 1.1:
Khi quy đổi về giá nhập khẩu thì cần kiểm tra tính xác thực của các thông tin
giá bán thị trường nội địa của hàng hóa nhập khẩu
thu thập được tại các trang mạng thông qua khảo sát giá bán độc lập trên thị
trường nội địa hoặc so sánh mức giá từ 02 mạng khác nhau.
d) Đối với nguồn thông tin nêu tại tiết e, tiết g
điểm 1.1: Cần kiểm tra tính xác thực, nguồn gốc của nguồn thông tin thu thập được
và thực hiện quy đổi về giá nhập khẩu.
2. Đối với mặt hàng xe ô tô nhập khẩu:
Nguồn thông tin thu thập và Phương pháp quy đổi, kiểm
chứng thông tin được thực hiện theo đúng hướng dẫn nêu tại điểm 1 mục III nêu
trên, trong đó:
a) Nguồn thông tin từ giá xuất khẩu của hàng hóa giống
hệt, tương tự với hàng hóa nhập khẩu được chào bán trên mạng internet từ những
trang thông tin điện tử chính hãng hoặc có liên kết với trang thông tin điện tử
chính hãng, giá giao dịch trên thị trường thế giới (có cùng xuất xứ). Ví dụ: mặt
hàng xe audi tra cứu địa chỉ: http://audi.de. Trường
hợp không có trang mạng chính hãng thì thực hiện tra cứu các trang thông
tin khác như: http://msn.com; http://truecar.com; http://cars.com... Khi thu thập
thông tin từ nguồn này, cần ưu tiên lấy các mức giá theo trình tự sau:
- Giá Invoice Delear là giá bán ghi trên hóa đơn của
người bán.
- Giá MSRP là giá bán lẻ đề xuất của nhà sản xuất,
quy đổi về giá bán buôn.
- Giá xuất xưởng tại nhà máy.
b) Nguồn thông tin từ giá bán thị trường nội địa của
hàng hóa nhập khẩu tại mạng chính hãng chào bán (có cùng xuất xứ). Ví dụ: mặt
hàng xe toyota tra cứu địa chỉ trang chính hãng www.toyota.com.vn). Trường hợp không có trang mạng chính hãng thì
thực hiện tra cứu các trang thông tin khác như: http://banxehoi.com;
http://xehoigiatot.vn; http://giaxeoto.vn; http://bonbanh.com:...
Đối với nguồn thông tin từ giá thị trường nội địa:
cần kiểm tra tính xác thực của các thông tin giá bán thị trường nội địa của hàng hóa nhập khẩu thu thập được
tại các trang mạng thông qua khảo sát giá bán độc lập trên thị trường nội địa
hoặc so sánh mức giá từ 02 mạng khác nhau. Qua thực tế cho thấy việc áp dụng tỷ
lệ khấu trừ khác nhau sẽ ảnh hưởng lớn đến trị giá tính thuế. Do vậy, khi tính
toán quy đổi từ giá bán thị trường nội địa về giá nhập khẩu, chi phí chung và lợi
nhuận được phép khấu trừ như sau:
- Đối với các loại xe có giá bán từ 1 tỷ đồng trở
xuống: khấu trừ không quá 15% giá bán.
- Đối với các loại xe có giá bán trên 1 tỷ đồng đến
3 tỷ đồng: Khấu trừ không quá 10% giá bán.
- Đối với các loại xe có giá bán trên 3 tỷ đồng đến
5 tỷ đồng: Khấu trừ không quá 5% giá bán.
- Đối với các loại xe có giá bán trên 5 tỷ đồng: Khấu
trừ không quá 3% giá bán.
Trường hợp
doanh nghiệp xuất trình khoản chi phí chung và lợi nhuận được hạch toán vào chi
phí, có xác nhận của cơ quan thuế nội địa thì được khấu trừ theo tỷ lệ thực tế.
IV. Công tác cập nhật kết quả trên hệ thống
GTT02:
1. Cập nhật kết quả kiểm tra giá trị giá:
Công chức lựa chọn các nội dung sau:
a) Chọn “không nghi vấn” đối với trường hợp không
có nghi vấn về về mức giá khai báo tại chức năng 1.04;
b) Chọn “có nghi vấn - chuyển Cục tham vấn”/ “có
nghi vấn - chuyển Chi cục tham vấn” đối với trường
hợp có nghi vấn về mức giá khai báo và thuộc đối tượng tham vấn tại chức
năng 1.04;
c) Chọn “có nghi vấn - chuyển kiểm tra STQ” đối với
trường hợp có nghi vấn về về mức giá khai báo và thuộc đối tượng Kiểm tra sau
thông quan tại chức năng 1.04;
d) Trường hợp xác định trị giá theo quy định tại khoản 3 Điều 3 và khoản 5 Điều 17 Thông tư 39/2015/TT-BTC của
Bộ Tài chính thì cập nhật phương pháp xác định trị giá, mức giá xác định tại chức
năng 1.04.
Trường hợp cập
nhật hoàn thành kiểm tra trị giá với nhiều tờ khai thì thực hiện tại chức năng
1.12.
2. Cập nhật kết quả tham vấn:
Tại chức năng 1.05 “cập nhật kết quả tham vấn, công
chức cập nhật đầy đủ các nội dung như: số Biên bản tham vấn, ngày tham vấn. Tại
kết quả tham vấn, lựa chọn các nội dung:
a) Chọn “chấp nhận trị giá khai báo” đối với trường
hợp chấp nhận trị giá khai báo;
b) Chọn “Bác bỏ trị giá khai báo, Doanh nghiệp đồng
ý” đối với trường hợp người khai hải quan
đồng ý với cơ sở bác bỏ trị giá khai báo và khai bổ sung, ghi rõ về kết quả
tham vấn (bao gồm: cơ sở bác bỏ, phương pháp và mức giá dự kiến tại Biên bản
tham vấn). Khi Doanh nghiệp khai báo bổ sung, công chức kiểm tra nội dung khai báo, mức giá khai báo với Biên bản tham vấn
để cập nhật tờ khai bổ sung theo đúng quy
định.
* Lưu ý: Đối với các trường hợp ấn định thuế
sau tham vấn. Trong thời gian chưa nâng cấp hệ thống GTT02, thực hiện theo hướng
dẫn như sau:
- Tại chức năng 1.04: Cập nhật trạng thái nghi vấn
(có nghi vấn - chuyển kiểm tra sau thông quan). Phần ghi chú ghi rõ: “thực hiện
ấn định thuế trong thông quan”.
- Tại chức năng 1.07 (kiểm tra tại trụ sở cơ quan hải
quan): Cập nhật kết quả xác định trị giá (ghi rõ số, ngày Quyết định ấn định
thuế). Phần ghi chú ghi rõ: “thực hiện ấn định thuế trong thông quan”.
3. Cập nhật kết quả Kiểm tra sau thông quan:
(Bao gồm kiểm tra tại trụ sở cơ quan hải quan và trụ sở doanh nghiệp)
Tại chức năng 1.07 “Cập nhật kết quả kiểm tra sau
thông quan”, công chức ghi ngày kiểm tra,
số Quyết định kiểm tra, đơn vị kiểm tra
sau thông quan, hình thức kiểm tra. Tại nội
dung kết quả kiểm tra, lựa chọn các nội dung:
a) Chọn “Chấp nhận trị giá khai báo” đối với trường
hợp chấp nhận trị giá khai báo;
b) Chọn “Xác định giá”, đồng thời cập nhật phương
pháp, mức giá xác định đối với trường hợp cơ quan xác định trị giá.
c) Tại “Nội dung khác” cập nhật các nội dung: Kết luận
Kiểm tra sau thông quan, bao gồm cơ sở bác bỏ trị giá khai báo, kết luận kiểm
tra sau thông quan.
4. Cập nhật kết quả thanh tra, kiểm tra:
Tại chức năng 1.08 “Cập nhật kết quả thanh tra, kiểm
tra”, công chức ghi ngày, số Quyết định thanh tra, kiểm tra. Tại nội dung kết
quả thanh tra, lựa chọn các nội dung sau:
a) Chọn “chấp nhận trị giá khai báo” đối với trường hợp chấp nhận trị giá khai báo;
b) Chọn “Xác định giá”, đồng thời cập nhật phương
pháp, mức giá xác định đối với trường hợp cơ quan xác định trị giá.
c) Tại “nội dung khác” cập nhật các nội dung: Kết
luận thanh tra kiểm tra, bao gồm: cơ sở
bác bỏ trị giá khai báo, kết luận thanh
tra, kiểm tra liên quan đến trị giá hải
quan, số Quyết định ấn định thuế,..;
5. Cập nhật kết quả giải quyết khiếu nại:
Tại chức năng 1.09 “Cập nhật kết quả giải quyết khiếu
nại”, công chức ghi ngày, số Quyết định giải quyết khiếu nại về trị giá, số lần
giải quyết khiếu nại. Tại nội dung kết quả giải quyết khiếu nại, lựa chọn các nội
dung sau:
a) Chọn “chấp nhận trị giá khai báo” đối với trường
hợp chấp nhận trị giá khai báo;
b) Chọn “Xác định giá”, đồng thời cập nhật phương
pháp, mức giá xác định đối với trường hợp cơ quan xác định trị giá.
c) Tại “nội dung khác” cập nhật các nội dung: Kết
quả giải quyết khiếu nại bao gồm: cơ sở giải quyết khiếu nại..;
* Lưu ý: Thời gian cập nhật nêu tại điểm 1,
2, 3, 4, 5 nêu trên thực hiện theo đúng hướng dẫn tại Quyết định số
2344/QĐ-TCHQ.
V. Về việc cung cấp thông tin để đề xuất xây dựng,
sửa đổi, bổ sung Danh mục:
1. Cục trưởng các Cục Hải quan tỉnh, thành phố,
Cục trưởng Cục Kiểm tra sau thông quan đề xuất
thông tin xây dựng, sửa đổi, bổ sung Danh
mục như sau:
a) Trong quá trình kiểm tra trị giá, thực hiện tham
vấn, kiểm tra sau thông quan, xác định trị giá, giải quyết khiếu nại của Doanh
nghiệp theo quy định, nếu có đủ cơ sở, căn cứ để xác định mức giá tham chiếu tại
Danh mục bất hợp lý (quá cao hoặc quá thấp trong phạm vi tăng giảm từ trên 10%
so với giá tham chiếu tại Danh mục) hoặc chưa có mức giá tham chiếu tại Danh mục
nhưng thỏa mãn các tiêu chí xây dựng Danh mục quy định tại Điều
24 Thông tư số 39/2015/TT-BTC, Cục trưởng Cục Hải quan các tỉnh, thành phố,
Cục trưởng Cục Kiểm tra sau thông quan phải đề xuất bổ sung, sửa đổi kịp thời mức giá tham chiếu gửi về Tổng Cục Hải
quan (Cục Thuế XNK) trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày phát sinh vụ việc
theo Mẫu số 1 đính kèm (đối với trường hợp bổ sung), Mẫu số 2 đính kèm (đối với
trường hợp sửa đổi) và chịu trách nhiệm về tính xác thực của các thông tin thu
thập và mức giá đề xuất sửa đổi, bổ sung.
b) Báo cáo đề xuất sửa đổi, bổ sung mức giá tham
chiếu tại Danh mục phải đảm bảo các yêu cầu sau:
- Điền đầy đủ, chi tiết, chính xác tên hàng và các
tiêu chí khác theo quy định tại Mẫu số 1 (đối với trường hợp bổ sung) hoặc Mẫu
số 2 (đối với trường hợp sửa đổi). Trong đó tên hàng phải phản ánh đầy đủ chi
tiết ký mã hiệu, nhãn hiệu thành phần, chủng loại, cấu tạo, công dụng, tính
năng, ...đáp ứng yêu cầu về xác định các yếu tố ảnh hưởng, liên quan đến xác định
trị giá; Đơn vị tính phải được định lượng rõ ràng theo đơn vị đo lường, trường
hợp không định lượng được rõ ràng (ví dụ: thùng, chai... thì phải quy đổi thùng
có bao nhiêu hộp, mỗi hộp có bao nhiêu kg, mỗi chai có bao nhiêu ml...). Trường hợp đề xuất bổ sung, sửa đổi mức giá
tham chiếu đối với những mặt hàng thuộc Phụ lục 3 công văn này thì tên hàng phải
chi tiết theo đúng hướng dẫn tại Phụ lục này.
- Mức giá đề xuất
sửa đổi, bổ sung phải được thu thập từ
các nguồn thông tin có độ tin cậy cao, có căn cứ, cơ sở rõ ràng; Mỗi mức giá đề
xuất phải dẫn chiếu được thông tin trong và ngoài ngành hải quan (ít nhất hai
nguồn thông tin trở lên, trừ nguồn thông tin theo khai báo), các nguồn thông
tin thu thập theo trình tự như sau:
+ Nguồn thông tin do doanh nghiệp khai báo;
+ Nguồn thông tin do cơ quan hải quan xác định trị
giá hoặc do doanh nghiệp khai báo bổ sung theo yêu cầu của cơ quan hải quan;
+ Nguồn thông tin từ nước xuất khẩu;
+ Nguồn thông tin từ giá bán thị trường nội địa;
+ Nguồn thông tin từ các tổ chức nước ngoài, Hải
quan các nước, các Bộ, ngành, Hiệp hội, cá nhân;
+ Nguồn thông tin khác (nếu có).
Trong đó nguồn thông tin từ nước xuất khẩu, nguồn
thông tin từ giá bán thị trường nội địa sau khi thu thập được quy đổi về giá nhập
khẩu theo đúng hướng dẫn tại mục III công văn này.
- Kèm theo chứng từ, tài liệu có liên quan đến mức
giá đề xuất sửa đổi, bổ sung (đóng dấu giáp lai của Cục) và thuyết minh mức giá
tham chiếu tại Danh mục bất hợp lý, mức
giá đề xuất bổ sung, sửa đổi.
c) Gửi báo cáo đề xuất kèm theo các chứng từ, tài
liệu liên quan bằng văn bản về Tổng cục Hải quan (Cục Thuế XNK), đồng thời gửi
hòm thư điện tử [email protected] để phản ánh kịp thời.
d) Định kỳ hàng tháng (ngày cuối cùng của tháng), tập hợp tất cả những mặt hàng đã đề xuất bổ
sung, sửa đổi trong tháng theo Mẫu số 02/DMBS/2015 (đối với đề xuất bổ sung), Mẫu
số 03/DMSĐ/2015 (đối với đề xuất sửa đổi) Phụ lục II Thông tư số 39/2015/TT-BTC
gửi về Tổng cục Hải quan (Cục Thuế XNK).
e) Thiết lập hòm thư điện tử và phân công đầu mối
theo dõi để bổ sung thông tin, nội dung giải trình khi Tổng cục yêu cầu trong
thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu bổ sung thông tin, tài
liệu (nếu có).
f) Được sử dụng mức giá đề xuất bổ sung Danh mục để
xác định dấu hiệu nghi vấn, thực hiện tham vấn, kiểm tra sau thông quan, xác định
trị giá, giải quyết khiếu nại trong thời gian Tổng cục Hải quan chưa ban hành bổ
sung mức giá tham chiếu. Mức giá đề xuất
sửa đổi Danh mục chỉ được áp dụng khi Tổng cục Hải quan ban hành mức giá sửa đổi
để đảm bảo sự thống nhất.
2. Cục Điều tra chống buôn lậu, Vụ Thanh tra Kiểm
tra, Cục Quản lý rủi ro:
a) Căn cứ chức năng nhiệm vụ cụ thể của các đơn vị,
khi có thông tin liên quan đến công tác kiểm tra, xác định trị giá, thông tin
điều tra xác minh, thông tin giải quyết khiếu nại của doanh nghiệp hoặc các đơn
vị có liên quan thì tổng hợp gửi về Cục
Thuế XNK trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày thu thập hoặc xử lý thông
tin kèm theo đề xuất, kiến nghị cụ thể.
b) Thông tin cung cấp phải rõ ràng, chính xác, đã
được kiểm chứng kèm theo các chứng từ, tài liệu có liên quan theo Mẫu số 3
(đính kèm) gửi về Cục Thuế XNK bằng văn bản, đồng thời gửi hòm thư điện tử
[email protected] để phản ánh kịp thời.
3. Cục Thuế XNK
a) Tiếp nhận, thẩm định báo cáo Mẫu số 1, Mẫu số 2,
Mẫu số 3 do các đơn vị gửi và xử lý như sau:
- Trả lại các đơn vị gửi đối với trường hợp báo cáo
đề xuất sửa đổi, bổ sung tại Mẫu số 1, Mẫu số 2, Mẫu số 3 không đầy đủ các nguồn
thông tin theo đúng hướng dẫn tại điểm b khoản 1 đối với mẫu số 1, mẫu số 2, điểm
2 đối với mẫu số 3 nêu trên hoặc đủ nguồn thông tin nhưng thiếu dữ liệu gửi kèm
trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông tin đề xuất bằng văn
bản.
- Yêu cầu các đơn vị gửi bổ sung, giải thích trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận
được yêu cầu đối với trường hợp cần giải
thích làm rõ thêm các thông tin.
- Trả lại các đơn vị gửi và yêu cầu làm rõ trách
nhiệm đối với trường hợp thông tin gửi
kèm theo báo cáo không chính xác, nội dung đề xuất sửa đổi, bổ sung không có cơ sở theo quy định tại điểm b
khoản 1 mục V nêu trên trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được
thông tin đề xuất bằng văn bản.
b) Thu thập, đánh giá, phân tích, tổng hợp các báo cáo sửa đổi, bổ sung và lấy ý
kiến các đơn vị có liên quan về việc ban hành Danh mục.
c) Tổng hợp
báo cáo Lãnh đạo Tổng cục ban hành quyết
định sửa đổi, bổ sung Danh mục.
d) Báo cáo đề xuất Tổng cục ban hành văn bản chấn
chỉnh những sai sót, tồn tại, bất cập trong công tác kiểm tra, xác định trị giá trên cơ sở các thông tin do các đơn vị
cung cấp.
VI. Xử lý trách nhiệm các cán bộ, lãnh đạo đơn vị
và các bộ phận liên quan như sau:
1. Đối với việc cung cấp thông tin và đề xuất xây dựng
sửa đổi, bổ sung Danh mục:
Quá thời hạn quy định nêu trên nhưng không thực hiện
cung cấp thông tin, không đề xuất bổ sung, sửa đổi Danh mục hoặc có cung cấp
thông tin, đề xuất bổ sung, sửa đổi Danh mục nhưng thông tin sai lệch, không
chính xác, đề xuất không đúng dẫn đến Tổng cục Hải quan không có thông tin kịp
thời để xây dựng, sửa đổi, bổ sung danh mục
làm ảnh hưởng đến công tác quản lý trị giá hải quan.
Các hành vi vi phạm nêu trên áp dụng hình thức kỷ
luật như sau: Từ khiển trách đến hạ bậc lương theo quy định tại tiết
1.1.2, điểm 1.1; tiết 1.2.2 điểm 1.2 và tiết 1.3.2, điểm 1.3, khoản 1 Điều 6
và tiết 1.1.3, điểm 1.1; tiết 1.2.3, điểm 1.2 và tiết 1.3.3, điểm
1.3, khoản 1 Điều 7 Quyết định số 2435/QĐ-TCHQ ngày 19/8/2015 của Tổng cục
trưởng Tổng cục Hải quan.
2. Đối với việc đánh dấu nghi vấn, tham vấn, kiểm
tra sau thông quan, xác định trị giá:
a) Không xác định dấu hiệu nghi vấn đối với dòng
hàng có mức giá khai báo thấp hơn mức giá tham chiếu của mặt hàng giống hệt,
tương tự tại Danh mục hàng hóa xuất khẩu/nhập khẩu rủi ro về trị giá và cơ sở dữ
liệu trị giá hải quan;
b) Chấp nhận trị giá khai báo sau tham vấn hoặc kiểm
tra sau thông quan đối với trường hợp đã
có đủ cơ sở bác bỏ trị giá khai báo;
c) Xác định trị giá không đúng các văn bản quy phạm
pháp luật và các văn bản hướng dẫn về xác trị giá hải quan;
Các hành vi vi phạm tại điểm a, b, c nêu trên áp dụng
hình thức kỷ luật như sau: Tùy thuộc vào mức độ vi phạm để áp dụng hình thức kỷ
luật từ khiển trách đến buộc thôi việc theo quy định tại Điều
6, 7, 8 Quyết định số 2435/QĐ-TCHQ. Ngoài việc bị xử lý kỷ luật thì còn phải
áp dụng hình thức xử lý khác (bồi thường, đánh giá, phân loại...) theo quy định
tại Điều 9 Quyết định số 2435/QĐ-TCHQ.
d) Không thực hiện kiểm tra sau thông quan đối với
các trường hợp:
- Phải thực hiện kiểm tra sau thông quan trong thời
hạn 30 ngày theo các hướng dẫn của Tổng cục Hải quan;
- Phải thực hiện kiểm
tra sau thông quan trong thời hạn 60 ngày theo quy định;
e) Không thực hiện xác định trị giá hải quan đối với
các trường hợp cơ quan hải quan xác định
trị giá.
Các hành vi vi phạm tại điểm d, e nêu trên áp dụng
hình thức kỷ luật như sau: Kỷ luật khiển trách theo quy định tại khoản
2, Điều 9 Nghị định số 34/2011/NĐ-CP ngày 17/5/2011 (không thực hiện nhiệm
vụ được giao mà không có lý do chính đáng). Ngoài việc bị xử lý kỷ luật thì còn
phải áp dụng hình thức xử lý khác (bồi thường, đánh giá, phân loại...) theo quy
định tại Điều 9 Quyết định số 2435/QĐ-TCHQ.
f) Về việc cập nhật dữ liệu trị giá tại Hệ thống
GTT02:
Không cập nhật hoặc cập nhật không đúng thời gian
quy định đối với kết quả kiểm tra mức
giá, hoàn thành kết quả kiểm tra giá, kết quả tham vấn, kết quả kiểm tra sau
thông quan và kết quả giải quyết khiếu nại vào hệ thống cơ sở dữ liệu giá.
Các hành vi vi phạm nêu trên áp dụng hình thức kỷ
luật như sau: Từ khiển trách đến hạ bậc lương quy định tại tiết
1.1.2, điểm 1.1; tiết 1.2.2 điểm 1.2 và tiết 1.3.2, điểm 1.3, khoản 1 Điều 6
và tiết 1.1.3, điểm 1.1; tiết 1.2.3, điểm 1.2 và tiết 1.3.3, điểm
1.3, khoản 1 Điều 7 Quyết định số 2435/QĐ-TCHQ.
VII. Tổ chức thực hiện:
1. Giao Cục trưởng Cục Hải quan các tỉnh, thành phố:
- Căn cứ tình hình thực tế tại đơn vị để tổ chức thực
hiện công tác tham vấn, kiểm tra sau
thông quan trong phạm vi 30 ngày hoặc 60
ngày sát với tình hình thực tế và nguồn lực
tại đơn vị, đảm bảo quản lý thống nhất công tác kiểm tra, xác định trị giá
trong thông quan và sau thông quan trong
toàn đơn vị, ngăn chặn hiệu quả tình trạng gian lận thương mại qua khai báo trị
giá thấp gây thất thu ngân sách nhà nước đồng thời tạo thuận lợi cho hoạt động
kinh doanh XNK của các doanh nghiệp.
- Bố trí, phân công các cán bộ công chức đã được
đào tạo về trị giá, có kỹ năng, kinh nghiệm thực tế thực hiện công tác tham vấn
hoặc kiểm tra sau thông quan tại những địa bàn trọng điểm, có nguy cơ gian lận
thương mại cao để nâng cao hiệu quả công tác kiểm
tra, xác định trị giá. Tổ chức các lớp đào tạo thực tế, tập huấn cho cán
bộ, công chức làm công tác giá tại đơn vị về kỹ năng đánh giá nghi vấn, bác bỏ
trị giá khai báo, xác định trị giá tính thuế; xây dựng cẩm nang hướng dẫn về kiểm
tra, xác định trị giá, cập nhật hệ thống.
- Thực hiện kiểm tra
định kỳ hoặc đột xuất để đánh giá những rủi
ro về công tác kiểm tra, xác định trị giá trong toàn đơn vị, kịp thời phát hiện
các sai sót để chấn chỉnh và xử lý đối với cán bộ, công chức, Lãnh đạo và bộ phận
có liên quan thực hiện không đúng quy định.
2. Nội dung công văn này thay thế nội dung tại các
công văn số 239/TCHQ-TXNK ngày 11/01/2017, số 12137/TCHQ-TXNK ngày 29/12/2016,
11625/TCHQ-TXNK ngày 09/12/2016, số 12089/TCHQ-TXNK ngày 28/12/2016, số
11911/TCHQ-TXNK ngày 21/12/2016, số 328/TCHQ-TXNK ngày 13/12/2016, số
10773/TCHQ-TXNK ngày 15/11/2016, số 10482/TCHQ-TXNK ngày 04/11/2016, số
167/TCHQ-TXNK ngày 26/7/2016 và số 10922/TCHQ-TXNK ngày 18/11/2016.
Tổng cục Hải quan thông báo để các Cục Hải quan tỉnh,
thành phố và các đơn vị thuộc Tổng cục Hải quan tổ
chức thực hiện. Trường hợp phát
sinh vướng mắc trong quá trình thực hiện thì báo cáo và đề xuất về Tổng cục Hải
quan (Cục Thuế XNK) để được hướng dẫn./.
Nơi nhận:
- Như trên;
- T. Tr BTC Vũ Thị Mai (để b/c);
- TCT. Nguyễn Văn Cẩn (để b/cáo);
- PTCT. Vũ Ngọc Anh (để biết);
- Cục KTSTQ (để t/hiện);
- Vụ Thanh tra (để t/hiện);
- Cục ĐT CBL (để t/hiện);
- Cục Quản lý rủi ro (để t/hiện);
- Lưu: VT, TXNK-TGHQ (Linh-05b).
|
KT. TỔNG CỤC
TRƯỞNG
PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG
Nguyễn Dương Thái
|
PHỤ LỤC I
CÁC MẶT HÀNG THỰC HIỆN
KIỂM TRA, THAM VẤN VÀ XÁC ĐỊNH TRỊ GIÁ TRONG THÔNG QUAN
(Ban hành kèm theo công văn số 905/TCHQ-TXNK ngày 17/02/2017)
I. Đối với hàng hóa nhập khẩu:
1. Mặt hàng rượu bia;
2. Mặt hàng thiết bị điện gia dụng thuộc mã 8418,
8450, 8516, 8415, 8414, 8509, 8422;
3. Mặt hàng cá tươi, cá đông lạnh, ướp lạnh;
4. Mặt hàng thịt gia súc, gia cầm đông lạnh, ướp lạnh;
5. Mặt hàng xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh;
6. Mặt hàng xe ô tô từ 09 chỗ ngồi trở xuống thuộc
mã 8703;
7. Mặt hàng xe ô tô từ 10 chỗ ngồi trở lên thuộc mã
8702;
8. Mặt hàng xe ô tô tải.
9. Mặt hàng xe đạp điện thuộc mã 8711;
II. Đối với hàng hóa xuất khẩu:
1. Mặt hàng cát nhiễm mặn, cát vàng, cát trắng;
2. Mặt hàng quặng mangan, sắt, crom, kẽm, Ilmenite,
Rutile, Monazite, Antimon; bột quặng Apatit;
3. Mặt hàng sắt, và thép phế liệu, chì.
Ghi chú: Các mặt hàng nêu trên sẽ được Tổng cục
Hải quan tiếp tục bổ sung, điều chỉnh
trong quá trình thực hiện.
PHỤ LỤC II
MẶT HÀNG THỰC HIỆN
KIỂM TRA SAU THÔNG QUAN TRONG THỜI HẠN 30 NGÀY
(Ban hành kèm theo công văn số 905/TCHQ-TXNK ngày 17/02/2017)
1. Mặt hàng lốp thuộc mã 4011, ắc quy;
2. Mặt hàng gạch, kính xây dựng, nhựa;
3. Mặt hàng động cơ nổ, động cơ thủy, máy kéo, máy
bơm nước;
4. Mặt hàng hoa quả, trái cây các loại, bánh kẹo, dầu
ăn;
5. Thuốc lá điếu, xì gà và các chế phẩm khác từ cây
thuốc lá;
6. Bài lá;
7. Mặt hàng thép không hợp kim;
8. Mặt hàng tổ máy phát điện.
Ghi chú: Các mặt hàng nêu trên sẽ được Tổng cục
Hải quan tiếp tục bổ sung, điều chỉnh trong quá trình thực hiện.
PHỤ LỤC III
CÁC TIÊU CHÍ MÔ TẢ
HÀNG HÓA NHẬP KHẨU PHẢI SỬ DỤNG ĐỂ KIỂM TRA TRỊ GIÁ
(Ban hành kèm theo công văn số 905/TCHQ-TXNK ngày 17/02/2017)
1. Mặt hàng ôtô:
- Xe ôtô dưới 9 chỗ ngồi: Chi tiết tên hàng; Nhãn
hiệu, kiểu xe (SEDAN, HATCH BACK, SUV, MPV, Pikup ...); Dung tích xi lanh; Số
chỗ ngồi; Số cửa; Số cầu; Kiểu số (số sàn hay tự động); Sử dụng xăng hay dầu; Mới
hay đã qua sử dụng; Model; Các ký mã hiệu model khác nếu có (như Limited,
Primium, XLE, LE, ...); Năm sản xuất; số km đã chạy (nếu là xe đã qua sử dụng).
- Xe ôtô chở người từ 10 chỗ trở lên: Chi tiết tên
hàng; Nhãn hiệu; Số chỗ ngồi; Số sàn hay tự động; Sử dụng xăng hay dầu; Mới hay
đã qua sử dụng; số km đã chạy (nếu là xe đã qua sử dụng); Model; Các ký mã hiệu
model khác nếu có; Năm sản xuất.
- Xe tải/xe chuyên dùng: Chi tiết tên hàng; Nhãn hiệu;
Các ký mã hiệu model khác (nếu có); Kiểu xe (Thùng, satxi, ben, chở nhiên liệu,
tải van, ...), kết cấu xe; loại cabin đơn
hay cabin đôi; Công thức bánh xe và công suất động cơ; Sử dụng xăng hay dầu; Tổng
trọng lượng có tải tối đa; Tải trọng chở hàng; Dung tích; Mới hay đã qua sử dụng;
Năm sản xuất; Số km đã chạy (nếu là xe đã
qua sử dụng); Các thông số khác như: Dung tích bồn ...
2. Mặt hàng xe máy:
Tên xe, Nhãn hiệu, Kiểu dáng xe (nam, nữ); Xe số
hay Xe ga; Dung tích xi lanh; Các ký mã hiệu Model khác (nếu có).
3. Xe đạp điện:
Tên xe, Nhãn hiệu, model, công suất, số bình ắc quy
kèm theo, các ký mã hiệu Model khác (nếu có).
4. Mặt hàng máy điều hòa nhiệt độ:
Tên hàng; Nhãn hiệu; Kiểu máy (treo tường, trần, kiểu
tủ, trung tâm ...); số cục (Cục nóng, Cục lạnh); Một chiều hay 2 chiều (nóng, lạnh);
Công suất (BTU); Model.
5. Mặt hàng máy giặt:
Tên hàng; Nhãn hiệu; Kiểu máy (cửa trên hay cửa
ngang); Công suất giặt (số kg); Số hộc; Lồng giặt Inox hay nhựa; Tốc độ vắt
(vòng/phút); Có đường nước nóng hay không; Có sấy hay không sấy; Điều khiển điện
tử hay điều khiển cơ; Model.
6. Mặt hàng tủ lạnh:
Tên hàng; Nhãn hiệu; Kiểu tủ (nếu là side thì ghi
side); Dung tích; số cánh cửa tủ; Làm đá tự động hay không; Có vòi nước lạnh
hay không; Model.
7. Mặt hàng động cơ, máy nổ:
Tên hàng; Nhãn hiệu; Công dụng; Công suất; Chạy
xăng hay dầu; Model.
8. Mặt hàng bếp ga:
Tên hàng; Nhãn hiệu; Model; Số bếp nấu; Có lò nướng
hay không; Có chống dính, chống khét, ngắt ga tự động hay không; Kiểu bếp (bếp
âm hay bếp dương); Kiểu đánh lửa Pin hay Magneto (nút bấm hay nút vặn); Cấu tạo
mặt kính, inox, hay sắt phủ sơn.
9. Mặt hàng sắt thép:
Tên hàng; chủng loại (không hợp kim, không rỉ, hợp
kim khác); Công dụng; Thép thanh que, tâm, tròn hay thép dây, thép hình; Quy
cách.
10. Mặt hàng kính xây dựng:
Tên hàng; Loại kính (trắng, màu, phản quang hay
không); Công dụng; Quy cách.
11. Mặt hàng vải:
Tên hàng; Thành phần chất liệu; Quy cách; Công nghệ
dệt (dệt thoi, dệt kim hay không dệt); Công dụng; Mật độ sợi dệt hoặc định lượng;
12. Mặt hàng rượu, bia:
- Rượu: Tên hàng; Loại rượu (vang trắng hay đỏ,
Vogka; Whisky ...) tuổi rượu (nếu có); Loại bao bì; Dung tích; Độ cồn.
- Bia: Tên hàng; Loại bao bì; Dung tích; Độ cồn
(Acl).
13. Mặt hàng điện thoại di động:
Tên hàng, Nhãn hiệu; Kiểu máy (thanh hay gập);
Model.
14. Mặt hàng tổ máy phát điện
Nhãn hiệu; Công suất; số pha; Một chiều hay xoay
chiều; Điện áp; Có tự động chuyển nguồn hay không; Chạy xăng hay dầu; Model.
Ngoài các tiêu chí trên, tùy từng mặt hàng nhập khẩu
nếu có tiêu chí khác ngoài các tiêu chí trên có ảnh hưởng đến trị giá thì bổ
sung thêm.
Ghi chú: Các mặt hàng nêu trên sẽ được Tổng cục
Hải quan tiếp tục bổ sung, điều chỉnh trong quá trình thực hiện.
Mẫu số 01
TỔNG CỤC HẢI QUAN
CỤC HẢI QUAN TỈNH, TP...
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
|
Hà Nội, ngày
tháng năm
|
ĐỀ XUẤT XÂY DỰNG
BỔ SUNG DANH MỤC HÀNG HÓA
XUẤT KHẨU, NHẬP KHẨU RỦI RO VỀ TRỊ GIÁ
1. Số tờ khai, ngày tờ khai:
2. Ngày xuất khẩu:
3. Lý do bổ sung: Hàng chưa có mức giá tham
chiếu tại Danh mục.
4. Mặt hàng xuất khẩu/nhập khẩu cần bổ sung:
Mã số HS (8 số)
|
Tên hàng
|
Xuất xứ
|
Đơn vị tính
|
Mức giá khai
báo
|
|
|
|
|
|
5. Thông tin thu thập được:
5.1. Thông tin trong ngành hải quan:
- Mức giá khai báo tại GTT02 (từ thấp nhất đến cao
nhất):
- Mức giá xác định tại GTT02 (từ thấp nhất đến cao
nhất):
- Mức giá điều chỉnh từ kết quả giải quyết khiếu nại
(nếu có):
- Mức giá điều chỉnh từ kết quả kiểm tra sau thông
quan (nếu có):
- Thông tin khác (nếu có):
5.2. Thông tin ngoài ngành Hải quan:
- Thông tin giá bán từ nước xuất khẩu:
- Thông tin giá bán trong nước:
- Thông tin khác (nếu có):
6. Đề xuất:
- Diễn giải cơ sở bổ sung, tài liệu thu thập được
(đính kèm)
- Mức giá đề nghị bổ sung:
LÃNH ĐẠO PHÒNG
THUẾ XNK
|
LÃNH ĐẠO CỤC
|
Mẫu số 02
TỔNG CỤC HẢI QUAN
CỤC HẢI QUAN TỈNH, TP...
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
|
Hà Nội, ngày
tháng năm
|
ĐỀ XUẤT SỬA ĐỔI
DANH MỤC
HÀNG HÓA XUẤT KHẨU, NHẬP KHẨU RỦI RO VỀ TRỊ GIÁ
1. Số tờ khai, ngày tờ khai:
2. Ngày xuất khẩu:
3. Lý do điều chỉnh: Hàng xuất khẩu/nhập khẩu
có mức giá cao/thấp hơn mức giá tham chiếu tại Danh mục.
4. Mặt hàng xuất khẩu/nhập khẩu cần sửa đổi:
Mã số HS
(8 số)
|
Tên hàng
|
Xuất xứ
|
Đơn vị tính
|
Mức giá khai
báo
|
Mức giá tham
chiếu tại Danh mục
|
|
|
|
|
|
|
5. Thông tin thu thập được:
5.1. Thông tin trong ngành hải quan:
- Mức giá khai báo tại GTT02 (từ thấp nhất đến cao
nhất):
- Mức giá xác định tại GTT02 (từ thấp nhất đến cao
nhất):
- Mức giá điều chỉnh từ kết quả giải quyết khiếu nại
(nếu có):
- Mức giá điều chỉnh từ kết quả kiểm tra sau thông
quan (nếu có):
- Thông tin khác (nếu có):
5.2. Thông tin ngoài ngành Hải quan:
- Thông tin giá bán từ nước xuất khẩu:
- Thông tin giá bán trong nước:
- Thông tin khác (nếu có):
6. Đề xuất:
- Diễn giải cơ sở sửa đổi, tài liệu thu thập được
(đính kèm)
- Mức giá đề nghị sửa đổi:
LÃNH ĐẠO PHÒNG
THUẾ XNK
|
LÃNH ĐẠO CỤC
|
Mẫu số 03
TỔNG CỤC HẢI QUAN
CỤC/ VỤ ...
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
|
Hà Nội, ngày
tháng năm
|
CUNG CẤP THÔNG
TIN MẶT HÀNG RỦI RO VỀ TRỊ GIÁ
1. Mặt hàng xuất khẩu/nhập khẩu cung cấp thông
tin:
STT
|
Mã số HS (8 số)
|
Tên hàng
|
Xuất xứ
|
Đơn vị tính
|
Mức giá khai
báo
|
1
|
|
|
|
|
|
2
|
|
|
|
|
|
2. Thông tin thu thập được, bao gồm:
-
-
3. Các tài liệu kèm theo, bao gồm:
-
-
4. Nội dung kiến nghị/căn cứ/cơ sở:
LÃNH ĐẠO PHÒNG
|
LÃNH ĐẠO CỤC
|