Để đảm bảo người sản xuất thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống có đầy đủ kiến thức về an toàn thực phẩm thì pháp luật đặt ra yêu cầu những đối tượng này phải được tập huấn một cách đầy đủ.
Và hiện nay pháp luật quy định về tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm như sau:
Thẩm quyền xác nhận tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm
Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 6 Nghị định 155/2018/NĐ-CP quy định về thẩm quyền, hồ sơ, thủ tục cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm thì hồ sơ bao gồm :
- Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận theo Mẫu số 01 Phụ lục I kèm theo Nghị định 155/2018/NĐ-CP;
- Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp có ngành nghề phù hợp với loại thực phẩm của cơ sở sản xuất (có xác nhận của cơ sở);
- Danh sách người sản xuất thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống đã được tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm có xác nhận của chủ cơ sở.
=>> Như vậy việc tập huấn kiến thức an toàn thực thẩm cho người sản xuất thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống là một trong những điều kiện để được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Theo đó căn cứ quy định nêu trên thì chủ cơ sở sẽ có trách nhiệm xác nhận người sản xuất thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống được tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm chứ không phải các cơ quan nhà nước xác nhận.
Tài liệu tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm
Căn cứ quy định tại Công văn 244/ATTP-NĐTT năm 2020 có nêu:
- Người trực tiếp sản xuất thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống phải chủ cơ sở xác nhận tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm (thay thế cho Giấy chứng nhận kiến thức về an toàn thực phẩm). Do đó, việc tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm do cá nhân (tự học), do cơ sở tổ chức mời chuyên gia giảng...) và có thể tổ chức kiểm tra, đánh giá kết quả. Chủ cơ sở căn cứ vào kết quả đánh giá đề lập danh sách xác nhận và chịu trách nhiệm đối với kết quả tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm do mình xác nhận.
- Tài liệu tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm cho nhân viên do cơ sở tự biên soạn hoặc sử dụng tài liệu đã được cơ quan quản lý ban hành. Chủ cơ sở tự chịu trách nhiệm về nội dung tập huấn cho nhân viên. Cơ quan quản lý được quyền kiểm tra kiến thức về an toàn thực phẩm thông qua bộ câu hỏi, ngân hàng câu hỏi có sẵn.
=>> Như vậy việc tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm do cá nhân (tự học), do cơ sở tổ chức mời chuyên gia giảng... và có thể tổ chức kiểm tra, đánh giá kết quả. Chủ cơ sở căn cứ vào kết quả đánh giá đề lập danh sách xác nhận và chịu trách nhiệm đối với kết quả tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm do mình xác nhận.
Ngoài ra tài liệu tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm cho nhân viên do cơ sở tự biên soạn hoặc sử dụng tài liệu đã được cơ quan quản lý ban hành. Đối với tài liệu do cơ quan nhà nước đã ban hành có thể tham khảo các tài liệu sau:
Quyết định 1390/QĐ-BCT năm 2020 về bộ câu hỏi kiểm tra, đáp áp trả lời thực hiện kiểm tra để xác nhận đã được tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm cho chủ cơ sở và người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm của Bộ Công thương.
Quyết định 37/QĐ-ATTP năm 2015 Tài liệu tập huấn và Bộ câu hỏi đánh giá kiến thức về an toàn thực phẩm cho chủ cơ sở, người trực tiếp chế biến, kinh doanh dịch vụ ăn uống và đáp án trả lời do Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm ban hành
Quyết định 381/QĐ-QLCL năm 2014 về tài liệu tập huấn và bộ câu hỏi đánh giá kiến thức về an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản do Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản ban hành
Chủ cơ sở có thể dựa vào những câu hỏi do cơ quan nhà nước đã ban hành, tham khảo, biên soạn sao cho phù hợp với tình hình thực tế của đơn vị để tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm. Sau khi thông qua quá trình tập huấn, các bài kiểm tra đánh giá (nếu có) do đơn vị tổ chức thì chủ cơ sở lập danh sách và xác nhậ người sản xuất thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống đã được tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm để bổ sung trong hồ sơ xin giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm.