Vừa qua, VKSND cấp cao tại Hà Nội đã ban hành Thông báo số 47/TB-VC1-KDTM để rút kinh nghiệm về vi phạm trong giải quyết vụ án "Tranh chấp hợp đồng tín dụng" giữa nguyên đơn Công ty TNHH một thành viên A (Công ty A) với bị đơn là Công ty TNHH thương mại B (Công ty B).
Nội dung vụ án:
Trong khoảng thời gian tháng 3, 4/2013, Ngân hàng Thương mại cổ phần V (VBank) đã ký kết với Công ty B 03 hợp đồng tín dụng hạn mức, bao gồm: Hợp đồng tín dụng hạn mức số LD1, LD2 ngày 22/3/2013 và số SM3 ngày 27/4/2013, với hạn mức cho vay là 19.097.067.676 đồng để bổ sung vốn lưu động phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty B. VBank đã giải ngân cho Công ty B vay đủ số tiền trên theo các khế ước nhận nợ. Tài sản thế chấp để bảo đảm cho các khoản vay trên, bao gồm:
1. Công trình Gara ô tô, bao gồm Nhà xưởng sửa chữa ô tô và Văn phòng gắn liền với đất thuộc quyền sở hữu của Công ty B trên diện tích đất 1.865m2 tại Cụm Công nghiệp Y, quận H, thành phố N theo Hợp đồng thế chấp ký ngày 25/3/2013 tại Văn phòng Công chứng K.
2. Quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất tại thửa số 312, tờ bản đồ số 11, diện tích 108,4m2 tại địa chỉ số 97LTT, phường Q, quận H thuộc quyền sở hữu và sử dụng của ông D và bà H theo Hợp đồng thế chấp ký ngày 25/3/2013 tại Văn phòng Công chứng K.
Quá trình thực hiện hợp đồng, Công ty B đã vi phạm nghĩa vụ trả nợ nên VBank đã chuyển sang nợ quá hạn. Ngày 23/12/2014, VBank đã chuyển giao quyền yêu cầu Công ty B phải thanh toán khoản nợ của 03 hợp đồng tín dụng nói trên cho Công ty A theo hợp đồng mua, bán nợ số 8332/2014/MBN.A-VBank.
Ngày 13/5/2015, Công ty A có đơn khởi kiện yêu cầu: Công ty B phải thanh toán toàn bộ số tiền nợ gốc, lãi phát sinh theo các hợp đồng tín dụng nêu trên; trong trường hợp không thanh toán được nợ, đề nghị phát mại các tài sản đã thế chấp để thu hồi nợ.
Tại Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 20/2018/KDTM-ST ngày 16/11/2018, Tòa án nhân dân quận H đã quyết định:
1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty A đối với Công ty B;
2. Buộc Công ty B phải thanh toán trả cho Công ty A theo các Hợp đồng tín dụng hạn mức số LD2 ngày 22/3/2013 và số SM3 ngày 27/4/2013, phụ lục hợp đồng số 01 ngày 28/3/2013 và các khế ước nhận nợ kèm theo của 02 hợp đồng trên... với tổng số tiền nhận nợ gốc và nợ lãi tính đến ngày 16/11/2018 và 24.716.729.361 đồng (trong đó tiền nợ gốc là 14.000.000.000 đồng, tiền nợ lãi là 10.716.729.361 đồng);
Kể từ ngày 17/11/2018, Công ty B còn phải tiếp tục chịu khoản tiền lãi quá hạn của số tiền nợ gốc chưa thanh toán, theo mức lãi suất mà các bên thỏa thuận trong hợp đồng cho đến khi thanh toán xong khoản nợ gốc.
3. Ghi nhận sự tự nguyện của Công ty A không yêu cầu Công ty B phải thanh toán tiền phạt chậm trả lãi cho Công ty A;
4. Xác định hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà, tài sản gắn liền với đất tại tờ bản đồ số 00, diện tích 1.865m2 tại Cụm Công nghiệp Y, quận H, thành phố H mang tên Công ty B (ký công chứng tại Văn phòng Công chứng K ngày 25/3/2013) phát sinh hiệu lực;
- Trường hợp Công ty B vi phạm nghĩa vụ trả nợ thì Công ty A có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự xử lý tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất nêu trên của Công ty B để tất toán khoản nợ trên;
- Trường hợp số tiền xử lý tài sản bảo đảm không đủ để thanh toán hết toàn bộ khoản nợ trên thì Công ty B phải có nghĩa vụ tiếp tục thanh toán trả cho Công ty A số tiền còn thiếu;
- Trường hợp số tiền phát mãi tài sản thế chấp có giá trị lớn hơn số tiền Công ty B còn nợ của Công ty A thì số tiền còn lại sau khi thanh toán khoản vay được trả cho người thế chấp tài sản.
5. Đình chỉ giải quyết yêu cầu của Công ty A về việc rút yêu cầu Tòa án buộc Công ty B thanh toán số tiền nợ gốc, nợ lãi, các khoản phát sinh liên quan đến Hợp đồng tín dụng số LD1 ngày 22/3/2013 và rút yêu cầu Tòa án kê biên phát mại tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất tại thửa số 312, tờ bản đồ số 11, diện tích 108,4m2 tại địa chỉ số 97LTT, phường Q, quận H thuộc quyền sở hữu sử dụng của ông D và bà H;
6. Không chấp nhận các yêu cầu khác của đương sự.
Sau khi xét xử sơ thẩm, bị đơn kháng cáo toàn bộ Bản án sơ thẩm.
Tại Bản án kinh doanh thương mại phúc thẩm số 97/2019/KDTM-PT ngày 29/8/2019 của Tòa án nhân dân thành phố N đã quyết định không chấp nhận kháng cáo của bị đơn; giữ nguyên Bản án sơ thẩm.
Do Công ty B và Công ty Cổ phần C, ông Trần Ngọc S và ông Kiều Kim T (các công ty thuê tài sản trên đất thế chấp) có đơn đề nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm; ngày 20/01/2020, Viện trưởng VKSND cấp cao tại Hà Nội đã ban hành Quyết định kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm đối với Bản án kinh doanh thương mại phúc thẩm nêu trên.
Ngày 13/6/2020, Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội đã xét xử giám đốc thẩm, chấp nhận toàn bộ kháng nghị của Viện kiểm sát. Theo đó, hủy toàn bộ Bản án dân sự sơ thẩm và phúc thẩm nêu trên để xét xử sơ thẩm lại theo quy định của pháp luật.
Những vấn đề cần rút kinh nghiệm:
Tòa án cấp sơ thẩm căn cứ vào các hợp đồng tín dụng, khế ước nhận nợ và bảng tính lãi suất trong hạn, quá hạn do Công ty A cung cấp để chấp nhận toàn bộ yêu cầu của Công ty A, buộc Công ty B trả cho Công ty A nợ gốc + lãi tính đến ngày 16/11/2018 là 24.716.729.361 đồng. Tại cấp phúc thẩm, Công ty B có xuất trình sao kê tài khoản ngân hàng và các giấy nộp tiền thể hiện việc thanh toán nợ cho VBank. Bảng sao kê tài khoản ngân hàng và chứng từ do Công ty B cung cấp tại phiên tòa phúc thẩm thể hiện Công ty B có thanh toán lãi trong hạn, lãi quá hạn, lãi phạt quá hạn theo chứng từ LD2a và SM3a liên quan đến Hợp đồng tín dụng hạn mức số LD2 và SM3 giữa VBank và Công ty B. Đồng thời, đại diện ủy quyền của Công ty A cũng xác định Công ty B đã trả cho Công ty A 636.900.000 đồng, trong đó có 438.991.000 đồng tiền lãi.
Tòa án cấp phúc thẩm không xác minh làm rõ tiền lãi Công ty B đã thanh toán cho các hợp đồng tín dụng nêu trên mà vẫn xử chấp nhận toàn bộ yêu cầu của Công ty A về việc tính lãi là chưa đủ căn cứ.
Mặt khác, tại các Phụ lục hợp đồng và các khế ước nhận nợ kèm theo các hợp đồng tín dụng trên, các bên đã thỏa thuận gia hạn nợ gốc đến này 25/01/2014. Song tại bảng tính lãi do Công ty A cung cấp được Tòa án cấp sơ thẩm và cấp phúc thẩm chấp nhận thì thời điểm tính lãi quá hạn được tính từ ngày 24/01/2014 là không đúng, gây thiệt hại cho Công ty B.
Về việc xử lý tài sản thế chấp: Tại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh T cấp ngày 04/6/2008 cho Công ty B thể hiện Công ty B được quyền sử dụng diện tích đất 1.865m2 tại Lô 24, Cụm Công nghiệp Y, nguồn gốc sử dụng đất là Nhà nước cho thuê đất trả tiền thuê hằng năm. Tại hợp đồng thế chấp tài sản gắn liền với đất ngày 25/3/2013 giữa Công ty B và VBank xác định tài sản thế chấp chỉ là Gara ô tô; song Bản án sơ thẩm và phúc thẩm đều tuyên xử lý tài sản bảo đảm bao gồm cả quyền sử dụng đất diện tích 1.865m2 là không đúng thỏa thuận của các bên và không đúng quy định của pháp luật, ảnh hưởng đến quyền lợi của Nhà nước về quản lý đất đai.
Ngoài ra, tại Biên bản xem xét thẩm định tại chỗ ngày 10/6/2019 của Tòa án nhân dân thành phố N thể hiện ngoài Công ty B còn có 03 công ty đang quản lý, sử dụng tài sản gắn liền với đất đã được thế chấp nhưng Tòa án không đưa các công ty này vào tham gia tố tụng là bỏ sót người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, vi phạm thủ tục tố tụng dân sự, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các công ty thuê, mượn tài sản trên đất; ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người thứ ba.
Theo Cổng thông tin điện tử Viện kiểm sát Nhân dân Tối cao