Trong pháp luật hình sự, án treo được xem như là một hình thức xử phạt mang tính "ân huệ" đối với người phạm tội. Trong quá trình điều tra và xét xử vụ án, Tòa sẽ dựa vào những tình tiết giảm nhẹ của người phạm tội (đương nhiên mức độ của hành vi phạm tội phải phù hợp với những quy định của pháp luật hình sự).
Trong thực tế xét xử, có nhiều trường hợp người được hưởng án treo khiến dư luận bức xúc vì không có hướng dẫn cụ thể, các kết luận cho hưởng án treo nhiều lúc mang tính "cảm tính" rất nhiều. Mãi cho đến khi Nghị quyết 01/2013/NQ-HĐTP hướng dẫn về việc áp dụng Điều 60 của Bộ luật hình sự về án treo chính thức có hiệu lực. Theo đó, các trường hợp không được hưởng án treo được quy định cụ thể như sau:
- Người phạm tội cần phải nghiêm trị theo quy định tại Khoản 2 Điều 3 Bộ luật hình sự 1999:
+ Người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy,
+ Ngoan cố chống đối, lưu manh, côn đồ,
+ Tái phạm nguy hiểm,
+ Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội;
+ Người phạm tội dùng thủ đoạn xảo quyệt, có tổ chức, có tính chất chuyên nghiệp, cố ý gây hậu quả nghiêm trọng;
+ Phạm tội đặc biệt nghiêm trọng;
- Bị xét xử trong cùng một lần về nhiều tội;
- Trong hồ sơ thể hiện là ngoài lần phạm tội và bị đưa ra xét xử, họ còn có hành vi phạm tội khác đã bị xét xử trong một vụ án khác hoặc đang bị khởi tố, điều tra, truy tố trong một vụ án khác;
- Bị cáo tại ngoại bỏ trốn trong giai đoạn chuẩn bị xét xử, Tòa án đã đề nghị cơ quan điều tra truy nã.