DanLuat
Chào mừng bạn đến với Dân Luật . Để viết bài Tư vấn, Hỏi Luật Sư, kết nối với Luật sư và chuyên gia, … Bạn vui lòng ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN.
×

Thêm câu phản hồi

Nhà xe có được tăng giá vé vào ngày Tết không?

Avatar

 

Lợi dụng nhu cầu đi lại trong dịp Tết gia tăng, nhiều nhà xe tự ý đẩy giá vé cao hơn ngày thường. Điều này có được phép không? Quy định niêm yết về giá? Không niêm yết bị xử phạt ra sao?

(1) Nhà xe có được tăng giá vé vào ngày Tết không?

Theo Khoản 5 Điều 14 Thông tư 12/2020/TT-BGTVT được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 02/2021/TT-BGTVT có quy định đối với đơn vị kinh doanh vận tải hành khách như sau:

“Quyết định giá cước vận tải đối với hoạt động kinh doanh vận tải của đơn vị.”

Đồng thời, tại Điều 3 của Thông tư 12/2020/TT-BGTVT được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 02/2021/TT-BGTVT cũng có định nghĩa về quyết định giá cước vận tải như sau:

“Quyết định giá cước vận tải là việc đơn vị kinh doanh vận tải xác định giá cước vận tải để thông tin cho khách hàng hoặc trực tiếp thoả thuận với khách hàng để thống nhất mức giá trước khi thực hiện vận chuyển.”

Căn cứ theo quy định nêu trên, những đơn vị kinh doanh vận tải hành khách có quyền tự quyết định giá vé của đơn vị mình. Trong đó bao gồm cả việc tăng giá vé vào ngày Tết. Tuy nhiên, để làm được điều đó thì các đơn vị phải thông tin cho khách hàng hoặc trực tiếp thoả thuận với khách hàng để thống nhất mức giá trước khi thực hiện vận chuyển và mức giá này phải đồng thời tuân thủ quy định về niêm yết thông tin về giá theo quy định của pháp luật.

(2) Quy định niêm yết thông tin về giá xe ngày Tết.

Căn cứ theo Điều 19 Thông tư 12/2020/TT-BGTVT được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 02/2021/TT-BGTVT thì các thông tin cần được niêm yết đối với doanh nghiệp vận tải hành khách theo tuyến cố định, bao gồm:

- Niêm yết trên Trang thông tin điện tử của Sở Giao thông vận tải về:

+ Danh mục các tuyến trên địa bàn địa phương. 

+ Danh sách tuyến đang khai thác. 

+ Tổng số chuyến xe tối đa được phép hoạt động trên từng tuyến và tổng số chuyến xe đã đăng ký hoạt động. 

+ Danh sách các đơn vị vận tải hoạt động trên tuyến. 

+ Biểu đồ chạy xe theo tuyến. Số điện thoại di động đường dây nóng của Sở Giao thông vận tải.

- Niêm yết tại bến xe:

+ Danh sách các tuyến, lịch xuất bến của các chuyến xe đang hoạt động tại bến. 

+ Danh sách các đơn vị vận tải kinh doanh khai thác trên từng tuyến. 

+ Số điện thoại di động đường dây nóng của đơn vị kinh doanh vận tải và Sở GTVT địa phương.

- Niêm yết tại quầy bán vé:

+ Tên đơn vị kinh doanh vận tải, tên tuyến, giá vé (giá cước) đã kê khai theo mẫu quy định tại Phụ lục 22 ban hành kèm theo Thông tư 12/2020/TT-BGTVT

+ Lịch xe xuất bến của từng chuyến xe

+ Dịch vụ phục vụ hành khách trên hành trình

+ Khối lượng hành lý miễn cước.

- Niêm yết trên xe:

+ Kính trước: tên bến xe nơi đi, tên bến xe nơi đến, chiều cao chữ tối thiểu 06 cm. 

+ Mặt ngoài hai bên thân xe hoặc cánh cửa xe: tên và số điện thoại của đơn vị kinh doanh vận tải với kích thước tối thiểu: chiều dài là 20 cm, chiều rộng là 20 cm; giá vé (giá cước) đã kê khai theo mẫu quy định tại Phụ lục 22 ban hành kèm theo Thông tư 12/2020/TT-BGTVT.

+ Bên trong xe: biển số đăng ký xe (biển kiểm soát xe), giá vé (giá cước) đã kê khai theo mẫu quy định tại Phụ lục 22 ban hành kèm theo Thông tư 12/2020/TT-BGTVT, hành trình chạy xe, dịch vụ phục vụ hành khách trên hành trình, khối lượng hành lý miễn cước, số điện thoại di động đường dây nóng của đơn vị kinh doanh vận tải, của Sở GTVT nơi cấp phù hiệu, biển hiệu.

- Trách nhiệm niêm yết và cung cấp thông tin niêm yết: 

+ Sở GTVT thực hiện niêm yết theo Khoản 1 Điều 19 Thông tư 12/2020/TT-BGTVT.

+ Bến xe thực hiện niêm yết tại bến xe và niêm yết tại quầy bán vé của tuyến do bến xe nhận ủy thác bán vé theo Khoản 2 và 3 Điều 19 Thông tư 12/2020/TT-BGTVT.

+ Đơn vị kinh doanh vận tải thực hiện niêm yết trên xe và niêm yết tại quầy bán vé do đơn vị tự bán vé theo Khoản 3 và 4 Điều 19 Thông tư 12/2020/TT-BGTVT.

+ Doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định phải cung cấp cho bến xe liên quan các thông tin quy định phải niêm yết tại bến xe.

Như vậy, trường hợp nhà xe muốn tăng giá vé ngày Tết thì cần phải thực hiện những nghĩa vụ và trách nhiệm như sau:

- Niêm yết giá vé Tết đã kê khai tại quầy bán vé của đơn vị. 

- Niêm yết giá vé Tết ở trong xe kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định của đơn vị.

Xem và Tải xuống Mẫu thông tin niêm yết giá vé tại đây: https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/07/MAU-THONG-TIN-NIEM-YET-GIA-VE.docx

(3) Nhà xe không thực hiện niêm yết giá xe ngày Tết bị xử phạt như thế nào?

Căn cứ theo Điều 28 Nghị định 100/2019/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP quy định về mức phạt tiền cho các hành vi không thực hiện đăng ký, niêm yết hoặc niêm yết không chính xác, đầy đủ theo các quy định về:

- Hành trình chạy xe

- Điểm đầu, điểm cuối của tuyến

- Giá cước; Giá dịch vụ

- Tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ vận tải, dịch vụ hỗ trợ vận tải

Thì sẽ chịu mức phạt tiền đối với cá nhân là từ 03 triệu đồng đến 04 triệu đồng và đối với tổ chức kinh doanh vận tải, dịch vụ hỗ trợ vận tải là từ 06 triệu đồng đến 08 triệu đồng. Ngoại trừ các hành vi vi phạm quy định tại Điểm đ Khoản 2 Điều 28 Nghị định 100/2019/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP.

Ngoài ra, các đơn vị vi phạm còn có thể bị tước quyền sử dụng phù hiệu (biển hiệu) từ 01 tháng đến 03 tháng (nếu có hoặc đã được cấp) đối với xe vi phạm tại Điểm a Khoản 10 Điều 28 Nghị định 100/2019/NĐ-CP đã quy định.

Để tổng kết lại, nhà xe chỉ được phép tăng giá vé xe ngày Tết khi đã thông tin cho hoặc trực tiếp thoả thuận với khách hàng để thống nhất mức giá. Đồng thời, nhà xe còn phải tuân thủ quy định về niêm yết thông tin về giá. Trường hợp xảy ra vi phạm sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật.

  •  193
  •  Cảm ơn
  •  Phản hồi

Chủ đề đang được đánh giá

0 Lượt cảm ơn
câu phản hồi
Click vào bảng để xem hiển thị đầy đủ thông tin

Bạn vui lòng đăng nhập hoặc Đăng ký tại đây để tham gia thảo luận

Loading…