Phụ cấp thâm niên là khoản tiền được chi trả nhằm khuyến khích sự gắn bó lâu dài với công việc, thường thấy nhất ở những cơ quan nhà nước. Vậy doanh nghiệp có bắt buộc phải chi trả chế độ này hay không?
Doanh nghiệp có phải trả phụ cấp thâm niên không? - Minh họa
1. Những công việc, chức danh luôn được hưởng phụ cấp thâm niên
Tại cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập thì chế độ phụ cấp thâm niên đã được quy định tương đối cụ thể tại Nghị định 204/2004/NĐ-CP và các văn ban hướng dẫn thi hành. Theo đó, một số đối tượng sẽ được hưởng chế độ này như:
- Công chức trong các cơ quan nhà nước;
- Viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập, theo khoản 1 Điều 9 Luật Viên chức 2010 (sửa đổi bổ sung năm 2019) thì ĐVSNCL là tổ chức do cơ quan có thẩm quyền, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội thành lập, có tư cách pháp nhân, cung cấp dịch vụ công, phục vụ quản lý nhà nước (như bệnh viện, trường học…);
- Người giữ chức danh chuyên môn, nghiệp vụ ngành Toà án, ngành Kiểm sát;
- Người được bầu cử để đảm nhiệm chức vụ theo nhiệm kỳ thuộc UBND cấp tỉnh, huyện, quận, thị xã;
- Cán bộ chuyên trách và công chức ở xã, phường, thị trấn;
- Người làm công tác cơ yếu trong tổ chức cơ yếu;
- Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, chiến sĩ, công nhân trong các cơ quan, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang…
2. Doanh nghiệp có bắt buộc phải trả phụ cấp thâm niên hay không?
Với những ngành nghề khác ngoài các đối tượng trên đây, do không có quy định cụ thể riêng biệt nên ta phải căn cứ vào quy định của Bộ luật lao động 2019. Cụ thể, khoản 1 Điều 90 Bộ luật này nêu rõ tiền lương bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác.
Trong đó, theo quy định tại điểm b1 khoản 5 Điều 10 Điều 3 Thông tư 10/2020/TT-BLĐTBXH thì phụ cấp lương bao gồm những khoản có tính chất bù đắp yếu tố về điều kiện lao động, tính chất phức tạp công việc, điều kiện sinh hoạt, mức độ thu hút lao động mà mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động chưa được tính đến hoặc tính chưa đầy đủ.
Căn cứ theo khoản 1 Điều 30 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH thì những khoản bù đắp này có thể là: phụ cấp chức vụ, chức danh; phụ cấp trách nhiệm; phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; phụ cấp thâm niên; phụ cấp khu vực; phụ cấp lưu động; phụ cấp thu hút và các phụ cấp có tính chất tương tự.
Như vậy, người lao động có thể được doanh nghiệp chi trả tiền phụ cấp thâm niên. Nói là “có thể” vì ngay tại khoản 1 Điều 90 BLLĐ 2019 cũng đã nêu rõ phụ cấp lương được chi trả theo chế độ thỏa thuận.
Mặt khác, chỉ có duy nhất tiền lương theo công việc, chức danh là được ấn định mức tối thiểu theo khoản 2 Điều này (không thấp hơn lương tối thiểu vùng). Do đó, doanh nghiệp không có nghĩa vụ phải tính thâm niên cho người lao động, nếu trong hợp đồng không ghi nhận vấn đề này.