DanLuat
Chào mừng bạn đến với Dân Luật . Để viết bài Tư vấn, Hỏi Luật Sư, kết nối với Luật sư và chuyên gia, … Bạn vui lòng ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN.
×

Thêm câu phản hồi

Chính sách mới về Bồi thường - Trợ cấp - Chế độ ưu đãi có hiệu lực từ tháng 9/2023

Avatar

 

Bước vào tháng 9/2023, có một số chính sách mới nổi bật quy định ảnh hưởng đến quyền lợi, trợ cấp, chế độ ưu đãi mà người dân cần phải biết để đảm bảo quyền lợi cho chính mình và người thân.

(1) Hoàn trả toàn bộ tiền vé máy bay cho khách hàng khi máy bay chậm từ 05 tiếng

Ngày 30/6/2023, Bộ Giao thông Vận tải ban hành Thông tư 19/2023/TT-BGTVT sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của các Thông tư quy định liên quan đến vận tải hàng không.

Trong đó, quy định về nghĩa vụ tối thiểu của hãng hàng không đối với hành khách khi đã được xác nhận chỗ và có vé mà không được vận chuyển do lỗi của người vận chuyển trong trường hợp chuyến bay bị chậm như sau:

- Cung cấp, cập nhật đầy đủ thông tin cho hành khách theo phương thức thích hợp; xin lỗi hành khách; bảo đảm việc ăn, nghỉ, đi lại.

- Chịu các chi phí khác có liên quan trực tiếp phù hợp với thời gian chờ đợi tại cảng hàng không được quy định trong Điều lệ vận chuyển.

- Phải đảm bảo chất lượng dịch vụ hành khách tại cảng hàng không theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.

Trường hợp chuyến bay bị chậm do lỗi của người vận chuyển ngoài các nghĩa vụ trên, người vận chuyển có trách nhiệm thực hiện các nghĩa vụ khác đối với hành khách như sau:

- Đối với chuyến bay chậm từ 02 giờ trở lên: trong phạm vi cung cấp dịch vụ của người vận chuyển, chuyển đổi hành trình phù hợp cho hành khách hoặc chuyển sang chuyến bay khác để hành khách tới được điểm cuối của hành trình, miễn trừ điều kiện hạn chế về chuyển đổi hành trình hoặc chuyển đổi chuyến bay và phụ thu liên quan (nếu có) cho hành khách;

- Đối với chuyến bay chậm từ 05 giờ trở lên: trường hợp hành khách không yêu cầu người vận chuyển thực hiện nghĩa vụ theo quy định mà yêu cầu hoàn trả tiền vé, người vận chuyển hoàn trả toàn bộ tiền vé hoặc hoàn trả tiền phần vé chưa sử dụng theo sự lựa chọn của hành khách tại cảng hàng không hoặc tại các văn phòng đại diện, chi nhánh hoặc đại lý bán vé do hãng hàng không chỉ định;

- Đối với chuyến bay chậm kéo dài: ngoài các nghĩa vụ quy định trên thì khi hành khách có yêu cầu, người vận chuyển phải thực hiện bồi thường ứng trước không hoàn lại cho hành khách đã được xác nhận chỗ và có vé trên chuyến bay theo quy định về việc bồi thường ứng trước không hoàn lại trong vận chuyển hành khách bằng đường hàng không của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.

Thông tư 19/2023/TT-BGTVT có hiệu lực từ ngày 01/9/2023.

Xem thêm trường hợp chuyến bay bị hủy và khởi hành sớm tại bài viết: Quy định mới về bồi thường cho hành khách khi máy bay bị delay hoặc hủy chuyến

Chính sách mới tháng 9/2023 về cán bộ, công chức và hoạt động cho vay tín dụng

(2) Nâng mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công lên 2.055.000 đồng

Nghị định 55/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 75/2021/NĐ-CP ngày 24/7/2021 quy định mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng có hiệu lực từ thi hành từ ngày 05/9/2023.

Theo Nghị định 55/2023/NĐ-CP, mức chuẩn trợ cấp ưu đãi làm căn cứ để tính mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi đối với người có công với cách mạng và thân nhân người có công với cách mạng. 

Cụ thể, theo quy định mới sửa đổi tăng mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công từ 1.624.000 đồng lên 2.055.000 đồng

(Các mức quy định theo mức chuẩn tại Nghị định 55/2023/NĐ-CP được điều chỉnh khi mức chuẩn được điều chỉnh và làm tròn đến hàng nghìn đồng)

Trước đây, theo quy định hiện hành, mức chuẩn để xác định các mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng là 1.624.000 đồng được thực hiện từ ngày 1/7/2019 theo quy định tại Nghị định 58/2019/NĐ-CP của Chính phủ

Tuy nhiên, căn cứ Nghị quyết 69/2022/QH15 ngày 11/11/2022 của Quốc hội về dự toán ngân sách nhà nước năm 2023, từ ngày 1/7/2023, tăng mức chuẩn trợ cấp người có công bảo đảm không thấp hơn mức chuẩn hộ nghèo khu vực thành thị (2.000.000 đồng/người/tháng giai đoạn 2021-2025 theo Nghị định 07/2021/NĐ-CP)

Vậy nên, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã đề xuất Chính phủ điều chỉnh mức chuẩn trợ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng.

Xem thêm mức hưởng trợ cấp, phụ cấp ưu đãi người có công tại bài viết: Nghị định 55/2023/NĐ-CP: Tăng mức hưởng trợ cấp, phụ cấp, chế độ ưu đãi người có công từ 05/9/2023

(3) Bảng mức giá đối với một số đơn vị máu toàn phần từ ngày 15/9/2023

Ngày 20/7/2023, Bộ Y tế vừa ban hành Thông tư 15/2023/TT-BYT về quy định giá tối đa và chi phí phục vụ cho việc xác định giá một đơn vị máu toàn phần, chế phẩm máu đạt tiêu chuẩn.

Theo đó, Tại Điều 3 Thông tư 15/2023/TT-BYT có nêu rõ bảng giá tối đa của một số đơn vị máu toàn phần như sau:

STT

Máu toàn phần theo thể tích

Thể tích thực (ml) (±10%)

Giá tối đa (đồng)

1

Máu toàn phần 30 ml

35

111.000

2

Máu toàn phần 50 ml

55

161.000

3

Máu toàn phần 100 ml

115

298.000

4

Máu toàn phần 150 ml

170

429.000

5

Máu toàn phần 200 ml

225

521.000

6

Máu toàn phần 250 ml

285

661.000

7

Máu toàn phần 350 ml

395

786.000

8

Máu toàn phần 450 ml

510

894.000

Mức chi bình quân tối đa đối với ăn uống tại chỗ cho người hiến máu (cả người hiến máu tình nguyện không lấy tiền và người hiến máu lấy tiền): 30.000 đồng/người/lần hiến máu. Các cơ sở cung cấp máu có trách nhiệm tổ chức chu đáo, công khai để người hiến máu được ăn uống tại chỗ trước và sau khi hiến máu.

Chi cho người hiến máu tình nguyện không lấy tiền:

Người hiến máu toàn phần tình nguyện có thể lựa chọn nhận quà tặng bằng hiện vật hoặc bằng các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh có giá trị tối thiểu như sau:

- Một đơn vị máu thể tích 250 ml: 100.000 đồng;

- Một đơn vị máu thể tích 350 ml: 150.000 đồng;

- Một đơn vị máu thể tích 450 ml: 180.000 đồng.

Chi hỗ trợ chi phí đi lại đối với người hiến máu tình nguyện: Mức chi bình quân tối đa là 50.000 đồng/người/lần hiến máu.

*Hướng dẫn chi quà tặng bằng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh:

Trường hợp chi quà tặng bằng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, thủ trưởng đơn vị tiếp nhận máu có trách nhiệm công khai danh mục các dịch vụ và mức giá của từng dịch vụ để người hiến máu lựa chọn bảo đảm nguyên tắc:

- Tổng mức giá của các dịch vụ phải tương đương với mức chi quà tặng quy định tại điểm a và điểm b khoản 4 Điều này;

- Trường hợp tổng mức giá của các dịch vụ mà người hiến máu lựa chọn thấp hơn mức chi quà tặng tại điểm a và điểm b khoản 4 Điều 4 thì đơn vị tiếp nhận máu có trách nhiệm chi bổ sung quà tặng bằng hiện vật bảo đảm đủ mức chi quà tặng theo quy định;

- Trường hợp tổng mức giá của các dịch vụ mà người hiến máu lựa chọn cao hơn mức chi quà tặng tại điểm a và điểm b khoản 4 Điều 4:

Đơn vị tiếp nhận máu được thu thêm phần chênh lệch giữa tổng mức giá của các dịch vụ mà người hiến máu lựa chọn với mức chi quà tặng được nhận đồng thời có trách nhiệm giải thích công khai để người hiến máu hiểu và thực hiện.

Trường hợp phần chi phí vượt của các dịch vụ mà người hiến máu lựa chọn không quá 10% mức chi quà tặng được nhận thì thủ trưởng đơn vị tiếp nhận máu có thể quyết định sử dụng nguồn thu từ hoạt động cung cấp máu, chế phẩm máu để chi và quyết toán theo thẩm quyền.

- Mức giá của các dịch vụ trong gói quà tặng thực hiện theo quy định được cấp có thẩm quyền áp dụng với dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ bảo hiểm y tế trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước.

Xem chi tiết tại Thông tư 15/2023/TT-BYT có hiệu lực từ ngày 15/9/2023 và thay thế Thông tư 17/2020/TT-BYT

(4) Thu phí sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố tại TP. HCM từ 01/9/2023

Ngày 26/7/2023, UBND Tp. Hồ Chí Minh ban hành Quyết định 32/2023/QĐ-UBND quy định về quản lý và sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.

- Sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố không gây mất trật tự, an toàn giao thông; không chắn ngang nơi đường giao nhau, trước cổng và trong phạm vi 05 (năm) mét hai bên cổng trụ sở cơ quan, tổ chức; 

- Chiều rộng hè phố dành cho người đi bộ (không tính phần bó vỉa) tối thiểu từ 1,5 mét.

- Sử dụng tạm thời một phần lòng đường ngoài mục đích giao thông (không áp dụng trên tuyến quốc lộ đi qua đô thị) phải bảo đảm phần lòng đường còn lại đủ bố trí tối thiểu 2 làn xe ô tô cho một chiều lưu thông; trường hợp đặc biệt do UBND TPHCM quyết định. 

- Việc sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố phải được cơ quan chức năng có thẩm quyền cấp phép hoặc chấp thuận. Các hoạt động sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố được UBND TPHCM ban hành kế hoạch cụ thể sẽ không phải cấp giấy phép. 

- Việc đỗ xe ô tô trên hè phố chỉ được thực hiện tại nơi có biển báo hiệu giao thông cho phép đỗ xe. 

- Đảm bảo phù hợp công năng và kết cấu chịu lực của lòng đường, hè phố, công trình hạ tầng kỹ thuật và cây xanh xung quanh; có giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông vệ sinh môi trường và mỹ quan đô thị và công tác duy tu, bảo trì hệ thống hạ tầng kỹ thuật, cây xanh phù hợp.

- Tổ chức, cá nhân làm hư hỏng công trình đường bộ, hệ thống hạ tầng kỹ thuật, cây xanh phải có trách nhiệm sửa chữa, khôi phục theo hiện trạng ban đầu hoặc ở điều kiện tốt hơn.

- Phạm vi được phép sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố phải được phân định cụ thể. 

Lưu ý: Việc sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố phải nộp phí theo quy định.

Xem bài viết liên quan: Từ 01/9/2023, TP. Hồ Chí Minh sẽ thu phí sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố

Xem bài viết liên quan: Chính sách mới tháng 9/2023 về cán bộ, công chức và hoạt động cho vay tín dụng.

  •  3046
  •  Cảm ơn
  •  Phản hồi

Chủ đề đang được đánh giá

1 Lượt cảm ơn
câu phản hồi
Click vào bảng để xem hiển thị đầy đủ thông tin

Bạn vui lòng đăng nhập hoặc Đăng ký tại đây để tham gia thảo luận

Loading…