Theo đó, các bước thực hiện ký tắt điện tử đối với dự thảo Văn bản trình thuộc thẩm quyền ban hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ được hướng dẫn như sau:
Bước 1: Chuẩn bị văn bản dự thảo:
Bộ, ngành, địa phương truy cập đường dẫn (template văn bản dự thảo trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ) để tải biểu mẫu văn bản dự thảo của Văn phòng Chính phủ.
Bước 2: Tạo hồ sơ công việc, trình lãnh đạo ký tắt và gửi Văn bản, Tờ trình (có văn bản dự thảo có chữ ký tắt điện tử của người có thẩm quyền) đến Hệ thống Quản lý văn bản và Hồ sơ công việc của Văn phòng Chính phủ:
Chuyên viên của Bộ, ngành, địa phương sau khi đảm bảo đúng, đủ nội dung trình ký, thực hiện trình lãnh đạo Bộ, Ngành, Địa phương hồ sơ công việc (bao gồm văn bản dự thảo) theo luồng xử lý trên hệ thống Quản lý văn bản và điều hành của các bộ, ngành, địa phương.
Lãnh đạo Bộ, Ngành, Địa phương thực hiện ký tắt văn bản dự thảo, chữ ký tắt điện tử được thể hiện ngay sau dấu kết thúc văn bản “./.”
Văn bản dự thảo trình Lãnh đạo Chính phủ được đính kèm cùng văn bản phát hành gửi điện tử qua Trục liên thông văn bản Quốc gia đến Văn phòng Chính phủ.
Bước 3: Văn phòng Chính phủ tiếp nhận xử lý dự thảo Văn bản có chữ ký tắt điện tử:
Văn thư tổng hợp Vụ Hành chính của Văn phòng Chính phủ thực hiện kiểm tra văn bản được Bộ, ngành, địa phương gửi điện tử thông qua trục liên thông Văn bản Quốc gia.
- Trường hợp văn bản đảm bảo đúng, đủ nội dung, đúng thể thức, Văn phòng Chính phủ thực hiện luồng xử lý trình lên lãnh đạo Chính phủ.
- Trường hợp văn bản không đảm bảo về nội dung, thể thức, Văn phòng Chính phủ trả lại Bộ, ngành, địa phương thông qua trục liên thông văn bản Quốc gia. Bộ, ngành, địa phương phải cập nhật văn bản theo đúng quy định trước khi gửi lại Văn phòng Chính phủ.
Xem chi tiết tại Công văn 3287/VPCP-KSTT ngày 14/5/2024.