1. Bãi bỏ 09 VBQPPL lĩnh vực chứng khoán, kinh doanh bảo hiểm, ngân hàng từ 02/6/2020
Ngày 17/4/2020, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 28/2020/TT-BTC bãi bỏ toàn bộ 09 văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực chứng khoán, kinh doanh bảo hiểm và tài chính ngân hàng sau đây:
- Thông tư 194/2009/TT-BTC ngày 02/10/2009.
- Quyết định 99/2005/QĐ-BTC ngày 22/12/2005.
- Thông tư 99/2011/TT-BTC ngày 07/7/2011.
- Thông tư 121/2011/TT-BTC ngày 17/8/2011.
- Thông tư 101/2012/TT-BTC ngày 20/6/2012.
- Thông tư 57/2013/TT-BTC ngày 06/5/2013.
- Thông tư 96/2013/TT-BTC ngày 23/7/2013.
- Thông tư 105/2007/TT-BTC ngày 30/8/2007.
- Thông tư 35/2012/TT-BTC ngày 02/3/2012 .
Thông tư 28/2020/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 02/6/2020.
2. Thời hạn hoàn trả tạm ứng, thời hạn rút vốn tạm ứng ngân quỹ nhà nước
Thông tư 23/2020/TT-BTC quy định về tạm ứng, vay ngân quỹ nhà nước của ngân sách nhà nước chính thức có hiệu lực từ ngày 01/06/2020.
Theo đó, quy định thời hạn hoàn trả tạm ứng, thời hạn rút vốn tạm ứng ngân quỹ nhà nước với các đơn vị tạm ứng ngân quỹ nhà nước như sau:
- Thời hạn hoàn trả tạm ứng ngân quỹ nhà nước cho ngân sách nhà nước do Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định, đảm bảo chậm nhất ngày 31 tháng 12 của năm phát sinh khoản tạm ứng ngân quỹ nhà nước.
- Thời hạn rút vốn đối với các khoản tạm ứng ngân quỹ nhà nước chậm nhất ngày 20 tháng 12 của năm phát sinh khoản tạm ứng ngân quỹ nhà nước.
Sau thời hạn trên, khoản tạm ứng ngân quỹ nhà nước hết hạn rút vốn và bị hủy bỏ.
3. Những biện pháp cưỡng chế thi hành án đối với pháp nhân thương mại
Ngày 08/4/2020, Chính phủ ban hành Nghị định 44/2020/NĐ-CP quy định về cưỡng chế thi hành án đối với pháp nhân thương mại.
Theo đó, pháp nhân thương mại không chấp hành hoặc chấp hành không đầy đủ bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật sẽ bị áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành án sau:
- Phong tỏa tài khoản.
- Kê biên tài sản có giá trị tương ứng với số tiền bảo đảm thi hành cưỡng chế biện pháp tư pháp (kê biên tài sản).
- Tạm giữ tài liệu, chứng từ, thiết bị chứa dữ liệu điện tử.
- Tạm giữ hoặc thu hồi con dấu của pháp nhân thương mại.
Việc thực hiện cưỡng chế được thực hiện theo các nguyên tắc như:
- Chỉ được thực hiện khi có quyết định cưỡng chế bằng văn bản của cơ quan thi hành án hình sự có thẩm quyền.
- Thời hạn áp dụng biện pháp cưỡng chế để bảo đảm thi hành án không quá thời hạn chấp hành hình phạt theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật; thời hạn bảo đảm thi hành biện pháp tư pháp được xác định khi biện pháp tư pháp được thi hành xong.
Nghị định 44/2020/NĐ-CP chính thức có hiệu lực từ ngày 01/6/2020.
4. Danh mục hàng hóa nguy hiểm khi vận chuyển
Ngày 08/4/2020, Chính phủ ban hành Nghị định 42/2020/NĐ-CP quy định về Danh mục hàng hoá nguy hiểm, vận chuyển hàng hoá nguy hiểm bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ và vận chuyển hàng hóa nguy hiểm trên đường thuỷ nội địa.
Theo đó, ban hành kèm theo Thông tư là Danh mục hàng hóa nguy hiểm được phân thành 09 nhóm theo tính chất hóa, lý:
- Loại 1. Chất nổ và vật phẩm dễ nổ.
- Loại 2. Khí.
- Loại 3. Chất lỏng dễ cháy và chất nổ lỏng khử nhạy.
- Loại 4.
Nhóm 4.1: Chất rắn dễ cháy, chất tự phản ứng và chất nổ rắn được ngâm trong chất lỏng hoặc bị khử nhạy.
Nhóm 4.2: Chất có khả năng tự bốc cháy.
Nhóm 4.3: Chất khi tiếp xúc với nước tạo ra khí dễ cháy.
- Loại 5.
Nhóm 5.1: Chất ôxi hóa.
Nhóm 5.2: Perôxít hữu cơ.
- Loại 6.
Nhóm 6.1: Chất độc.
Nhóm 6.2: Chất gây nhiễm bệnh.
- Loại 7: Chất phóng xạ.
- Loại 8: Chất ăn mòn.
- Loại 9: Chất và vật phẩm nguy hiểm khác.
Nghị định 42/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/6/2020.