Lời tuyên thệ của Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
Chuyên viên pháp lý Dương Châu Thanh
20/03/2024 18:32 PM

Thực hiện nghi lễ tuyên thệ nhậm chức, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam sẽ đọc lời tuyên thệ. Xin hỏi nội dung lời tuyên thệ của Chủ tịch nước là gì?

Lời tuyên thệ của Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Lời tuyên thệ của Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (Hình từ internet)

Những chức danh nào phải tuyên thệ khi nhậm chức?

Hiến pháp 2013 nêu rõ: Sau khi được bầu, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao phải tuyên thệ trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp.

Quy định về lễ tuyên thệ và nội dung lời tuyên thệ của Chủ tịch nước

Theo Nghị quyết 71/2022/QH15, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao tuyên thệ trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp.

Ngoài nội dung trên, người tuyên thệ quyết định nội dung tuyên thệ phù hợp với trách nhiệm được giao.

Như vậy, nội dung lời tuyên thệ của Chủ tịch nước trước tiên là phải “trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp”, ngoài nội dung này, người tuyên thệ quyết định nội dung tuyên thệ phù hợp với trách nhiệm được giao.

Bên cạnh đó, Nghị quyết 71/2022/QH15 quy định vị trí tuyên thệ là vị trí trang trọng của lễ đài. Đại biểu Quốc hội, người được mời tham dự, dự thính tại phiên họp đứng trang nghiêm chứng kiến Lễ tuyên thệ.

**Lễ tuyên thệ được tiến hành theo trình tự sau đây:

- Quân nhạc cử nhạc nghi lễ và đội tiêu binh vào vị trí;

- Người tuyên thệ chào Quốc kỳ, tiến vào vị trí tuyên thệ và tiến hành tuyên thệ;

- Sau khi tuyên thệ, người tuyên thệ phát biểu nhậm chức.

Lời tuyên thệ của Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam qua các thời kỳ

Ngày 02/3/2023, thực hiện nghi lễ tuyên thệ nhậm chức, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Võ Văn Thưởng khẳng định: “Dưới cờ đỏ sao vàng thiêng liêng của Tổ quốc, trước Quốc hội và đồng bào cử tri cả nước, Tôi - Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam xin tuyên thệ: Tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với nhân dân, với Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; nỗ lực phấn đấu, hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó". (Nguồn Tạp chí Xây dựng Đảng)

Sáng ngày 26/7/2021, trước sự chứng kiến của Quốc hội, đứng trước cờ Tổ quốc, tay trái đặt lên bản Hiến pháp, tay phải giơ cao, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tuyên thệ: “Trước cờ đỏ sao vàng thiêng liêng của Tổ quốc, trước Quốc hội, trước đồng bào cử tri cả nước, tôi - Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam xin tuyên thệ: Tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Nhân dân và Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam. Tôi nguyện nỗ lực rèn luyện phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó". (Theo Dangcongsan.vn)

Chiều ngày 23/10/2018, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng (lúc bấy giờ) thực hiện nghi thức tuyên thệ nhậm chức. Ông nói: "Dưới cờ đỏ thiêng liêng của Tổ quốc, trước Quốc hội, trước đồng bào, cử tri cả nước, tôi, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Việt Nam, xin tuyên thệ: Tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với nhân dân, với Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nỗ lực phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó". (Nguồn Chinhphu.vn)

Ngày 02/4/2016, bày tỏ cảm ơn sự tín nhiệm Quốc hội dành cho mình, Cố Chủ tịch nước Trần Đại Quang tuyên thệ: "Trước cờ đỏ sao vàng thiêng liêng, trước Quốc hội, trước đồng bào cử tri cả nước, tôi - Chủ tịch nước Trần Đại Quang xin tuyên thệ: Tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Nhân dân và Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam. Tôi nguyện nỗ lực rèn luyện phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó".

Trình tự bầu Chủ tịch nước

Theo Nghị quyết 71/2022/QH15, trình tự bầu Chủ tịch nước được quy định như sau:

1. Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình danh sách đề cử để Quốc hội bầu Chủ tịch nước.

2. Ngoài danh sách do Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị, đại biểu Quốc hội có quyền giới thiệu thêm hoặc tự ứng cử vào chức danh Chủ tịch nước; người được giới thiệu ứng cử có quyền rút khỏi danh sách người ứng cử.

3. Đại biểu Quốc hội thảo luận tại Đoàn đại biểu Quốc hội; Chủ tịch Quốc hội có thể họp với các Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội để trao đổi về các vấn đề có liên quan.

4. Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội về việc giải trình, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội thảo luận tại Đoàn đại biểu Quốc hội; trình Quốc hội quyết định danh sách người ứng cử do đại biểu Quốc hội giới thiệu thêm hoặc tự ứng cử (nếu có).

5. Quốc hội thảo luận, biểu quyết thông qua danh sách để bầu Chủ tịch nước.

6. Quốc hội thành lập Ban kiểm phiếu.

7. Quốc hội bầu Chủ tịch nước bằng hình thức bỏ phiếu kín.

8. Ban kiểm phiếu báo cáo kết quả kiểm phiếu, kết quả biểu quyết.

9. Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội dự thảo nghị quyết bầu Chủ tịch nước.

10. Quốc hội thảo luận.

11. Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội về việc giải trình, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội và chỉnh lý dự thảo nghị quyết.

12. Quốc hội biểu quyết thông qua dự thảo nghị quyết.

13. Chủ tịch nước tuyên thệ.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,771

Bài viết về

Chủ tịch nước

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn